Lấy cảm hứng từ cuộc đời nhiều thăng trầm của tác giả, “Đường đời dốc đứng” của Nguyễn Hữu Khai kể về nghề thuốc, nghề võ, nghiệp làm thầy, ân oán của giới giang hồ và cả những mối tình đầy hoài niệm.
Trong buổi họp báo ra mắt sách tại Hà Nội vừa qua, tác giả Nguyễn Hữu Khai cho rằng: "Văn học như một cứu rỗi cho cuộc đời. Quãng thời gian ở tù, tôi đã dùng văn học để giãi bày tâm sự, để chia sẻ với bạn bè, gia đình...".
Đường đời dốc đứng được tác giả Nguyễn Hữu Khai sáng tác trong quãng thời gian rơi vào vòng tù tội. Tác phẩm mang dáng dấp của một cuốn hồi ký, với độ dày hơn 600 trang, được chia làm hai phần: “Nối tiếp Đường đời” và “Chuyện trong tù”. Tác giả Nguyễn Hữu Khai dường như khắc họa cuộc đời mình qua lối viết tự sự và những chi tiết chân thực, ngồn ngộn chất đời sống.
Lấy nguyên mẫu từ chính cuộc đời nhiều thăng trầm của tác giả, Đường đời dốc đứng hấp dẫn bạn đọc bởi cách kể chuyện khá sinh động, giàu thông tin và những chi tiết cảm động về nghề thuốc, nghề võ, nghiệp làm thầy, và cả cái nghiệp làm con người hảo hán…
Bằng lối kể chuyện đầy chất tự sự gần với thể loại hồi ký, tác giả hư cấu không nhiều, nhưng để tránh động chạm, tác giả đã đặt khác tên nhân vật, tên địa điểm các sự kiện và cố gắng trau chuốt văn chương miêu tả nội tâm và từng câu đối thoại. Tuy nhiên toàn bộ cuốn sách vẫn đầy chất thô ráp của một tảng đá quý trên vách đứng cuộc đời. Tính chân thực của biết bao chi tiết dồn nén thân phận các nhân vật, cuốn hút người đọc khó rời khỏi trang sách.
Tác giả Nguyễn Hữu Khai trong buổi ra mắt sách của mình - Ảnh: BTC
Vẻ đẹp lấp lánh trung hậu, nhân văn, sẵn sàng chia sẻ, thông cảm với mọi hoàn cảnh khó khăn của Bảo Khôi có sức lay động cả những tù nhân từng ngang tàng không biết sợ ai, cùng những quản giáo có bề dày hàng chục năm canh tù cũng gọi Khôi bằng “Thầy” với sự trân trọng thực sự.
Những trải nghiệm trong dòng đời đầy chông gai, rác bẩn, hèn hạ, phản trắc, càng làm cho Bảo Khôi biết trân trọng hơn với lòng tốt của biết bao người đã cưu mang, giúp đỡ mình. Cho dù anh phải vấp ngã trước vách đứng của đường đời thì phẩm chất của người thầy thuốc chân chính vẫn nguyên vẹn và bừng sáng hơn nhờ những chiêm nghiệm cô đơn, đau đớn, quằn quại. Sức hấp dẫn của tiểu thuyết này không chỉ từ tính chân thực dồn nén mà còn cả sự lan tỏa tư tưởng nhân văn, “cứu người không chỉ bằng thuốc, bằng võ nghệ mà bằng cả tấm lòng nhân ái và văn chương…” như nhà thơ Hữu Thỉnh từng viết về tác giả Nguyễn Hữu Khai.
Có lẽ đó cũng chính là lý do Đường đời dốc đứng, ngay từ khi còn là bản thảo, đã thu hút được sự chú ý của nhiều cây bút chuyên nghiệp. Nhà báo Đinh Đức Lập – nguyên Tổng biên tập báo Đại đoàn kết chia sẻ: “Đọc Đường đời dốc đứng mới thấy hết cuộc đời vô cùng gian khổ, có thể nói là khốc liệt của Nguyễn Hữu Khai. Song cũng qua đó, ta thấy một Nguyễn Hữu Khai uyên bác, hiểu đời sâu sắc, không chịu đầu hàng số phận…
Ông Nguyễn Hữu Khai sinh năm 1952, trong một gia đình đông anh em tại xứ Đoài (nay là xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Ông được nhiều người biết đến với tư cách là một thầy thuốc ưu tú, một võ sư và một doanh nhân ghi nhiều dấu ấn với thương hiệu Y dược Bảo Long. Năm 2011 ông Nguyễn Hữu Khai được Đài Truyền hình Kenja (Nhật Bản) bình chọn là một trong 10 doanh nhân nổi tiếng Việt Nam và một trong 500 doanh nhân nổi tiếng châu Á. Ông từng được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba. Dưới sự lãnh đạo của lương y, doanh nhân Nguyễn Hữu Khai, Tập đoàn Y dược Bảo Long từng trở thành một thương hiệu uy tín của Việt Nam, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động từ thiện vì cộng đồng. |
Dạ Thảo