Hôm nay 30.6, Google Doodle đã vinh danh Marsha P. Johnson (1945-1992) – một trong những nhà hoạt động quyền LGBTQ nổi tiếng nhất tại Mỹ vào cuối thế kỷ trước. Động thái này diễn ra trong lúc Tháng tự hào (tháng 6 hằng năm) của cộng đồng LGBTQ sắp kết thúc.

Đừng lãng quên Marsha P. Johnson – người phụ nữ chuyển giới được Google vinh danh hôm nay

30/06/2020, 17:27

Hôm nay 30.6, Google Doodle đã vinh danh Marsha P. Johnson (1945-1992) – một trong những nhà hoạt động quyền LGBTQ nổi tiếng nhất tại Mỹ vào cuối thế kỷ trước. Động thái này diễn ra trong lúc Tháng tự hào (tháng 6 hằng năm) của cộng đồng LGBTQ sắp kết thúc.

Marsha P. Johnson

Tấm ảnh của Marsha P. Johnson được thiết kế bởi hoạ sĩ Rob Gilliam. Ngoài ra, Google còn quyên góp 500.000 USD cho viện Marsha P. Johnson nhằm giúp đỡ những người chuyển giới da đen gặp khó khăn trong đại dịch. Đầu tháng 6, tập đoàn này cũng đã quyên góp 2 triệu USD cho nhiều tổ chức LGBTQ địa phương và dự án Trevor Project.

Marsha P. Johnson là một trong những người đầu tiên chống lại cảnh sát trong cuộc tập kích lịch sử của giới chức năng vào quán rượu Stonewall Inn vào ngày 28.6.1969 tại thành phố New York.

Khi ấy, “đồng tính luyến ái” vẫn bị xem là bệnh tâm thần bởi Hội tâm lý học Mỹ và bất kỳ quán rượu nào dám phục vụ cho họ sẽ bị tước giấy phép. Tình trạng cảnh sát đàn áp người đồng tính được xem là bình thường. Thậm chí, Tổng thống Dwight D. Eisenhower vào năm 1953 còn ký sắc lệnh 10450 cấm người đồng tính làm việc trong chính quyền liên bang. Nạn phân biệt đối xử cộng đồng LGBTQ gần như đã lên đến đỉnh điểm.

Quán rượu Stonewall vào thập niên 1960

Hành động phản kháng của Marsha P. Johnson đã được hưởng ứng bởi rất nhiều khách khàng khác có mặt khi ấy. Và nhanh chóng, nó biến thành một cuộc bạo động kéo dài nhiều ngày. Sự kiện này về sau được xem là cái nôi của phong trào LGBTQ hiện đại và khai sinh ra “Tháng tự hào” hằng năm.

Marsha P. Johnson vốn là một drag queen nổi tiếng của giới LGBTQ tại New York và sau vụ bạo động tại Stonewall Inn, cô còn được mệnh danh là “Mẹ của phong trào giải phóng người chuyển giới”. Marsha P. Johnson qua đời vào năm 1992 trong một cái chết khá mờ ám. Chi tiết của sự việc này đã được đưa vào phim tài liệu The Death and Life of Marsha P. Johnson (2016) do David France đạo diễn và Netflix sản xuất. Nhiều người cho rằng cô bị giết chứ không phải tai nạn.

Michael Appel - người phát ngôn của Google và là thành viên của Ủy ban Pride 2020 - nói với tờ Advocate rằng công ty muốn làm nổi bật di sản của Marsha P. Johnson thông qua hoạt động lần này.

“Mùa Pride năm nay, chúng tôi muốn tập trung vào lịch sử của nó. Ví dụ như các lãnh đạo ban đầu và tầm quan trọng của sự đoàn kết”, Michael Appel nói. “Là một trong những người lãnh đạo đầu tiên của phong trào LGBTQ, Marsha P. Johnson đã thách thức cả thế giới phải thừa nhận danh tính của mình: người da đen và LGBTQ. Bằng cách tôn vinh đóng góp của cô, chúng ta hoạch định ra những gì có thể làm tiếp theo cho sự công bằng, bình đẳng theo pháp luật”.

Lydia Nichols - giám đốc nghệ thuật của Google Doodle - nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chiến đấu chống lại sự xóa sổ người da màu trong phong trào LGBTQ. "Marsha P. Johnson biết rằng số phận của từng nhóm người trong LGBTQ gắn bó chặt chẽ với nhau và không ai có quyền cho đến khi tất cả đều có quyền. Cô đã thể hiện niềm tin này xuyên suốt cuộc đời và chiến đấu cho niềm tin, tầm nhìn của bản thân. Đáng tiếc, phong trào LGBTQ có khuynh hướng phớt lờ Marsha P. Johnson và những nhà hoạt động da màu khác, không thừa nhận đóng góp và sự lãnh đạo của họ”, Lydia Nichols nói.

"Suy ngẫm về Pride năm nay, 5 thập niên trôi qua kể từ cuộc bạo loạn Stonewall, chúng ta ăn mừng những gì đã làm được nhưng vẫn còn nhiều thứ phải làm. Cuộc đời của Marsha nhắc nhở chúng ta rằng giải phóng chỉ có thể đạt được cùng nhau thông qua việc thừa nhận và dỡ bỏ mọi hệ thống áp bức. Với tinh thần này, chúng ta tưởng nhớ và kỷ niệm Marsha ngày hôm nay”, bà nói thêm.

Trong hình minh họa, Marsha P. Johnson được khắc hoạ đang tươi cười, đeo vương miện hoa đặc trưng của mình và dẫn đầu một cuộc diễu hành tại thành phố New York. Trong đó, có rất nhiều lá cờ đại diện cho nhiều nhóm xu hướng tính dục và bản dạng giới khác nhau như vô tính, liên giới tính, chuyển giới, toàn tính luyến ái… Chúng cũng toả sáng khắp bầu trời.

Rob Gilliam - nghệ sĩ khách mời của Google Doodle - đã lưu ý cách miêu tả này được lấy cảm hứng từ nụ cười toả nắng của Marsha P. Johnson mà cô luôn thể hiện trong mọi tấm ảnh.

"Tôi chủ yếu được truyền cảm hứng từ tính cách sôi nổi của Marsha và kiến ​​trúc đặc trưng của New York", Gilliam nói. "Câu chuyện của Marsha là minh chứng cho sự kiên trì không ngừng nghỉ trước nghịch cảnh, một nhà vô địch về sự đồng nhất đối với mọi danh tính và tôn vinh vẻ đẹp của cuộc sống. Nụ cười rạng rỡ Marsha mang trong mỗi bức ảnh là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất của cô - biểu tượng cho sức mạnh và sự cống hiến bất tận đối với cộng đồng của mình”.

Elle Hearns - người sáng lập và giám đốc điều hành của Viện Marsha P. Johnson - lưu ý rằng di sản của Marsha P. Johnson vẫn có thể được nhìn thấy trong các cuộc biểu tình gần đây của phong trào Black Lives Matter. “Marsha là người tiên phong trong những ngày đầu của phong trào giải phóng người đồng tính. Cô ấy đã lên tiếng và thúc đẩy cộng đồng của mình đấu tranh chống lại sự bất công và tàn nhẫn", cô nói.

Mai Thảo

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
3 phút trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đừng lãng quên Marsha P. Johnson – người phụ nữ chuyển giới được Google vinh danh hôm nay