Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Tháp đã tham mưu cho lãnh đạo Sở TN-MT ký cấp hàng chục giấy thông báo sai để doanh nghiệp nhập khẩu hàng trăm tấn phế liệu. Vụ việc đang được Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) điều tra, nhưng những người liên quan đến sai phạm chỉ bị “kiểm điểm rút kinh nghiệm”.

Đồng Tháp: Sở TN-MT liều cấp giấy cho doanh nghiệp nhập hàng trăm tấn phế liệu

09/03/2019, 07:59

Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Tháp đã tham mưu cho lãnh đạo Sở TN-MT ký cấp hàng chục giấy thông báo sai để doanh nghiệp nhập khẩu hàng trăm tấn phế liệu. Vụ việc đang được Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) điều tra, nhưng những người liên quan đến sai phạm chỉ bị “kiểm điểm rút kinh nghiệm”.

Căn nhà cấp 4 là nơi DN Trung Thanh thuê làm cơ sở sản xuất nhưng theo người dân, DN này không hề sản xuất, chỉ để chứa phế liệu nhựa nhập khẩu - Ảnh: Hồng Ngự

Nhập hàng trăm tấn phế liệu khi đã hết phép

Theo tài liệu, từ năm 2013 đến nay trên toàn địa bàn tỉnh Đồng Tháp chỉ có 2 doanh nghiệp (DN) được Sở TN-MT Đồng Tháp cấp nhiều giấy xác nhận đủ điều kiện đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Hai công ty này là Trung Thiên (trụ sở tại H.Châu Thành) và Trung Thanh (cơ sở sản xuất đóng tại TP.Cao Lãnh).

Tuy nhiên, Sở TN-MT Đồng Tháp đã để xảy ra nhiều sai phạm khi ký cấp hàng chục giấy thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu nhựa để kiểm tra, thông quan cho Công ty TNHH TM-DV Xuất nhập khẩu Trung Thanh khi công ty này hết hạn giấy phép và khi Thông tư 41/2015 của Bộ TN-MT đã có hiệu lực.

Cụ thể, từ năm 2013 - 2018, Công ty Trung Thanh được Sở TN-MT Đồng Tháp cấp 3 giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Trong số đó, có giấy xác nhận số 2221/GCN-STNMT thời hạn từ 19.12.2014 đến 19.12.2015.

Ngày 27.10.2015, Thông tư 41/2015 của Bộ TN-MT có hiệu lực thi hành, tức Sở TN-MT các tỉnh, thành chỉ được cấp phép cho DN nhập khẩu tối đa 200 tấn phế liệu/năm và DN được cấp phép nhập phế liệu với mục đích làm nguyên liệu sản xuất thì không được phép bán lại.

Tuy nhiên, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, Sở TN-MT Đồng Tháp đã ký cấp tổng cộng 81 giấy thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra, thông quan cho Công ty Trung Thanh. Trong đó, giai đoạn từ ngày 29.10.2015 đến 28.1.2018, dù Trung Thanh đã hết hạn giấy phép nhưng Sở TN-MT vẫn ký cấp 25 giấy thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra, thông quan cảng Cái Mép (Bà Rịa-Vũng Tàu) và cảng Cát Lái (TP.HCM) với khối lượng lên đến gần 300 tấn.

Cũng trong giai đoạn nói trên, mặc dù Thông tư số 41/2015 của Bộ TN-MT có hiệu lực từ ngày 27.10.2015 nhưng Sở TN-MT Đồng Tháp vẫn ký cấp cho Công ty Trung Thanh 56 giấy thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra, thông quan với khối lượng vượt quy định về chức năng.

Số tài liệu chứng minh một số sai phạm của cán bộ Sở TN-MT tỉnh Đồng Tháp - Ảnh: Hồng Ngự

Tiếp đó, trong thời gian từ 28.3.2016 đến 15.4.2016, Sở này còn ký thêm 7 giấy thông báo để Công ty Trung Thanh nhập thêm hơn 196 tấn phế liệu. Đến khi Chi cục Bảo vệ môi trường (BVMT) Đồng Tháp tiến hành kiểm tra thì mới phát hiện DN này nhập vượt khối lượng và kiến nghị tạm dừng.

Thanh tra “không thấy” sai phạm, cán bộ chỉ bị kiểm điểm

Tháng 8.2018, Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu nhận thấy việc nhập khẩu của Công ty Trung Thanh có dấu hiệu đáng nghi ngờ nên đã tiến hành xác minh, thu thập tài liệu pháp lý tại Sở TN-MT Đồng Tháp. Vụ việc liên quan đến Công ty Trung Thanh cũng được chuyển hồ sơ về Đội Điều tra hình sự (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan).

Sau đó 2 tháng, Thanh tra tỉnh Đồng Tháp cũng tiến hành thanh tra công tác bảo vệ môi trường trong nhập khẩu, sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất của DN nói trên.

Kết luận của thanh tra tỉnh Đồng Tháp nêu Công ty Trung Thanh không tiến hành báo cáo khối lượng phế liệu nhập khẩu hằng năm về cho Sở TN-MT, nhưng Sở cũng không tiến hành nhắc nhở. Ngoài ra, Sở TN-MT cũng không cung cấp hồ sơ thẩm tra cấp phép cho Công ty Trung Thanh ở giai đoạn đầu với lý do “bị mất”.

Dù giai đoạn thanh tra tất cả các tài liệu, giấy thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra, thông quan cấp sai cho Công ty Trung Thanh đều được lưu trữ tại Chi cục BVMT nhưng trong kết luận không được nhắc đến. Từ đó, những cán bộ dính sai phạm chỉ bị xử lý “kiểm điểm rút kinh nghiệm”.

Theo điều tra, Công ty Trung Thanh chính thức ngừng hoạt động từ tháng 5.2016 và làm thủ tục xin giải thể trước ngày Thanh tra tỉnh Đồng Tháp vào cuộc chưa đầy 1 tuần. Chính vì lý do này mà trong kết luận, Thanh tra tỉnh Đồng Tháp cũng không nêu gì đến sổ sách kế toán.

Trước đây, Công ty Trung Thanh thuê 1 căn nhà rộng khoảng 40m2 tại địa chỉ 809, quốc lộ 30 (tổ 5, ấp 1, xã Mỹ Tân, TP.Cao Lãnh) để làm cơ sở sản xuất phế liệu nhập khẩu. Qua xác minh, nhiều hộ dân lân cận và cả chủ căn nhà số 809 quốc lộ 30 đều khẳng định Công ty Trung Thanh rất ít khi có hoạt động sản xuất.

Bà Huỳnh Thị M. (60 tuổi) nói: “Lúc trước, có 1 người đàn ông đến thuê căn nhà đặt 1 chiếc máy rồi để đó chứ không hoạt động gì. Tôi thấy lâu lâu có đoàn kiểm tra đến thì cơ sở của ông ta mới nổ máy sản xuất, khi đoàn đi về thì đâu lại vào đó”.

Bà Vũ Thị Nhung - Phó giám đốc Sở TN-MT Đồng Tháp cho biết, theo Thông tư liên tịch số 34/2012 của Bộ Công Thương và Bộ TN-MT thì Sở được quyền cấp giấy xác nhận đủ điều kiện đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu nhựa làm nguyên liệu sản xuất trong thời hạn 3 năm, không giới hạn khối lượng năm. Tuy nhiên, Sở TN-MT đã “cẩn thận” cấp phép có thời hạn 1 năm cho các DN trên.

Nhưng bà Nhung nhìn nhận, bản thân bà và một số cán bộ Chi cục BVMT đã sai khi ký cấp hàng chục giấy thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra, thông quan cho Công ty Trung Thanh khi giấy phép đã hết hạn. Nhưng mọi giấy thông báo sai đó đều do… Chi cục trưởng Chi cục BVMT tham mưu cho bà Nhung ký.

“Theo quy trình cấp giấy thông báo phải qua 2 khâu kiểm tra và được Chi cục trưởng ký nháy trước. Do quá tin tưởng cấp dưới nên tôi đã không coi lại thời hạn giấy phép của DN, còn cấp dưới thì giải trình do cận tết và luân chuyển cán bộ nên không xem thời hạn giấy phép. Chúng tôi đã tiến hành kiểm điểm rút kinh nghiệm rồi”, bà Nhung nói.

Đồng thời bà Nhung cho biết thêm, lý do Chi cục BVMT không cung cấp hồ sơ thẩm tra xin cấp phép ban đầu của Công ty Trung Thanh cho đoàn thanh tra và các cơ quan chức năng khác là do thời điểm đó bà đang ở bên Mỹ chăm sóc con bị bệnh. Khi về nước thì kết luận thanh tra đã được ban hành.

Theo ông Nguyễn Hồng Quang - Kiểm tra viên chính Đội 7, Đội Điều tra hình sự (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan), vụ việc liên quan đến Công ty Trung Thanh đang được tổ của ông tiếp tục điều tra. Kết quả sơ bộ ban đầu đã được báo cáo miệng cho lãnh đạo Cục.

Ông Lê Ngọc Thành - Trưởng phòng Nghiệp vụ 2, Thanh tra tỉnh Đồng Tháp cho biết trong thời điểm thanh tra tại Sở TN-MT, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ giao trách nhiệm thanh tra chuyên ngành, tức thanh tra công tác bảo vệ môi trường tại 2 DN Trung Thanh và Trung Thiên. Do đó, thanh tra tỉnh không tiến hành thanh tra vấn đề thuế.

“Riêng vấn đề lực lượng thanh tra không phát hiện sai phạm của Sở TN-MT khi cấp hàng chục giấy thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu nhựa để kiểm tra, thông quan cho DN Trung Thanh là do đơn vị bị thanh tra không cung cấp đầy đủ tài liệu cho đoàn.

Khi có chứng cứ, tài liệu chứng minh sai phạm thì những người liên quan ở Sở TN-MT phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Thanh tra tỉnh sẽ xem xét các chứng cứ, tài liệu mới nếu thấy có dấu hiệu của tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật sẽ kiến nghị chuyển sang cơ quan điều tra theo quy định”, ông Thành nói.

Hồng Ngự

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần Thơ giải ngân hơn 10.468 tỉ đồng vốn đầu tư công năm 2024 như thế nào?
Năm 2024, TP.Cần Thơ được giao kế hoạch vốn đầu tư công hơn 10.468 tỉ đồng, đến nay đã giao chi tiết 8.804 tỉ đồng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đồng Tháp: Sở TN-MT liều cấp giấy cho doanh nghiệp nhập hàng trăm tấn phế liệu