Ngày 18.8, thông tin từ khoa Gây mê hồi sức tim mạch, Bệnh viện T.Ư Huế, đơn vị vừa cứu sống một trường hợp bệnh nhân viêm cơ tim thể tối cấp (Fulminant myocarditis), đây là một bệnh lý nghiêm trọng có tỉ lệ biến chứng tử vong rất cao.

ECMO cứu bệnh nhân từ ‘cửa tử’

Quế Sơn | 18/08/2019, 19:13

Ngày 18.8, thông tin từ khoa Gây mê hồi sức tim mạch, Bệnh viện T.Ư Huế, đơn vị vừa cứu sống một trường hợp bệnh nhân viêm cơ tim thể tối cấp (Fulminant myocarditis), đây là một bệnh lý nghiêm trọng có tỉ lệ biến chứng tử vong rất cao.

Các bác sĩ trong khoa Gây mê hồi sức tim mạch kể lại, vào ngày 31.7 bệnh nhân Nguyễn Thị H., 27 tuổi (quê ở TX Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) được chuyển vào bệnh viện T.Ư Huế cấp cứu với triệu chứng đau ngực, khó thở, sốt. Sau khi khám lâm sàng tại khoa cấp cứu, bệnh nhân được chuyển đến khoa Nội tiết Thần kinh Hô hấp điều trị, kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy có men tim tăng, chức năng tim giảm còn 19%, có ít dịch màng ngoài tim. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm cơ tim cấp và được mời hội chẩn đa chuyên khoa khẩn cấp để có phương án điều trị tốt nhất.

Sau đó chị H. được chuyển lên khoa nội tim mạch tại đây bệnh nhân xuất hiện triệu chứng choáng tim, tiến triển ngưng hô hấp, tuần hoàn, nguy cơ tử vong rất cao. Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu ngưng hô hấp tuần hoàn với xoa bóp tim ngoài lồng ngực, bóp bóng hỗ trợ qua nội khí quản với oxy 100% kèm hồi sức nội khoa.

Khi chức năng tim giảm còn 19%, bệnh nhân H đã có tiên lượng rất xấu - Ảnh: TNT

Sau khi hội chẩn, bác sĩ CKII Đặng Thế Uyên, Trưởng khoa Gây mê Hồi sức Tim mạch đã quyết định đặt thiết bị Oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (Extracorporeal Membrane Oxygenation – ECMO) A-V ngoại biên (đùi – đùi) và bóng đối xung động mạch chủ (IABP) nhằm hỗ trợ chức năng sống cho bệnh nhân.

ECMO là tên viết tắt của phương pháp “oxy hóa qua màng ngoài cơ thể” (Extracorporeal Membrane Oxygenation). Đây là phương pháp sử dụng tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng. Với nguyên lý hoạt động tương tự như máy tim phổi nhân tạo, mục tiêu của ECMO là tạo thời gian cho tim và/hoặc phổi được nghỉ ngơi và hồi phục.

Phương pháp Ecmo được sử dụng kịp thời cứu sống tính mạng cho bệnh nhân - Ảnh: TNT

Sau khi được hỗ trợ ECMO, các chỉ số, tình trạng huyết động của bệnh nhân H. cải thiện tốt. Đến ngày thứ 6 kể từ khi can thiệp phương pháp trên, chức năng tim hồi phục tốt, hô hấp ổn định, toàn trạng bệnh nhân H. tốt dần lên.

Bác sĩ CKII Đặng Thế Uyên phân tích rằng bệnh lý của bệnh nhân H. vừa gặp là viêm cơ tim, dấu hiệu ban đầu của bệnh rất khó phát hiện bởi triệu chứng lâm sàng không điển hình, giống cảm sốt thông thường như: mệt mỏi, đau nhức người, chán ăn... hơn nữa lại hay gặp ở người trẻ tuổi nên càng dễ chủ quan, coi nhẹ. Hậu quả của bệnh rất nguy hiểm, thậm chí tử vong. Trong đó, thể tối cấp được biểu hiện bằng tình trạng khởi phát cấp tính và suy sụp tuần hoàn trầm trọng, có nguy cơ tử vong rất cao đến 70% nếu không được điều trị tích cực kịp thời.

Hiện tại bệnh nhân H. đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không có di chứng thần kinh, chức năng tim và các cơ quan hồi phục tốt.

Quế Sơn
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Người Việt có gien về KH-CN, là lợi thế để phát triển ngành bán dẫn
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay Việt Nam có nhiều lợi thế về công nghiệp bán dẫn, trong đó đáng chú ý là người Việt có gien về khoa học công nghệ. Lợi thế này không kém gì lợi thế về địa chính trị.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ECMO cứu bệnh nhân từ ‘cửa tử’