Theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập, sự quản lý về tài chính một cách có nguyên tắc không thể bị quy kết là can thiệp, chi phối để làm biến dạng tín ngưỡng và tâm linh mà ngược lại, nó có tác dụng bảo vệ và duy trì tính nguyên vẹn, trong sạch, sự ổn định và bền vững của các hoạt động này.
Bộ Tài chính vừa ban hành Dự thảo Thông tư về quản lý thu, chi tiền công đức. Sau đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các địa phương đã gửi văn bản góp ý lên các bộ ban ngành phản đối nhiều nội dung của dự thảo, đồng thời kiến nghị Nhà nước không quản lý tiền công đức, làm thế tục hóa tính thiêng của tiền công đức.
Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Thành viên VPLS NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam.
- Tiền công đức cho đền chùa, lễ hội hàng năm được cho là rất lớn, nhưng “dòng tiền không kiểm toán” này ở mỗi nơi quản lý một kiểu, đền chùa càng lớn càng khó tiếp cận, và thực tế đã có những vụ lạm dụng, trục lợi tiền công đức đã diễn ra. Mới đây, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Theo ông, việc ban hành quy định này có ý nghĩa như thế nào?
Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Trước tiên cần xác định chúng ta và dư luận xã hội đang nói đến vấn đề gì? Dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính chỉ quy định về quản lý tài chính đối với các khoản tài trợ tự nguyện cho di tích văn hóa và hoạt động lễ hội theo Luật Di sản văn hóa và các Nghị định hướng dẫn thi hành có liên quan như Nghị định 98/2010 và Nghị định 110/2018.
Mặc dù tên gọi và nội dung Thông tư có đề cập khái niệm “tiền công đức” được đóng góp tại các đình, đền, chùa và cơ sở tôn giáo theo Luật tín ngưỡng tôn giáo, tuy nhiên chỉ từ một góc độ riêng. Đó là sự tài trợ cho các di tích và lễ hội văn hóa mà không phải tiền công đức thường xuyên của những người thăm viếng tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.
Ý kiến của Giáo hội Phật giáo Việt Nam không đồng tình với quản lý của Nhà nước đối với tiền công đức thực ra chỉ liên quan đến một trường hợp, đó là các chùa thuộc sự quản lý của Hội Phật giáo mà thôi.
Hơn nữa, cũng có vấn đề không được phân biệt rõ dẫn đến hiểu nhầm, đó là có những chùa thuần túy là cơ sở tôn giáo nhưng cũng có nhiều chùa đồng thời là di tích lịch sử - văn hoá được công nhận và xếp hạng. Những chùa đó đương nhiên thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư này.
Còn việc gọi tên “tiền công đức” hay tiền khác, theo tôi không phải vấn đề mấu chốt nếu nhìn từ góc độ quản lý tài chính và pháp luật.
Cho nên ý kiến của tôi cho rằng Bộ Tài chính ban hành Thông tư này để quản lý tốt hơn là cần thiết và đúng thẩm quyền, theo đó lưu ý rằng không phải cơ quan chính quyền từ nay sẽ quản lý trực tiếp các khoản tiền tài trợ hay công đức này mà chỉ đóng vai trò kiểm tra, giám sát để bảo đảm tính công khai, minh bạch, sử dụng đúng mục đích và tránh lạm dụng, trục lợi cá nhân.
Đề cao nguyên tắc này là đúng ở mọi nơi, mọi chỗ vì đó là tiền, là tài sản vật chất mà không liên quan đến tín ngưỡng, tâm linh của con người. Nhất là một khi trên thực tế đã và đang diễn ra nhiều sự lạm dụng, tiêu cực ở quy mô không nhỏ.
- Việc ban hành quy định về thu chi tiền công đức được dư luận mong chờ từ lâu. Dư luận băn khoăn rằng các dự án tâm linh được đầu tư lớn, tầm cỡ quốc gia, thế giới nhưng tổng thu, chi tiền công đức mỗi năm bao nhiêu, được sử dụng vào mục đích gì dường như không được công bố rõ, liệu có làm nghĩa vụ với nhà nước hay không? Liệu có thanh tra, kiểm toán được hay không? Để trả lời những câu hỏi này, theo ông, những quy định trong dự thảo này có đủ giúp minh bạch thu, chi trong công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức hay không?
Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Thực ra cái gọi là “dự án tâm linh” đã là vấn đề gây tranh cãi và khá tù mù về mục đích và nội dung.
Chẳng hạn như xây chùa, dựng tượng để làm du lịch, gọi là tạo điều kiện cho người dân hành lễ nhưng ẩn sau đó là kinh doanh kiếm lời mà không nộp thuế. Nếu như thế tức là lạm dụng pháp luật, lạm dụng đức tin của con người để trục lợi.
Đương nhiên, có rất nhiều ngôi đền là di tích lịch sử - văn hóa, rất nhiều ngôi chùa là cơ sở tôn giáo mà chẳng có nguồn thu bao nhiêu ngoài sự đóng góp của người dân hay phật tử chỉ tới mức để duy trì tồn tại. Nhưng cũng có rất nhiều cơ sở tương tự khác, được xây dựng to, đẹp tới mức xa hoa và có nguồn thu rất lớn, là cái được gọi chung là dự án tâm linh.
Vậy thì ta có lý do chính đáng để đặt ra các câu hỏi: Thứ nhất, nguồn đầu tư của các dự án đó lấy từ đâu ? Nguồn tiền đó có hợp pháp không?
Thứ hai, các nguồn thu của dự án được phân loại thế nào ? Chỉ là tài trợ tự nguyện, dù được gọi là công đức, hay còn bao gồm cả tiền cung cấp dịch vụ? Và cuối cùng, ai là người hưởng lợi từ các nguồn thu này?
Những câu hỏi này xuất phát từ nhu cầu công khai và minh bạch hóa, không chỉ để tránh các sự lạm dụng và tiêu cực mà còn nhằm bảo vệ niềm tin giữa bên đưa và bên nhận tiền, bảo vệ sự tôn nghiêm của các giá trị văn hóa tín ngưỡng và tâm linh.
Nhưng để trả lời được thì rất cần các quy trình và kỹ năng chuyên nghiệp, chẳng hạn như ghi chép sổ sách kế toán, lập báo cáo và giải trình mà những người quản lý trực tiếp di tích, lễ hội có thể chưa có đủ kiến thức và kinh nghiệm để tiến hành.
Vậy thì các quy định của pháp luật và sự can thiệp của chính quyền dưới hình thức giám sát, kiểm tra chính nhằm mục tiêu hỗ trợ họ.
Ngoài ra, trong trường hợp có các khoản thu đến từ cung cấp dịch vụ thì việc phải nộp thuế là tất nhiên để bảo đảm công bằng trong hoạt động kinh tế. Thông tư của Bộ Tài chính nếu được ban hành sẽ tạo cơ sở và điều kiện pháp lý để giải quyết các vấn đề này, ít nhất trong lĩnh vực quản lý, vận hành các di tích văn hóa – lịch sử và lễ hội có liên quan.
- Quan điểm của Giáo hội Phật giáo và người tu hành cho rằng Nhà nước không nên quản lý tiền công đức. Việc Nhà nước trực tiếp quản lý và định đoạt việc sử dụng tiền công đức sẽ làm tục hóa, giải thiêng tiền công đức, làm tổn thương đến giáo lý, lễ nghi, niềm tin tôn giáo của tín đồ phật tử, không tôn trọng ý chí của người thực hiện hành vi công đức, cúng dường… Quan điểm của ông thế nào về điều này?
Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Ở đây e rằng có sự hiểu lầm. Tôi không thấy có mục tiêu của dự thảo thông tư là Nhà nước sẽ quản lý tiền công đức hay tài chính của Hội Phật giáo và thay cho những người điều hành trực tiếp, dù là các cơ sở tôn giáo hay lễ hội.
Thay vào đó, sự can thiệp bằng pháp luật chỉ giới hạn vào việc đề ra các quy tắc quản lý tài chính để các bên có liên quan tuân thủ, đi kèm với báo cáo, giải trình và giám sát của cơ quan chính quyền.
Để tranh luận, có lẽ xin nêu hai câu hỏi: Một là, kiểm tra, giám sát của chính quyền có cần thiết không? Hai là, nếu các khoản tiền đóng góp của người dân gắn với các ý niệm về tâm linh, tín ngưỡng của họ thì có cần quản lý một cách công khai, minh bạch hay không?
Đối với sự tham gia của Nhà nước, tôi cho rằng luôn luôn đúng một khi liên quan đến các hoạt động tương tác trên quy mô rộng, có ý nghĩa xã hội và vì lợi ích công cộng hoặc cộng đồng. Bởi nếu không thì chính quyền sinh ra để làm gì ?
Còn đối với khía cạnh tín ngưỡng hay tâm linh. Tôi luôn luôn cho rằng đời sống tâm linh của con người là có thật, nhưng nó rất riêng tư và thiêng liêng để không có bất cứ ai bên ngoài nên tác động, chi phối. Dù cho đó là hình thức nào bao gồm cả việc xây và vận hành các đền, chùa hay tổ chức lễ hội.
Trên hết, tâm linh muốn trong sạch không thể gắn với tiền bạc và vật chất. Đền, chùa và cơ sở tôn giáo muốn nghiêm minh theo đúng nghĩa cũng không nên cung cấp dịch vụ thu tiền.
Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng đời sống tâm linh và quyền tự do tín ngưỡng cũng cần được thể hiện và thực hành dưới các hình hài vật chất nhất định, và để duy trì các đền, chùa và vận hành lễ hội thì đều tốn kém tiền bạc.
Do đó, điều quan trọng nhất ở đây là có sự phân minh và làm rõ ranh giới giữa hai phạm trù này.
Theo đó, sự quản lý về tài chính một cách có nguyên tắc không thể bị quy kết là can thiệp, chi phối để làm biến dạng tín ngưỡng và tâm linh mà ngược lại, nó có tác dụng bảo vệ và duy trì tính nguyên vẹn, trong sạch, sự ổn định và bền vững của các hoạt động này.
- GHPGVN cũng cho rằng dự thảo không bảo đảm quyền sở hữu riêng của GHPGVN và nhà tu hành là thành viên giáo hội theo quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành. Ông nhìn nhận điều này thế nào?
Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Nếu nói về Phật giáo nói chung và Giáo hội Phật giáo ở nước ta nói riêng thì tôi cho rằng nó có một vị thế và vai trò rất đặc biệt. Khác với các tôn giáo khác, Phật giáo tham gia tương đối rộng, sâu và sinh động vào đời sống văn hóa, xã hội và cả đời sống chính trị. Điều này bắt nguồn từ lịch sử.
Cho nên tiếp cận các vấn đề liên quan đến Phật giáo thì không thể chỉ từ góc độ pháp luật, tức các quy định của Hiến pháp và luật hiện hành.
Chẳng hạn, chúng ta thấy các vị hòa thượng cũng tham gia làm đại biểu quốc hội hay thành viên Mặt trận Tổ quốc. Nhiều nhà sư trụ trì các chùa không chỉ tu hành mà đã và đang tham gia vào nhiều dự án tâm linh, cùng với doanh nhân hoạt động du lịch để phát triển kinh tế địa phương. Không ít các chùa còn cùng cấp cả dịch vụ hiếu hỉ cho cộng đồng.
Đặc biệt, Phật giáo không có cơ chế thành viên khép kín là phật tử mà mở rộng sự tham gia cho tất cả mọi người vào các sinh hoạt của mình. Bởi thế, sự đóng góp cho phát triển của Phật giáo, bao gồm cả xây dựng, sửa sang các chùa và cơ sở tu tập không chỉ đến từ phật tử mà còn người dân nói chung cũng như chính quyền các cấp, dưới hình thức đất đai, tiền bạc và vật lực khác.
Nêu những điều thực tế đó, tôi muốn nói rằng không thể có sự tách biệt và trung lập hoàn toàn giữa Phật giáo nước ta về cả tổ chức và hoạt động với Nhà nước, chính quyền và các đoàn thể được.
- Ngoài những giải pháp mà Bộ Tài chính đề ra, ông có góp ý gì để góp phần minh bạch cho dòng tiền công đức ở các cơ sở tôn giáo? Và theo ông, để minh bạch được dòng tiền này, những người đứng đầu cơ sở tôn giáo có vai trò, trách nhiệm như thế nào?
Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Qua ý kiến phản biện của Giáo hội Phật giáo về dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính, tôi hiểu rằng có những sự chưa hiểu biết đầy đủ và hoàn toàn cảm thông lẫn nhau giữa Phật giáo như một tổ chức và các cơ quan Nhà nước, chính quyền.
Việc ban hành văn bản hướng dẫn và triển khai thực hiện pháp luật là chức năng và thẩm quyền của Bộ Tài chính cũng như bất cứ Bộ, ngành nào. Tuy nhiên, nên chăng, giữa hai bên cần làm thêm một điều, đó là trao đổi, đối thoại và cả bồi dưỡng để nâng cao nhận thức chung.
Tôi không dám mạo muội đề xuất việc này ở cấp lãnh đạo cao nhất của mỗi bên, nhưng có lẽ rất cần thiết làm như vậy ở các cấp trung gian và cơ sở.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!