Đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng, nhiều nước châu Âu tìm đến các nhà sản xuất than và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) ở Đông Nam Á, nhằm bù lấp nguồn cung không còn đến từ Nga.

Đông Nam Á tăng bán than và khí hóa lỏng cho châu Âu

Bảo Vĩnh | 28/09/2022, 17:02

Đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng, nhiều nước châu Âu tìm đến các nhà sản xuất than và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) ở Đông Nam Á, nhằm bù lấp nguồn cung không còn đến từ Nga.

Liên minh châu Âu (EU) đã cấm nhập khẩu than Nga từ tháng 8, trong khi Moscow trong tháng 9 đã quyết định cắt hẳn nguồn cung khí đốt cho một số quốc gia châu Âu.

Việc châu Âu trước kia lệ thuộc nguồn khí đốt Nga đã khiến cuộc chiến ở Ukraine trở thành một cuộc khủng hoảng về kinh tế và năng lượng, với giá năng lượng tăng mức kỷ lục trong vài tháng gần đây.

Các nước châu Âu tăng cường mua than Indonesia, LNG Malaysia

Vì cần cung cấp nguồn năng lượng cho người dân sưởi ấm trong nhà và duy trì hoạt động của các nhà máy trong mùa đông tới, châu Âu đã tìm đến nguồn than Indonesia, nước xuất khẩu than đá nhiều nhất thế giới.

Pandu Sjahrir, Chủ tịch Hiệp hội Các mỏ than Indonesia, nói: “Vì vấn đề địa chính trị này, nhu cầu mua than Indonesia đã tăng đáng kể. Đức là một ví dụ điển hình, đang hỏi mua nhiều than từ Indonesia. Kể từ năm tới, nhiều khả năng Đức sẽ là nước đứng hàng thứ 2 hoặc thứ 3 trong việc nhập khẩu than Indonesia nhiều nhất, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ”.

Trong tháng 9 này, Công ty than PT Bukit Asam thuộc nhà nước Indonesia cho biết đã xuất khẩu 147.000 tấn than sang Ý trong năm 2022, đang đàm phán với Đức và Ba Lan.

Giá than nhiệt chuẩn của Indonesia trong tháng 9 ở mức 319,12 USD/tấn, sau khi đạt giá kỷ lục 321,59 USD/tấn hồi tháng 8. Trong nửa đầu năm 2022, than xuất khẩu của Indonesia đã tăng 1/5 so với cùng kỳ năm trước.

Hồi tháng 4, tức hai tháng sau khi xảy ra chiến tranh ở Ukraine, tập đoàn than PT Adaro Energy Indonesia cho biết đã bán 300.000 tấn than cho Hà Lan và Tây Ban Nha.  Cùng tháng 4, Ba Lan được cho là đã đặt mua 52.230 tấn than từ Indonesia.

Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo nguồn than Indonesia xuất sang châu Âu sẽ còn tăng cao từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023, khi giá năng lượng được cho là sẽ tăng cao nhất trên toàn châu Âu.

Bumi Resources, nhà sản xuất than lớn nhất Indonesia tính về sản lượng, gần đây cho giới truyền thông trong nước biết rằng công ty đã thực hiện vài chuyến hàng nhỏ sang châu Âu trong năm nay, và xác nhận lượng xuất khẩu sẽ tăng từ cuối năm 2022.

Trong tháng 9, Nga ngưng hẳn dòng khí đốt cho châu Âu thông qua tuyến ống dẫn khí Nord Stream 1, nên Malaysia cũng tăng xuất khẩu khí LNG qua các nước châu Âu. Malaysia hiện là nước xuất khẩu khí LNG đứng hàng thứ 5 thế giới.

Felix Booth, trưởng nhánh LNG của công ty tình báo năng lượng và vận chuyển thám Vortexa, nói “Hoạt động chuyển khí LNG từ tàu qua tàu ở Đông Nam Á sẽ vẫn sôi động vì sự thiếu hụt nguồn năng lượng ở châu Âu. Bên mua dài hạn đang chật vật vì bên bán chỉ giao những đợt hàng nhỏ. Sau đó, bên bán sẽ ráp nhiều chuyến hàng nhỏ thành chuyến hàng lớn và triển khai đội tàu”. Ông còn lưu ý khi các chuyến hàng LNG lớn từ các tàu được giao ngay thì có giá bán cao hơn nhiều ở châu Âu hoặc châu Á.

Kế hoạch Năng lượng xanh của châu Âu bị ảnh hưởng?

Hồi đầu tháng 9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã công bố nhiều phương án xử lý tình trạng khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng của châu Âu. Trong số đó có đề xuất áp giá trần lên khí đốt Nga và đánh thuế phụ thu từ lợi nhuận của các công ty dầu khí. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng điều này sẽ không ảnh hưởng đến các kế hoạch năng lượng xanh dài hạn của EU, và cũng không ảnh hưởng đến sự hỗ trợ của EU dành cho các khu vực khác trên thế giới trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn.

Theo ông Sameer Kumar, giáo sư tại Viện Á - Âu của Đại học Malaya, sự quan tâm gia tăng của châu Âu đối với năng lượng không tái tạo do Đông Nam Á xuất khẩu sẽ không "làm suy yếu các cam kết về môi trường của EU chừng nào việc sử dụng than chỉ là tạm thời". Ông nói thêm: “Mặc dù thực tế là việc sử dụng than có thể sẽ gia tăng để bù đắp khoảng trống năng lượng hiện tại, nhưng tôi tin rằng EU sẽ đẩy nhanh cam kết giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch bằng cách tăng tốc đầu tư vào các công nghệ sạch”.

Nhưng không phải tất cả mọi người đều đồng ý. Shada Islam, một nhà phân tích độc lập về quan hệ châu Âu và châu Á, cho biết: "Các nhà lãnh đạo EU muốn nói rằng nỗ lực của họ để loại bỏ sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga đang thúc đẩy Thỏa thuận xanh. Thực tế lại khác một cách đáng buồn, ít nhất là trong ngắn hạn".

Bà nhấn mạnh: “Trong khi các nước EU đang giảm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga, việc tiêu thụ than và LNG ngày càng tăng của họ là một bước lùi đối với uy tín của Thỏa thuận xanh và là đòn giáng mạnh vào việc EU tự nhận mình là nhà vô địch khí hậu toàn cầu”. Bà nói với báo Đức Deutsche Welle: “Các nước EU đang tranh giành để thay thế năng lượng của Nga bằng việc tăng cường nhập khẩu từ châu Á và châu Phi, trong khi yêu cầu các tổ chức tài chính, như Ngân hàng Đầu tư châu Âu, ngừng cấp vốn cho các dự án phát triển khí đốt ở nước ngoài, đã dẫn đến những cáo buộc về tiêu chuẩn kép”.

Ngày 9.9, một nhánh của Ngân hàng đầu tư châu Âu là EIB Global đã mở văn phòng đại diện tại Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Trụ sở của EIB ở Jakarta, việc lập văn phòng phát đi tín hiệu một làn sóng đầu tư mới của châu Âu vào Đông Nam Á.

Kris Peeters, Phó chủ tịch EIB và là Trưởng văn phòng nói “Chúng tôi sẽ góp phần nuôi dưỡng các cơ hội đầu tư mới trị giá hàng triệu euro trong các dự án sẽ giúp khu vực này giải quyết các nhu cầu đầu tư cấp thiết nhất, tất cả các dự án này sẽ theo hướng xanh và bền vững”. Ông khẳng định: “Chúng tôi muốn trở thành đối tác tin cậy của Indonesia và của Đông Nam Á, giúp khu vực này phát triển xanh và bền vững, hạn chế các tác động của biến đổi khí hậu, và ủng hộ nền độc lập của các quốc gia là đối tác của EU”.

Sau đó, đoàn EIB Global đã thăm Campuchia, cam kết cho vay thêm và tài trợ cho mảng năng lượng tái tạo của nước này.

Theo Deutsche Welle
Copy Link
Bài liên quan
Hai quốc gia có thể giúp châu Âu giải quyết khủng hoảng năng lượng
Trong bối cảnh Nga cắt nguồn cung khí đốt, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha bỗng nhiên đóng vai trò quan trọng trong giải quyết khủng hoảng năng lượng trầm trọng ở châu Âu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
12 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đông Nam Á tăng bán than và khí hóa lỏng cho châu Âu