Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam vừa có báo cáo về việc thực hiện quy định lắp camera ghi hình lái xe và hành khách trên xe khách từ 9 chỗ trở lên, xe đầu kéo sơ mi rơ moóc.

Doanh nghiệp than khó với quy định lắp camera ghi hình lái xe và hành khách

Lam Thanh | 09/10/2020, 14:12

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam vừa có báo cáo về việc thực hiện quy định lắp camera ghi hình lái xe và hành khách trên xe khách từ 9 chỗ trở lên, xe đầu kéo sơ mi rơ moóc.

Không thống nhất giữa Nghị định 10 và Thông tư 12

Hiệp hội này cho biết hiện chưa có đơn vị nào lắp camera trên xe theo quy định nói trên. Đồng thời các đơn vị cũng phản ánh chưa nắm rõ mục đích của việc này (nhất là với yêu cầu lắp camera ở cửa lên xuống xe và trong khoang hành khách) và đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể hơn.

Hiệp hội này cho rằng quy định không thống nhất trong Nghị định 10 và Thông tư 12.

Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 13 Nghị định 10 quy định: “Trước ngày 1.7.2021, xe ô tô kinh doanh vận tải khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống xe) trong quá trình xe tham gia giao thông”.

Tại Khoản 2 Điều 8 của Thông tư 12, quy định: “Đơn vị kinh doanh vận tải quyết định vị trí, số lượng camera lắp đặt trên xe ô tô thuộc đơn vị mình để đảm bảo quan sát được toàn bộ hình ảnh người lái xe đang làm việc, khoang hành khách và các cửa lên xuống xe…”.

Ở Nghị định 10 quy định ghi hình đối với lái xe và vị trí tại cửa lên xuống (tương tự như việc ghi hình để kiểm soát số lượng hành khách lên xuống xe mà một số đơn vị vận tải đang làm); còn trong Thông tư 12 lại quy định phải đảm bảo quan sát được cả khoang hành khách và các cửa lên xuống.

Việc quy định tại Thông tư 12 như trên đặt ra mấy vấn đề phải làm rõ. Cụ thể, việc quy định ghi hình trong khoang hành khách nhằm mục đích gì; phải đảm bảo ghi nhận những vi phạm gì của nhân viên phục vụ trên xe hoặc hành khách chưa được làm rõ.

Hơn nữa, về cơ sở pháp lý của việc ghi hình đối với hành khách ngồi trên xe trong suốt hành trình hiện còn có nhiều ý kiến khác nhau. Cùng với đó, nếu thực hiện theo quy định của Thông tư 12 thì số lượng camera phải lắp đặt sẽ tăng lên nhiều: ví dụ nếu là loại xe khách trên 30 ghế phải lắp tối thiểu 4 camera (1 camera ghi hình lái xe, 2 camera ghi hình 2 cửa lên xuống và tối thiểu 1 camera ghi hình khoang hành khách).

Gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp

Hiệp hội này cho rằng cần có sự hướng dẫn thống nhất giữa các cơ quan nhà nước để việc thực hiện lắp đặt camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải đạt hiệu quả.

Theo các quy định tại Nghị định 10 và Thông tư 12 không có nội dung nói về việc ban hành quy chuẩn của loại camera lắp trên xe để đáp ứng các yêu cầu quản lý (đối với thiết bị giám sát hành trình thì có quy chuẩn).

Tuy nhiên, theo dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất – Phần truy nhập vô tuyến (QCVN 117-2020/BTTTT) của Bộ Thông tin - Truyền thông thì camera ghi hình và truyền dữ liệu về máy chủ theo quy định tại Nghị định 10 và Thông tư 12 thuộc loại thiết bị đầu cuối phải thực hiện theo quy chuẩn (tương tự như thiết bị giám sát hành trình). Đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu về vấn đề này, nếu phải ban hành quy chuẩn thì phải nghiên cứu và ban hành quy chuẩn sớm.

Về chi phí cho việc lắp đặt và truyền dữ liệu hình ảnh về máy chủ, theo quy định tại Thông tư 12 thì đối với xe khách phải lắp 3-4 camera mới đủ để ghi hình đối với lái xe, tại các cửa lên xuống và khoang hành khách. Giá camera trên thị trường trung bình với loại có tính năng truyền dữ liệu như quy định là 3 triệu/camera và số camera phải lắp cho toàn bộ các đối tượng phải lắp là 800.000 - 900.000 chiếc.

Hiện nay Bộ Thông tin và truyền thông đang chuẩn bị ban hành quy chuẩn mới cho các thiết bị đầu cuối phát sóng mặt đất. Theo đó từ 1.7.2021 sẽ không sử dụng sóng 2G, 3G mà chuyển sang sử dụng sóng 4G với tốc độ truyền nhanh hơn nhiều lần sóng 2G, 3G nhưng chi phí cho việc truyền dữ liệu sẽ tăng lên nhiều.

Theo ý kiến một số chuyên gia thì chi phí truyền dữ liệu khi sử dụng sóng 4G sẽ tăng khoảng 3 lần so với sử dụng sóng 2G (ví dụ cho việc đang sử dụng thiết bị giám sát hành trình hiện nay sử dụng sóng 2G là 80.000đ/máy/tháng thì nếu sử dụng sóng 4G sẽ là 240.000đ - 320.000đ/tháng.

Với những chi phí như trên thì đó là khoản chi phí rất đáng kể đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, nhất là trong điều kiện đang thực hiện các biện pháp phòng chống COVID-19 như hiện nay.

Hiện nay, các đơn vị kinh doanh vận tải đang thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Thiết bị này đã ghi nhận các vi phạm về hành trình, tốc độ của phương tiện, thời gian làm việc của lái xe; các dữ liệu vi phạm đã được truyền về máy chủ của các đơn vị dịch vụ, sau đó dữ liệu được truyền về máy chủ của Tổng Cục đường bộ Việt Nam. Các dữ liệu này đã được tổng hợp, thông báo đến các cơ quan quản lý để phục vụ công tác chấn chỉnh, nhắc nhở, công tác thanh tra, kiểm tra một số nơi đã sử dụng là cơ sở xử lý vi phạm hành chính.

Hiện nay các đơn vị đầu tư thiết bị với chi phí 1,5 triệu/cái và chi phí truyền dữ liệu 80.000đ/tháng. Nếu tính cho khoảng 800.000 xe đang lắp thiết bị và truyền dữ liệu về Tổng cục đường bộ thì chi phí này khoảng gần 1.000 tỉ/năm (bao gồm khấu hao thiết bị và chi phí truyền dữ liệu).

Nhiều ý kiến cho rằng chỉ khi nào có tổng kết đánh giá đã sử dụng hết tính năng, tác dụng của thiết bị giám sát hành trình mới lắp đặt thêm các thiết bị giám sát khác trên xe.

Nhiều nội dung cần phải được làm rõ

Hiệp hội này cũng kiến nghị việc ghi và lưu trữ hình ảnh bằng camera trên xe hoàn toàn phục vụ cho cơ quan quản lý nhà nước, vì vậy cần làm rõ hiệu quả và mục đích của việc lắp đặt này. Cần có thí điểm, tổng kết trước khi cho lắp đặt đại trà, đồng thời phải tính toán thêm độ an toàn của hệ thống điện khi lắp thêm các phụ kiện vì đã có trường hợp bị cháy xe do lắp thêm các phụ kiện.

Hiện nay, các doanh nghiệp vận tải đang bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đang trên bờ vực của sự phá sản. Trong khi đó, chi phí cho việc lắp camera khoảng 10 triệu đồng/xe, mỗi doanh nghiệp phải chi từ 1 - 2 tỉ đồng và toàn quốc khoảng 8 - 9 nghìn tỉ đồng là quá sức chịu đựng của các doanh nghiệp. Vì vậy, đề nghị nếu có tính khả thi và thực sự cần thiết thì xin lùi lại thời hạn cuối cùng thêm 2 năm nữa, tức là cuối tháng 6 năm 2023.

Hiệp hội cũng đề nghị làm rõ việc truyền dữ liệu từ camera về Tổng cục Đường bộ Việt Nam để làm gì? Có công nghệ để xử lý một lượng thông tin khổng lồ hay không? Chi phí cho việc lắp đặt camera và truyền dữ liệu là quá lớn, kết quả thu được có tương xứng không? Ghi hình đối với hành khách trên xe trong suốt quá trình xe chạy có vi phạm quyền riêng tư của hành khách không?

Hiện nay, việc thực hiện Quy chuẩn thiết bị giám sát hành trình, các đơn vị cung ứng thiết bị giám sát hành trình phải thực hiện theo 2 quy chuẩn, do Bộ Giao thông vận tải ban hành theo Quy chuẩn QCVN 31/2014/BGTVT và Bộ Thông tin truyền thông ban hành theo Quy chuẩn QCVN 12:2015/BTTTT. Đề nghị 2 Bộ: Bộ Giao thông vận tải và Bộ Thông tin truyền thông xem xét có sự thống nhất để chỉ để 1 Bộ ban hành quy chuẩn và quản lý theo chủ trương chung của Chính phủ là 1 việc chỉ do 1 cơ quan phụ trách.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
một giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp than khó với quy định lắp camera ghi hình lái xe và hành khách