Cơ quan tình báo Đức ngày 10.12 đã tố cáo rằng Trung Quốc đang dùng những hồ sơ giả trên mạng xã hội để thu thập thông tin tình báo từ các chính trị gia và quan chức cao cấp của nước này.
Theo Cơ quan Tình báo Quốc gia Đức (BfV), họ đã theo dõi và tìm ra nhiều hồ sơ cá nhân giả trên mạng xã hội LinkedIn trong 9 tháng qua đang cố tình moi thông tin mật từ hơn 10.000 người Đức.
Những hồ sơ cá nhân giả này được đặt tên như "Rachel Li" và "Alex Li" với thông tin cho biết họ là những người tuyển dụng nhân sự, chuyên gia tư vấn hoặc học giả. Những tài khoản giả mạo đã cố gắng liên lạc với các nhân vật tại Đức để moi thông tin về thói quen, sở thích và lợi ích chính trị.
"Cơ quan tình báo Trung Quốc đang hoạt động trên những trang mạng xã hội như LinkedIn và đã cố gắng lấy thông tin mật và tìm ra nguồn tin tình báo theo cách này", Phát ngôn viên của BfV cho hay.
Theo Reuters, tình báo Trung Quốc đã lợi dụng mong muốn kết bạn với những người ăn mặc sành điệu và tạo ra các hồ sơ cá nhân giả với những bức ảnh lấy từ mạng internet để tiếp cận đối tượng của họ.
Những hồ sơ giả này đã nhắm mục tiêu là kết nối với các nhà ngoại giao cấp cao và các chính trị gia trên khắp châu Âu, chứ không chỉ riêng ở Đức, theo Reuters. BfV cho biết vẫn còn rất nhiều hồ sơ giả mạo trên mạng xã hội nhưng họ chưa thể lọc ra hết và nhờ người dân Đức tố cáo những tài khoản nghi ngờ.
Cơ quan tình báo Đức cũng cảnh báo rằng các quan chức Đức cần phải cảnh giác cao độ, tránh rò rỉ thông tin cá nhân có giá trị trên mạng xã hội.
"Đây là một cuộc xâm nhập thông tin tình báo rộng khắp nhắm vào quốc hội, các bộ và cơ quan chính phủ", ông Hans-Georg Maassen, người đứng đầu BfV nói.
Mối lo ngại về việc Trung Quốc đang tăng cường hoạt động tình báo nhắm vào các quan chức phương Tây luôn tăng trong những năm qua. Tuy nhiên, Bắc Kinh nhiều lần bác bỏ thông tin mà phương Tây đưa ra.
Ái Vi (theo Telegraph)