Việc chống dịch COVID-19 đang căng trở lại ở ĐBSCL. Hầu hết các tỉnh đều khó khăn ở chỗ vừa vất vả chống dịch, vừa phải nhanh chóng phục hồi kinh tế. Hậu Giang, Cần Thơ là những trường hợp điển hình.

Doanh nghiệp gặp khó khi Hậu Giang, Cần Thơ còn căng thẳng chống dịch

Văn Kim Khanh | 08/10/2021, 12:11

Việc chống dịch COVID-19 đang căng trở lại ở ĐBSCL. Hầu hết các tỉnh đều khó khăn ở chỗ vừa vất vả chống dịch, vừa phải nhanh chóng phục hồi kinh tế. Hậu Giang, Cần Thơ là những trường hợp điển hình.

Ông Trần Quốc Dư, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Cửu Long, đơn vị đầu tư khu công nghiệp Đông Phú cho biết: “Trong 3 tháng qua, do giãn cách chống dịch, doanh nghiệp phải ngưng thi công. Hiện nay, chúng tôi đang làm hồ sơ về phương án thi công, để tiếp tục công việc theo tiến độ. Cụm công nghiệp tập trung Đông Phú (Hậu Giang) có diện tích 120ha, tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng. Sau 10 tháng khởi công, đến nay, doanh nghiệp đã đền bù, giải tỏa được 50ha. Công ty hy vọng tình hình chống dịch có tiến bộ, đi lại dễ dàng, để đẩy nhanh tiến độ dự án”.

Ông Nguyễn Văn Di, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang cho biết: “Công ty đã thực hiện "3 tại chỗ" trong sản xuất 3 tháng qua. Công ty phải thu hẹp sản xuất, để thích nghi hoạt động. Trước tháng 7.2021, công ty có 10.000 công nhân, hiện nay chỉ còn 1.700 công nhân. Để duy trì sản xuất, chúng tôi phải lo nơi ăn chốn ở cho công nhân, lo test nhanh, lo chi phí 3 tại chỗ theo quy định. Tuy có khó khăn, nhưng chúng tôi quản lý tốt cơ sở, không để xảy ra dịch bệnh. Tỉnh Hậu Giang tạo điều kiện cho công ty hoạt động, cấp phép chúng tôi xây nhà tại chỗ cho công nhân. Chúng tôi mong rằng tình hình chống dịch sẽ tốt hơn để nhà máy phục hồi dần công suất ban đầu. Hiện nay, nhà máy vẫn còn một số công nhân, cán bộ kỹ thuật cư ngụ trên địa bàn TP.Cần Thơ, những người này chưa được đi lại do quy định chống dịch của Cần Thơ và Hậu Giang”.

san-xuat-minh-phu-hg.jpg
Sản xuất 3 tại chỗ tại Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang - Ảnh: TL

Ông Thái Minh Thuyết, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xi măng Cần Thơ Hậu Giang cho biết: “Ba tháng nay, từ nhà tôi đến Công ty ở Châu Thành Hậu Giang chưa được 10km, nhưng việc đi lại của tôi và một số người lao động tại công ty vô cùng khó khăn, do những quy định chống dịch COVID-19. Tại công ty, chúng tôi thu hẹp sản xuất, do phương án "3 tại chỗ" không thể có nhiều công nhân được. Tình trạng này kéo dài, công ty luôn phải sản xuất trong sự thua lỗ, do nhiều nguyên nhân. Chúng tôi mong mỏi Hậu Giang và Cần Thơ sớm có những quy định mới, tạo điều kiện cho lãnh đạo doanh nghiệp và công nhân được đi lại lao động sản xuất thuận lợi hơn”.

Không chỉ doanh nghiệp Hậu Giang, nhiều doanh nghiệp ở Cần Thơ cũng có chung tình trạng khó khăn như thế. Nhiều công nhân và cán bộ kỹ thuật ở Vĩnh Long, Hậu Giang... qua làm việc tại các doanh nghiệp ở Cần Thơ, tình hình cũng khó khăn tương tự. Trao đổi với ông Nguyễn Văn Hồng, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, ông cho biết tình hình chống dịch COVID-19 vẫn còn căng thẳng, vì vậy việc qua lại giữa các tỉnh vẫn còn khó. Nếu có quy định mới, phải có sự phối hợp với các tỉnh lân cận.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Hòa cũng cho biết hiện nay tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp bắt tay vào sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp có phương án sản xuất đảm bảo an toàn theo tinh thần phòng chống dịch sẽ được phê duyệt. Về việc doanh nghiệp yêu cầu người lao động được đi về trong ngày, tỉnh Hậu Giang và TP.Cần Thơ vẫn chưa có quy định mới. Tuy nhiên, khi dịch bệnh COVID-19 giảm, việc đi lại của người lao động của các doanh nghiệp sẽ được lãnh đạo các địa phương phối hợp giải quyết.

xi-mang-cthg.jpg
 Nhà máy Xi măng Cần Thơ-Hậu Giang - Ảnh: TL

Nếu chậm việc mở đi lại giữa các địa phương, Hậu Giang có thể sẽ bị ảnh hưởng nhiều, bởi các doanh nghiệp hiện chỉ còn hoạt động từ 30-40% công  suất. Trong khi đó, những chỉ tiêu phấn đấu trong kế hoạch phục hồi kinh tế của tỉnh Hậu Giang là khá cao: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng từ 4,45 - 6,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 800 triệu USD, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 16.900 tỉ đồng, tổng thu nội địa 4.010 tỉ đồng; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đến ngày 31.12.2021 giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đạt từ 95% đến 100% kế hoạch giao đầu năm; khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh...

Một cán bộ thuộc cơ quan kinh tế của tỉnh Hậu Giang  cho rằng việc mỗi tỉnh ở ĐBSCL vẫn còn "rào chắn" trong chống dịch sẽ rất khó cho doanh nghiệp. Các tỉnh nên  sớm phối hợp và có hướng mở như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... thì doanh nghiệp sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn trong sản xuất, kinh doanh

Ông Nguyễn Phong Minh, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang cho biết: “Hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải thực hiện sản xuất theo phương án "3 tại chỗ" do tỉnh phê duyệt. Khi nào tình hình chống dịch có tiến bộ, thì tỉnh sẽ có những quy định mới. Chúng tôi cũng thấu hiểu những khó khăn, bức xúc của doanh nghiệp, tuy nhiên, hiện nay áp lực chống dịch và phục hồi kinh tế là chuyện khó, Ban Quản lý khu công nghiệp luôn nắm bắt và đề xuất với tỉnh những bước đi hợp lý”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp gặp khó khi Hậu Giang, Cần Thơ còn căng thẳng chống dịch