Hiện TP.HCM và 5 địa phương liền kề vẫn chưa thống nhất về phương án đi lại, trong đó Đồng Nai vẫn chưa cho phép xe cá nhân lưu thông đi lại giữa TP.HCM với địa phương này.
Chiều 11.10, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho hay sau khi lấy ý kiến của các địa phương, đơn vị này tiếp tục trình UBND TP.HCM dự thảo phương án đi lại giữa TP.HCM và 5 tỉnh liền kề gồm: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An và Tây Ninh.
Tuy nhiên, hiện nay việc đi lại bằng xe cá nhân vẫn chưa được thống nhất. Cụ thể tại Bình Dương, trường hợp sử dụng mô tô, xe gắn máy chỉ áp dụng đối với người lao động đi lại giữa 2 địa phương giáp ranh TP.Thủ Đức (TP.HCM) với TP.Thuận An và TP. Dĩ An (tỉnh Bình Dương); tỉnh Đồng Nai chưa cho phép xe cá nhân (ô tô, mô tô, xe gắn máy) lưu thông đi lại giữa TP.HCM và Đồng Nai.
Trong khi đó, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, tính từ 17 giờ ngày 10.10 đến 17 giờ ngày 11.10, TP ghi nhận thêm 1.527 trường hợp mắc COVID-19. Như vậy trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27.4 đến nay, TP đã có tổng cộng 408.238 trường hợp nhiễm COVID-19 được Bộ Y tế công bố.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, sau 10 ngày nới lỏng giãn cách, người dân TP đã nhanh chóng thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện bình thường mới. Ngày càng nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, chợ truyền thống hoạt động trở lại, nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Tuy nhiên, TP vẫn còn nhiều ca F0 trong cộng đồng, đó là thách thức buộc người dân phải điều chỉnh thói quen, không được chủ quan và cần phải cảnh giác phòng chống dịch bệnh hơn nữa. Người dân cần thực hiện nghiêm quy định Chỉ thị 18 của UBND TP.HCM, thông điệp 5K, giữ khoảng cách giữa người với người và chỉ ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết.
Trước đó, Sở Y tế TP.HCM đã ban hành hướng dẫn quy trình xử lý gồm 4 bước khi phát hiện ca mắc COVID-19 tại các cơ sở y tế phù hợp yêu cầu trong tình hình mới.
Trong đó, bước 1: cách ly tạm F0, lấy mẫu làm xét nghiệm RT-PCR khẳng định nếu trước đó chỉ làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên; bước 2: đánh giá tình trạng sức khỏe của F0 để đưa ra hướng xử trí, cách ly, điều trị phù hợp; bước 3: nhập thông tin F0 vào ứng dụng “Hệ thống Quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19”; bước 4: chăm sóc F0 theo hướng dẫn, phác đồ điều trị phù hợp.
Đối với các phòng khám chưa đủ điều kiện xét nghiệm SARS-CoV-2, khi phát hiện người bệnh có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 lập tức liên hệ và hướng dẫn người bệnh đến các bệnh viện để được tầm soát theo quy định (sử dụng xe cá nhân hoặc xe taxi chuyên vận chuyển F0).