Việc Nga bắt giữ một nhà ngoại giao Nhật Bản và trục xuất khỏi Nga do cáo buộc hoạt động gián điệp, đang đe dọa làm căng thẳng thêm quan hệ Moscow – Tokyo.
Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) hôm 26.9 xác nhận đã bắt Tổng lãnh sự Nhật Bản Motoka Tatsunori tại thành phố Vladivostok với cáo buộc người này hoạt động gián điệp, nhận các thông tin mật về tác động của các lệnh trừng phạt phương Tây đối với vùng Viễn Đông của Nga.
FSB cho biết vị tổng lãnh sự Nhật Bản "bị bắt quả tang" khi đang thực hiện các hành vi bị cáo buộc. Theo Hãng thông tấn TASS (Nga), ông Motoka Tatsunori được cho là đã tìm kiếm các thông tin liên quan hoạt động hợp tác của Nga với "một quốc gia châu Á - Thái Bình Dương" để đổi lấy các "phần thưởng" là tiền mặt.
Bộ Ngoại giao Nga đã lập tức tuyên bố ông này là nhân vật không được hoan nghênh “persona non grata” vì "các hoạt động không phù hợp với tư cách của một viên chức lãnh sự và gây phương hại đến lợi ích an ninh của Nga", đồng thời cho ông Tatsunori 48 giờ để rời khỏi đất nước.
Nhật Bản hôm 27.9 đã phản ứng mạnh mẽ về vụ việc, yêu cầu Nga xin lỗi vì bắt giữ một nhà ngoại giao của nước này với cáo buộc gián điệp. Ngoại trưởng Hayashi Yoshimasa và Chánh văn phòng Nội các Matsuno Hirokazu đều bác bỏ cáo buộc của Nga. Nhật Bản đã triệu tập đại sứ Nga và "yêu cầu một lời xin lỗi chính thức" về cách đối xử với nhà ngoại giao, cho rằng phía Nga đã vi phạm Công ước Vienna về quan hệ lãnh sự.
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Nhật Bản Mikhail Galuzin đã bác bỏ phản ứng của Tokyo, cho biết hôm 27.9 rằng chính Tổng lãnh sự Nhật Bản Motoka Tatsunori tại thành phố Vladivostok đã "hành động vi phạm thẩm quyền của mình và không tuân theo luật pháp của Nga và Công ước Vienna". "Đúng hơn là phía Nga có mọi lý do để phản đối phản ứng của phía Nhật Bản. Chúng tôi có lý do để yêu cầu lời xin lỗi về hành vi như vậy của nhà ngoại giao Nhật Bản”, Galuzin nói.
Từ khi chiến sự bùng phát ở Ukraine, Nga và Nhật Bản đã trục xuất qua lại các quan chức ngoại giao với nhiều lý do khác nhau. Hồi tháng 4, Bộ Ngoại giao Nga yêu cầu 8 nhà ngoại giao Nhật Bản rời nước này với cáo buộc Nhật Bản đang thực hiện chính sách thù địch công khai, gây tổn hại mối quan hệ hợp tác song phương được xây dựng trong nhiều năm.
Tokyo và Moscow vốn đã có quan hệ phức tạp trước xung đột ở Ukraine. Hai bên vẫn chưa ký hiệp ước hòa bình sau Thế chiến 2. Bên cạnh đó, cả Nhật Bản và Nga hiện vẫn đang có tranh chấp lãnh thổ ở các đảo phía bắc kéo dài hơn 75 năm. Điều này được cho là ngăn cản hai nước láng giềng từ việc ký hiệp ước hòa bình.
Trong Sách xanh ngoại giao 2022 công bố hồi tháng 4, Nhật Bản đã gọi 4 hòn đảo đang tranh chấp với Nga là nơi bị Nga chiếm đóng trái phép. Các đảo này được Nga gọi là nhóm đảo Nam Kuril, còn Nhật Bản gọi đây là Vùng lãnh thổ phương bắc. Trong Sách xanh, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng cho biết cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ khiến các cuộc đàm phán về hiệp ước liên quan tới tranh chấp lãnh thổ với Nga bị đình trệ.
Những nỗ lực song phương để giải quyết vấn đề đã tạo ra một thỏa thuận cho phép công dân Nhật Bản có mối quan hệ lịch sử với các đảo này đến thăm. Nhưng Nga đã rút khỏi thỏa thuận vào đầu tháng này để đáp trả các lệnh trừng phạt của Nhật Bản đối với Nga về cuộc chiến ở Ukraine.
Nga, cùng với Trung Quốc, cũng đã phản đối sự hiện diện quân sự lớn của Mỹ ở Nhật Bản. Mỹ hiện đóng khoảng 56.000 binh sĩ tại Nhật Bản, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nước ngoài nào khác trên thế giới. Cùng với một loạt các khí tài quân sự của Mỹ, Nhật Bản còn vận hành hệ thống phòng không Aegis tiên tiến do Washington chế tạo. Moscow và Bắc Kinh cũng đã đẩy mạnh tiến hành các cuộc tập trận chung trong khu vực, gồm cả loạt các cuộc tập trận bắn đạn thật được tổ chức ở biển Nhật Bản vào đầu tháng này.
Đề cập đến các vùng lãnh thổ tranh chấp tại một buổi lễ hải quân vào tháng 7, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng các lực lượng vũ trang của ông "sẽ kiên quyết bảo vệ lãnh thổ bằng mọi cách". Hiện việc quân sự hóa các đảo chiến lược được cho là “trọng tâm chiến lược” của Nga.
Chuyên gia Ike Barrash của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ nhận định: “Nhóm đảo Kuril có vị trí chiến lược, đánh dấu một điểm ra vào quan trọng của Hạm đội Thái Bình Dương của Nga. Nơi này cũng cung cấp cho Nga các lựa chọn cơ sở có giá trị và thu thập thông tin tình báo”.
“Việc Nga tăng cường sự hiện diện tại nhóm đảo tranh chấp với Nhật Bản cho thấy nơi này sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong tương lai của mối quan hệ Nga - Nhật, và rằng Nhật Bản và Mỹ nên tham vấn sâu hơn về các hoạt động của Nga trong khu vực”.