Intel hôm 2.4 tiết lộ khoản lỗ ngày càng tăng với hoạt động kinh doanh sản xuất chip của mình, một đòn giáng mạnh vào công ty Mỹ khi đang cố gắng giành lại vị trí dẫn đầu đã mất những năm gần đây vào tay TSMC (Đài Loan).
Intel cho biết đơn vị sản xuất chip lỗ 7 tỉ USD trong hoạt động kinh doanh vào năm 2023, lớn hơn mức lỗ 5,2 tỉ USD của năm 2022. Đơn vị sản xuất chip của Intel có doanh thu 18,9 tỉ USD vào năm 2023, giảm 31% so với mức 27,49 tỉ USD của 2022.
Cổ phiếu Intel đã giảm 4,3% sau khi tài liệu được nộp lên Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC).
Trong buổi thuyết trình với các nhà đầu tư, Pat Gelsinger (Giám đốc điều hành Intel) cho biết 2024 sẽ là năm thua lỗ tồi tệ nhất với hoạt động kinh doanh sản xuất chip của họ và hãng dự kiến sẽ hòa vốn trên cơ sở hoạt động vào khoảng năm 2027.
Ông nói hoạt động kinh doanh sản xuất chip của Intel đang bị ảnh hưởng bởi những quyết định sai lầm, gồm cả việc không sử dụng máy in thạch bản cực tím (EUV) từ công ty ASML. EUV của ASML (Hà Lan) không thể thiếu để sản xuất những chip cao cấp nhất. Dù có giá hơn 150 triệu USD nhưng máy EUV sẽ giúp tiết kiệm chi phí hơn so với các công cụ sản xuất chip trước đây.
Một phần hậu quả của những sai lầm này khiến Intel phải thuê các nhà sản xuất hợp đồng, gồm cả TSMC, gia công khoảng 30% tổng số wafer (đĩa bán dẫn), Pat Gelsinger nói. Intel đặt mục tiêu giảm tỷ lệ này xuống khoảng 20%.
Intel hiện đã chuyển sang sử dụng máy EUV, công cụ này sẽ đáp ứng ngày càng nhiều nhu cầu sản xuất hơn khi các máy cũ bị loại bỏ.
Pat Gelsinger nói: “Trong kỷ nguyên hậu EUV, chúng tôi thấy rằng đang rất cạnh tranh về giá cả, hiệu suất và trở lại vị trí dẫn đầu. Trong thời kỳ tiền EUV, chúng tôi phải chịu rất nhiều chi phí và không có tính cạnh tranh".
Intel có kế hoạch chi 100 tỉ USD để xây dựng hoặc mở rộng các nhà máy sản xuất chip ở 4 bang của Mỹ. Kế hoạch xoay chuyển tình thế kinh doanh này phụ thuộc vào việc thuyết phục các công ty bên ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất chip của Intel.
Là một phần trong kế hoạch đó, Intel nói với các nhà đầu tư rằng hãng sẽ bắt đầu báo cáo kết quả hoạt động sản xuất chip của mình dưới dạng đơn vị độc lập.
Intel đã đầu tư rất nhiều để bắt kịp các đối thủ sản xuất chip chính của mình là TSMC và Samsung Electronics.
Trong khi đó, TSMC phải chạy đua đào tạo nhân sự cho tất cả nhà máy sản xuất chip của mình do nhu cầu toàn cầu không ngừng tăng.
Với nhu cầu chip tăng theo cấp số nhân, TSMC cùng các khách hàng của mình (gồm Apple, Nvidia, AMD) đều cần nhanh chóng giao hàng. Việc đảm bảo nguồn cung không đứt gãy cũng rất quan trọng với Tổng thống Mỹ - Joe Biden do ông đang trông cậy vào TSMC để vực dậy ngành sản xuất tại bang Arizona.
Nhu cầu cực lớn về chip AI giúp Nvidia trở thành công ty được các nhà đầu tư yêu thích. Giá cổ phiếu Nvidia đã tăng hơn 600% kể từ cuối năm 2022, giúp hãng chip lớn nhất thế giới có trụ sở tại thành phố Santa Clara (bang California, Mỹ) đạt vốn hóa thị trường 2.240 tỉ USD, chỉ đứng sau Microsoft và Apple. Theo số liệu từ hãng New Street Research, Nvidia chiếm khoảng 95% thị phần bộ xử lý đồ họa (GPU).
Quy trình sản xuất tiên tiến của TSMC được sử dụng trong việc sản xuất chip hàng đầu cho Nvidia.
90% lượng chip tiên tiến trên thế giới do TSMC sản xuất. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn cũng như sức ép rút ngăn khoảng cách địa lý với khách hàng, TSMC xây thêm nhà máy ở Mỹ, Nhật Bản và Đức, ngoài những cơ sở hiện có tại Đài Loan, Trung Quốc và bang Washington (Mỹ).
Trang Bloomberg đưa tin TSMC chuẩn bị nhận được hơn 5 tỉ USD tiền tài trợ liên bang từ chính phủ Mỹ để xây một nhà máy sản xuất chip ở bang Arizona.
Chưa rõ liệu TSMC có tận dụng các khoản vay và đảm bảo được cung cấp từ Đạo luật Chips and Science năm 2022 của Mỹ hay không. TSMC và Bộ Thương mại Mỹ không trả lời các câu hỏi của Reuters về vấn đề này.
TSMC cho biết sẽ đầu tư khoảng 40 tỉ USD vào nhà máy ở Arizona, một trong những khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất trong lịch sử Mỹ.
Mỹ đang nỗ lực tăng cường sản xuất chất bán dẫn trong nước với đạo luật Chips and Science, được thông qua vào năm 2022 và cung cấp 52,7 tỉ USD tài trợ, gồm 39 tỉ USD trợ cấp cho sản xuất chất bán dẫn và 11 tỉ USD cho nghiên cứu & phát triển.
Chính quyền Biden thông báo sẽ trao 1,5 tỉ USD cho nhà sản xuất chip theo hợp đồng GlobalFoundries theo đạo luật Chips and Science.
Vào tháng 2, bà Gina Raimondo (Bộ trưởng Thương mại Mỹ) cho biết Bộ này có kế hoạch trao một số khoản tài trợ trong vòng hai tháng.
Hồi tháng 1, TSMC cho biết rằng nhu cầu về đóng gói chip tiên tiến rất lớn và không thể cung cấp đủ năng lực để hỗ trợ khách hàng. Tình trạng này sẽ tiếp tục sang năm sau. Năng lực đóng gói tiên tiến bị tụt hậu là trở ngại chính cho việc tăng quy mô cung cấp chip AI phức tạp.
Hôm 24.2, TSMC đã tổ chức lễ khai trương nhà máy đầu tiên tại Nhật Bản. Nhà máy này nằm tại thị trấn Kikuyo thuộc tỉnh Kumamoto, dự kiến bắt đầu sản xuất loạt chip có công nghệ hoàn thiện (gồm cả chip 12 nanomet dùng cho ô tô và thiết bị công nghệ) từ quý 4/2024.
Nhà máy trị giá 8,6 tỉ USD này được quản lý bởi công ty con của TSMC là Japan Advanced Semiconductor Manufacturing. Chính phủ Nhật trợ cấp cho nhà máy của TSMC khoảng 3,2 tỉ USD.
Ngoài ra, TSMC chuẩn bị xây một nhà máy nữa cũng ở tỉnh Kumamoto, nâng tổng vốn đầu tư cho hoạt động tại Nhật Bản lên hơn 20 tỉ USD.
Thuyết phục TSMC xây nhà máy là một phần trong nỗ lực của Nhật Bản nhằm hồi sinh ngành chip nội địa, đồng thời củng cố chuỗi cung ứng quốc gia giữa lúc nhu cầu sản phẩm bán dẫn không ngừng tăng. Các đơn vị sản xuất chip Nhật từng nắm giữ hơn 50% thị phần toàn cầu vào những năm 1980, nhưng sau đó đánh mất năng lực cạnh tranh vì xung đột thương mại gay gắt với Mỹ.
TSMC đã triển khai chính sách đa dạng hóa địa điểm sản xuất. Ngoài Mỹ và Nhật Bản, TSMC còn xây thêm nhà máy ở Đức.
Hồi tháng 8.2023, TSMC thông báo sẽ xây nhà máy chip đầu tiên của họ tại châu Âu, với sự hỗ trợ từ chính phủ Đức, nhằm giúp Đức giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.
TSMC chấp thuận rót 3,8 tỉ USD vào một nhà máy ở Đức. Tổng đầu tư vào nhà máy này dự kiến vượt 10 tỉ euro (gần 11 tỉ USD), gồm cả khoản hỗ trợ của chính phủ Đức.
Nhà máy của TSMC tại Đức sẽ là liên doanh giữa họ với một số hãng chip khác ở châu Âu, như Bosch, Infineon và NXP.
TSMC cho biết sẽ vận hành nhà máy này và nắm 70% cổ phần. Bosch, Infineon và NXP mỗi hãng nắm 10% cổ phần.
Việc xây dựng nhà máy ở Đức dự kiến bắt đầu vào nửa cuối năm 2024 và hoạt động sản xuất có thể diễn ra từ cuối năm 2027.
Quyết định của TSMC được đưa ra vài tuần sau khi Đức cho biết sẽ hỗ trợ 10 tỉ euro với nhà máy 30 tỉ euro do Intel đầu tư. Intel sẽ xây hai nhà máy ở thành phố Magdeburg.
Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách nâng gấp đôi thị phần trong thị trường bán dẫn toàn cầu. EU muốn củng cố chuỗi cung ứng công nghệ cao và giảm phụ thuộc vào nhà cung cấp ngoại trong các ngành tăng trưởng nhanh. Việc này cũng phản ánh nỗ lực giảm phụ thuộc vào hàng công nghệ nhập khẩu từ Trung Quốc.