Chiếc ghe 16 chỗ phóng vun vút trên khoảng sông rộng từ bến phà Ô Môi, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang, ra chợ nổi. Xuồng ghe buổi sáng dày đặc. Và những tiếng rao mua bán, tiếng xuồng máy, tiếng sóng,.. mọi thứ đang điểm xuyết cái đẹp của một khu chợ độc đáo vốn hình thành từ lâu đời.

Du lịch An Giang: Dạo chợ nổi Long Xuyên

23/09/2019, 09:26

Chiếc ghe 16 chỗ phóng vun vút trên khoảng sông rộng từ bến phà Ô Môi, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang, ra chợ nổi. Xuồng ghe buổi sáng dày đặc. Và những tiếng rao mua bán, tiếng xuồng máy, tiếng sóng,.. mọi thứ đang điểm xuyết cái đẹp của một khu chợ độc đáo vốn hình thành từ lâu đời.

Du khách thưởng thức món ăn trên sông tạo cảm giác mới lạ độc - Ảnh: Chí Hùng

Độc đáo dựng sào bằng tre treo hàng để bán

Trước khi đi tham quan, tôi được một anh bạn tên Hùng là giảng viên của Trường đại học An Giang (nay Trường đại học quốc gia TP.HCM) giới thiệu từng chi tiết về khung cảnh đặc sắc của chợ nổi. Anh bảo: “Đó là nơi có nhiều thứ để mua và để xem”.

Cảnh ở chợ nổi Long Xuyên - Ảnh: Chí Hùng

“Chẳng ai nhớ chợ nổi Long Xuyên hình thành từ khi nào, kể cả những người gắn bó gần cả đời với chợ nổi. Khi mà giao thông đường bộ chưa phát triển, người dân còn quen mua, bán bằng xuồng, ghe trên sông, chợ nổi Long Xuyên đã xuất hiện.

Ngày nay, dù giao thông đường bộ phát triển, hệ thống chợ, siêu thị hình thành rất nhiều trên đất liền, chợ nổi vẫn tồn tại và giữ nguyên vẹn hình thức sinh hoạt như xưa, trở thành nét văn hóa độc đáo miền sông nước”, anh Hùng nói.

Độc đáo dựng sào bằng tre treo hàng để bán - Ảnh: Chí Hùng

Cũng theo anh Hùng, lúc còn nhỏ, anh đã theo cha, mẹ dẫn ra xem cảnh buôn bán ở chợ nổi. Nơi đây, việc bán hàng (đa số là trái cây, rau củ -PV) không cần treo bảng quảng cáo, chỉ cần dựng cây sào bằng tre, rồi họ treo trái cây, rau củ lên đó. Nhìn vào các mặt hàng được treo lủng lẳng trước mũi ghe, khách dễ dàng lựa chọn được sản phẩm mình muốn mua...

Thức ăn di động trên sông làm du khách mê mẩn - Ảnh: Chí Hùng

Tiếng sóng và gió rít mang tai... Trước mắt chúng tôi, khung cảnh buổi sáng tại chợ nổi thật nhộn nhịp. Các ghe, thuyền đậu sát lại nhau trên khoảng sông lớn...

Một chiếc ghe dựng cây sào bằng tre được treo một trái khóm. Tôi kêu tài công tấp sát vào để ghé mắt dòm. Vừa dừng lại bên mạn thuyền, bà chủ phốp pháp đã đon đả mời chào. Tôi xem, chọn một trái khóm còn xanh nên hỏi giá bao nhiêu một trái. Câu trả lời là: “Không bán lẻ, chỉ bán sỉ, khách du lịch tặng một trái ăn lấy thảo”.

Cảnh thương lái mua bán và trao đổi hàng hóa - Ảnh: Chí Hùng

Chưa kịp cầm trái khóm bà tặng thì một ghe khác tấp vào, một cuộc trao đổi chớp nhoáng, những người trên ghe liền thồ hàng sang, bỏ mặc chúng tôi đang đứng ngơ ngác nhìn...

Thức ăn di động trên sông

Buổi sáng ở chợ nổi Long Xuyên, chúng tôi thật sự bất ngờ vì nghe những tiếng rao, cà phê, bún riêu, bún cá, cơm, bánh tằm. Đang đói, chúng tôi ngoắc một chị đang chèo chiếc ghe vượt sóng nước, rồi kêu tô bún riêu ăn xem mùi vị như thế nào.

Không khó bắt gặp những du khách tham quan chợ nổi -Ảnh: Chí Hùng

Dù đang trên sông, sóng ập vào mạn thuyền lung lay, nhưng động tác thuần thục, chị bán bún tên Hương đơm bún, chan nước... không hề bị tràn. “Sóng và gió kiểu này sao ăn được?”, tôi hỏi. Chị Hương nói: “Cầm chắc và ngồi một chỗ, vừa thổi vừa ăn, không có gì là sướng khi ngồi thưởng thức trên sông một tô bún”.

Những đứa trẻ bơi xuồng đi học vào lúc sáng sớm - Ảnh: Chí Hùng

Mùi thơm từ cua và các gia vị, tạo nên cảm giác bồng bềnh khó tả. Tới lúc tính tiền, thì càng ngạc nhiên một tô bún, chị Hương chỉ lấy 10.000 đồng.

Đứa trẻ sống làng bè trong lúc tắm sông với cặp mắt ngạc nhiên khi gặp du khách - Ảnh: Chí Hùng

“Đặc thù chợ nổi Long Xuyên của tụi tôi mọi người đều có tính giản dị, mộc mạc. Người bán hàng rất từ tốn, nói sao bán vậy, vui lòng khách đến vừa lòng khách đi, chứ ít có chuyện trả giá. Đây là điểm làm du khách rất thích thú. Đặc biệt, nhiều du khách nước ngoài… khá am hiểu về văn hóa chợ nổi. Thậm chí, họ biết giá tô bún riêu, bún cá, ly cà phê và chuẩn bị sẵn tiền để trả”, chị Hương chia sẻ.

Cuộc sống xem như nghiệp đã định

Trời âm u, đang chuyển mình báo hiệu cơn mưa sắp đến, chàng tài công da ngăm đen, mặt hơi ngầu vì sương gió đang điều khiển chiếc ghe lướt trên sóng với tốc độ hơi nhanh. Cậu ta như một tài tử, lái một tay, miệng ngậm điếu thuốc, bẻ lái như trong phim.

Hầu hết trẻ em sinh sống khu vực chợ nổi đều biết lội và bơi xuồng - Ảnh: Chí Hùng

Ở những đoạn cua, anh không giảm tốc độ, mũi ghe cứ lướt trên ngọn sóng. Chúng tôi hét lên, nước sông bắn vào người làm anh ta khoái chí cười. Sau một hồi vi vu, anh ta cho ghe dạt về phía các nhà bè (căn nhà nổi bồng bềnh trên mặt nước - PV) đang neo đậu. Một tốp trẻ con đang tắm sông tò mò ngước ánh mắt ngạc nhiên nhìn về phía chúng tôi.

Làng bè cũng là điểm nhấn trên chợ nổi Long Xuyên - Ảnh: Chí Hùng

Bà Thảo, chủ nhà bè (41 tuổi, quê H.An Phú), cho biết, căn nhà nổi của bà được dựng từ chiếc ghe cũ mua lại. Mặc dù về đây lập nghiệp sinh sống trên nhà bè gần mấy chục năm 5 người con và cháu của bà đều được đi học.

“Gia đình nuôi cá trên sông nhiều năm nay. Với tụi tôi khi sống gần chợ nổi chúng tôi thuận tiện việc mua bán trao đổi không sợ bất cứ khó khăn gì. Đây cũng có thể coi là cái nghiệp trời ban của những người sống lênh đên sông nước”, bà nói.

Tô Văn - Chí Hùng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
1 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Du lịch An Giang: Dạo chợ nổi Long Xuyên