“Với tinh thần rõ ràng, dứt khoát, chỉ đạo đúng - đủ về những vấn đề đang gây khó khăn cho thị trường bất động sản của Nghị quyết số 33/NQ-CP, chúng tôi tin tưởng những vướng mắc, điểm nghẽn của thị trường sẽ sớm được khơi thông”, ông Nguyễn Văn Đính nói.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11.3.2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Trong đó, Chính phủ yêu cầu tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; có biện pháp xử lý phù hợp cho các doanh nghiệp BĐS khó khăn (như giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ…); tập trung các dự án, phương án vay vốn khả thi, khách hàng có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn; ưu tiên các dự án BĐS nhà ở, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, có hiệu quả, thanh khoản tốt như nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, văn phòng cho thuê, BĐS phục vụ sản xuất, công nghiệp, du lịch; có biện pháp phù hợp, hiệu quả giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường BĐS; tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể trong phát triển nhà ở xã hội…
Đánh giá về nghị quyết này, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng việc ban hành Nghị quyết 33 cho thấy tính quyết liệt của Chính phủ về việc quyết tâm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy trở lại sự ổn định, phát triển bền vững cho thị trường BĐS Việt Nam.
“Sự khác biệt trong quan điểm lần này của Chính phủ được thể hiện ở chỗ tất cả các chủ thể có liên quan phải đề cao trách nhiệm, chung tay cùng tháo gỡ khó khăn; nhà ở là phải có người ở, muốn có người ở phải phát triển sản xuất, dịch vụ, hạ tầng; tháo gỡ khó khăn phải đi đôi với kiểm soát rủi ro; không hình sự hóa quan hệ kinh tế - dân sự, bảo vệ cán bộ làm đúng; hoàn thiện thể chế để thúc đẩy thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững...”, ông Đính nói.
Theo ông Đính, mục tiêu của nghị quyết cũng rất cụ thể, chính xác. Nghị quyết chỉ rõ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế và nguồn vốn cho thị trường; thúc đẩy phát triển để tăng nguồn cung, cùng với điều chỉnh cơ cấu hợp lý hơn; chú trọng hơn đến phát triển nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, nhà ở phù hợp thu nhập người dân; thường xuyên theo dõi giám sát thị trường, để kịp thời xử lý chính sách với hiện tượng nóng hoặc đóng băng, tung tin thất thiệt, thổi giá, trục lợi...
“Quan điểm và mục tiêu của Chính phủ đã bám sát thực trạng khó khăn, vướng mắc, lệch lạc của thị trường hiện tại nên đã tạo ra tư duy chỉ đạo và giao nhiệm vụ đến từng nhóm vấn đề, đúng người, đúng đối tượng”, ông Đính nói.
Ngoài ra, lãnh đạo Hội Môi giới BĐS Việt Nam cũng cho hay, có một vấn đề khác là thông tin, truyền thông. Chính phủ chỉ đạo phải đẩy mạnh truyền thông, phải giám sát truyền thông, không để thông tin không chính xác gây hiểu lầm và tác động tâm lý tiêu cực; công bố, công khai, minh bạch thông tin.
“Chính phủ không những chỉ đạo hệ thống quản lý nhà nước mà còn chỉ đạo các doanh nghiệp BĐS phải ưu tiên việc thanh toán nợ, đặc biệt là nợ trái phiếu. Với tinh thần rõ ràng, dứt khoát, chỉ đạo đúng - đủ những vấn đề đang tạo khó khăn của thị trường BĐS của Nghị quyết số 33/NQ-CP, chúng tôi tin tưởng những vướng mắc, điểm nghẽn của thị trường sẽ sớm được khơi thông, thị trường sẽ sớm hồi phục, ổn định và phát triển trở lại”, ông Đính nói.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cũng cho rằng Nghị quyết 33 của Chính phủ đã đánh giá chính xác tình hình thị trường BĐS hiện nay; xác định cụ thể những khó khăn, vướng mắc chủ yếu, chỉ rõ các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan.
Ngoài ra, ông Châu cũng cho rằng điều quan trọng là Nghị quyết 33 đã đề ra các quan điểm và mục tiêu để xây dựng, phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững; gắn bó hữu cơ với sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế đất nước trong bối cảnh tình hình thế giới và nền kinh tế toàn cầu đang diễn biến phức tạp và đứng trước những thách thức rất lớn với các nhân tố bất định, khó lường.
Ông Châu cũng nói nghị quyết của Chính phủ đã chỉ đạo tổng thể các giải pháp rất đúng, rất trúng và giao nhiệm vụ rất cụ thể cho từng bộ ngành, chính quyền cấp tỉnh thành và chỉ rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp BĐS theo quan điểm “tất cả các chủ thể có liên quan phải đề cao trách nhiệm; chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, công khai, minh bạch và bền vững”.
“Khi thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh khu đô thị, khu nhà ở thì phải “quy hoạch, đầu tư phát triển hệ sinh thái BĐS công nghiệp, BĐS dịch vụ, du lịch và bất động sản nhà ở đô thị để hài hòa giữa cung và cầu; nhà ở phải có người ở, muốn có người ở thì phải phát triển sản xuất, kinh doanh công nghiệp dịch vụ, hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ”. Trong đó “các doanh nghiệp kinh doanh BĐS có trách nhiệm ưu tiên mọi nguồn lực để thanh toán nợ, đặc biệt là nợ trái phiếu; chủ động nghiên cứu tái cơ lại giá cả, cấu sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường”, ông Châu nói.