Chỉ các mạng xã hội có được cấp phép hoặc có thông báo hoạt động với Bộ TT-TT mới được cung cấp dịch vụ livestream.
Bổ sung quy định về quản lý livestream
Thông tin này được đưa ra tại Dự thảo nghị định thay thế sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng của Bộ TT-TT.
Dự thảo tờ trình nêu rõ, hiện nay, trên các mạng xã hội trong nước và mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam xuất hiện tính năng “livestream” là tính năng cho phép tài khoản mạng xã hội truyền tải trực tuyến video theo thời gian thực.
Thực tế cho thấy đây là hình thức thông tin tác động, ảnh hưởng nhanh tới xã hội, cơ quan soạn thảo nhận thấy cần phải bổ sung quy định để quản lý tính năng này.
Theo đó, chỉ các mạng xã hội có Giấy phép mạng xã hội (tổ chức, doanh nghiệp trong nước) hoặc có thông báo hoạt động với Bộ TT-TT (tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới tại Việt Nam) mới được cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (livestream). Các hoạt động chuyên ngành cung cấp dưới hình thức livestream phải tuân thủ quy định về pháp luật chuyên ngành.
Ngoài ra, nghị định cũng bổ sung quy định xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội qua số điện thoại di động tại Việt Nam.
Tại điểm a khoản 2 Điều 26 Luật An ninh mạng đã có quy định các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm “xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số” và “cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng”.
Tuy nhiên, do chưa có quy định hướng dẫn Luật An ninh mạng về nội dung này nên các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội trong và ngoài nước chưa thể triển khai quy định này.
Tờ trình nêu rõ, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng có xu hướng gia tăng nên để đảm bảo hiệu quả quản lý mạng xã hội trong nước và ngoài nước cung cấp xuyên biên giới tại Việt Nam, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm người dùng mạng xã hội khi đăng tải thông tin lên mạng, cơ quan soạn thảo thấy cần thiết phải bổ sung quy định xác thực tài khoản này.
Không cấp phép cho dòng game bài giải trí
Game bài giải trí là trò chơi điện tử trên mạng không đổi thưởng, có nội dung, kịch bản mô phỏng các trò chơi có thưởng trong các cơ sở kinh doanh casino, các trò chơi sử dụng hình ảnh lá bài.
Qua thực tiễn công tác quản lý thời gian qua, cơ quan soạn thảo nhận thấy dòng game bài giải trí dù cấm đổi thưởng vẫn rất dễ bị lợi dụng, biến tướng thành cờ bạc, đổi thưởng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, có tác động xấu đến thế hệ trẻ, trong khi các giải pháp quản lý hiện tại chưa bảo đảm khả năng giám sát hiệu quả việc biến tướng thành hoạt động cờ bạc bên ngoài game.
Vì vậy, từ năm 2010 đến nay, Bộ TT-TT đã duy trì chủ trương tạm dừng cấp phép đối với dòng game bài giải trí (không đổi thưởng).
Ngày 9.6.2022, Bộ TT-TT đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng ngừa, đấu tranh hoạt động cung cấp trò chơi điện tử cờ bạc trên mạng.
Theo đó, Bộ TT-TT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung các quy định về việc dừng hẳn cấp phép dòng game bài giải trí vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP đang được bộ chủ trì xây dựng, trình Chính phủ.
Cơ quan soạn thảo đã cụ thể hóa bằng việc bổ sung quy định: không cấp phép đối với trò chơi điện tử trên mạng có nội dung, kịch bản mô phỏng các trò chơi có thưởng trong các cơ sở kinh doanh casino, các trò chơi sử dụng hình ảnh lá bài vào dự thảo nghị định thay thế.
Khoá các tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng vi phạm
Ngoài ra, dự thảo nghị định cũng bổ sung quy định tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cung cấp thông tin trên mạng phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến an ninh quốc gia khi có yêu cầu của Bộ TT-TT. Trường hợp không xử lý theo yêu cầu, Bộ TT-TT triển khai các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn các trang thông tin điện tử, ứng dụng, nền tảng cung cấp dịch vụ.
Bên cạnh việc bổ sung quy định tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cung cấp thông tin trên mạng phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất bổ sung thêm quy định yêu cầu các mạng xã hội trong nước và xuyên biên giới tạm khóa hoặc khóa vĩnh viễn các tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung thường xuyên vi phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng an ninh quốc gia.
Quy định này sẽ giúp giải quyết cơ bản nguồn vi phạm, cũng như giảm thời gian và nguồn lực của các cơ quan chức năng trong việc thực hiện chặn gỡ từng nội dung vi phạm như hiện nay.
Ngoài ra, cơ quan soạn thảo nhận thấy cần phải bổ sung thêm biện pháp xử lý nhanh với những cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ internet để cung cấp nội dung chống phá Đảng và Nhà nước trên môi trường mạng, nhất là sử dụng dịch vụ livestream trên các mạng xã hội.
Do đó, cơ quan soạn thảo đã bổ sung quy định yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet ngừng hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ internet đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ internet để cung cấp nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, theo yêu cầu của Bộ TT-TT.