VCCI vừa có văn bản góp ý dự thảo nghị định thay thế Nghị định 79/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC.

Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật PCCC: Nhiều nội dung trái luật, không hợp lý

Bùi Trí Lâm | 13/11/2019, 11:27

VCCI vừa có văn bản góp ý dự thảo nghị định thay thế Nghị định 79/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC.

Nhiều nội dung trái luật

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), điều 3.4 của dự thảo quy định về Phụ lục IV - Danh mục cơ sở thuộc diện phải thông báo với cơ quan công an về việc bảo đảm các điều kiện an toàn PCCC trước khi đưa vào sử dụng; điều 15.1.d quy định các cơ sở trước khi đưa vào hoạt động, người đứng đầu cơ sở phải thông báo với cơ quan công an về việc bảo đảm các điều kiện an toàn PCCC.

Tuy nhiên, theo VCCI, Luật PCCC không giao cho Chính phủ ban hành danh mục này. Trong khi đó, điều 11.1 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: “Văn bản quy định chi tiết chỉ được quy định nội dung được giao”.

“Như vậy, việc đưa Phụ lục IV và điều 15.1.d vào dự thảo nghị định này là chưa phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, VCCI chỉ rõ.

Theo VCCI, quy định trên không chỉ trái luật mà còn tạo ra nghĩa vụ không cần thiết cho một số chủ thể, khi cơ sở của họ vừa thuộc Phụ lục IV lại vừa thuộc Phụ lục V.

“Những chủ thể này có trách nhiệm thực hiện thủ tục nghiệm thu, kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại điều 16 dự thảo, ví dụ bệnh viện đa khoa từ 5 tầng trở lên (Phụ lục IV.2 và Phụ lục V.3), chợ kiên cố có tổng diện tích kinh doanh từ 1.500m2 trở lên (Phụ lục IV.3 và Phụ lục V.6)…

Bên cạnh đó, VCCI cũng cho rằng điều 14.1 quy định “việc lập đồ án quy hoạch, hồ sơ thiết kế xây dựng dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo nghị định này phải do đơn vị có đủ điều kiện theo quy định tại điều 42 của nghị định này thực hiện và phải được thẩm duyệt thiết kế về PCCC”.

Theo VCCI, quy định ấykhiến cho chủ đầu tư bắt buộc phải thuê một đơn vị kinh doanh dịch vụ PCCCđể thiết kế dự án mà không thể tự làm. Quy định như vậy là bất hợp lý, gây tốn kém không cần thiết cho doanh nghiệp.

VCCI cho rằng bản chất thủ tục thẩm duyệt thiết kế PCCClà việc cơ quan nhà nước xem xét tính phù hợp với thiết kế công trình so với các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định về PCCC.

“Nếu một chủ đầu tư có kinh nghiệm (hoặc đã thuê dịch vụ thiết kế kiến trúc) có thể tự tin rằng thiết kế của mình phù hợp và nếu cơ quan thẩm duyệt thấy rằng thiết kế đó phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định về PCCCthì không có lý do gì để từ chối phê duyệt thiết kế”, VCCI nói.

Nên để cấp tỉnh cấp phép kinh doanh

Điều 15.6 của dự thảo quy định trách nhiệm không cung ứng dịch vụ điện nước cho dự án, công trình khi chủ đầu tư không cung cấp được văn bản thẩm duyệt thiết kế PCCC. Tuy nhiên, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 không quy định biện pháp này là một biện pháp xử lý hay biện pháp khắc phục hậu quả. Do vậy, không có căn cứ pháp lý để quy định như trên.

Mặt khác, pháp luật về điện lực (Luật Điện lực, Luật Điện lực sửa đổi, Nghị định 137/2010/NĐ-CP) và pháp luật về tài nguyên nước (Luật Tài nguyên nước, Nghị định 117/2007/NĐ-CP) không có quy định quy định về trách nhiệm này của tổ chức cung ứng điện, nước.

Thậm chí, điện và nước được coi là dịch vụ công, các đơn vị cung cấp dịch vụ không được phép đơn phương từ chối cung cấp cho khách hàng trừ trường hợp bất khả kháng. Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định về trách nhiệm của tổ chức cung ứng dịch vụ điện, nước.

Cùng với đó, VCCI cho rằng điều 18.10.c dự thảo quy định: “Cơ quan quản lý nhà nước không cấp phép đầu tư xây dựng dự án, công trình mới cho chủ đầu tư có công trình đang bị đình chỉ hoạt động” mâu thuẫn với các quy định trong hệ thống văn bản pháp luật như Luật Xây dựng 2014, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

“Quy định này ít có khả năng thực thi trên thực tế. Doanh nghiệp có thể đơn giản ‘lách’ biện pháp này bằng cách thành lập một pháp nhân mới, công ty con để xin cấp phép cho đầu tư xây dựng dự án hoặc công trình mới”, VCCI chỉ ra.

Về thẩm quyền cấp, đổi, cấp lại giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh, dự thảo giao cho Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, Trưởng phòng cảnh sát PCCC và cứu nạn công an cấp tỉnh. VCCI cho rằng thẩm quyền cấp phép ở cấp trung ương sẽ gây tốn kém, mất thời gian hơn so với cấp tỉnh.

Người đứng đầu DN không cần chứng chỉ hành nghề

Góp ý về điều 14.4.b dự thảo, VCCI cho rằng mục đích của việc thẩm duyệt thiết kế về PCCC là nhằm bảo đảm thiết kế đó phù hợp với các quy định về an toàn PCCC của công trình. Cơ quan PCCC chỉ xác nhận sự phù hợp của thiết kế đối với quy định về PCCC.

Cơ quan PCCC không cần thiết phải giám sát việc chủ đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư chưa (trách nhiệm của cơ quan quản lý đầu tư) hay việc đất xây dựng công trình có quyền sử dụng hợp pháp hay không (trách nhiệm của cơ quan đất đai).

Do đó, “việc yêu cầu hồ sơ có dự toán xây dựng công trình cũng không cần thiết, vì nếu thiết kế công trình đã phù hợp với quy định về PCCC thì việc doanh nghiệp dự toán không có dự toán không thể là căn cứ để cơ quan nhà nước từ chối phê duyệt thiết kế”, VCCI nhấn mạnh.

Ngoài ra, VCCI cũng đề nghị dự thảo loại bỏ điều 9 khỏi dự thảo (quy định về cấp giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm cháy, nổ). Nguyên nhân là Bộ GTVT đang sửa hai nghị định về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm. Vì thế, việc dự thảo quy định nội dung này sẽ có thể dẫn đến tình trạng không thống nhất giữa các văn bản pháp luật.

Dự thảo quy định địa điểm xây dựng công trình phải đảm bảo khoảng cách về an toàn PCCCvới các công trình xung quanh. Một số doanh nghiệp cho biết hiện này chưa có quy định rõ ràng về khoảng cách an toàn, nên gặp khó khăn trong việc xác định địa điểm xây dựng để làm thủ tục đất đai. Các doanh nghiệp cũng nêu chưa có quy định rõ về kích thước tối thiểu lối thoát hiểm. VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ hơn về khoảng cách an toàn này.

Dự thảo cũng cho phép áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài, quốc tế thay cho Việt Nam. Tuy nhiên, dự thảo cũng chưa có hướng dẫn về trình tự, thủ tục về điều này. VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ.

Theo dự thảo, người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật phải có văn bằng, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về PCCC. VCCI cho rằng điều này là bất cập, can thiệp quá mức vào quyền tự do kinh doanh, nội bộ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đa ngành.

“Nếu mỗi ngành người đứng đầu lại phải có chứng chỉ riêng thì 1 cá nhân sẽ có rất nhiều chứng chỉ, trong khi 1 doanh nhân, không phải người trực tiếp làm kỹthuật. Việc này sẽ cản trở cơ hội kinh doanh đa ngành, đa dạng hóa sản phẩm, tăng năng suất lao động của doanh nghiệp”, VCCI nêu.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
8 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật PCCC: Nhiều nội dung trái luật, không hợp lý