27 quốc gia EU đã bị chia rẽ bởi "quan điểm khác nhau" xung quanh đề xuất nhằm đặt ra mức trần cho các giao dịch diễn ra trên thị trường khí đốt.
Dù các nhà lãnh đạo quốc gia thành viên EU đang nỗ lực hạ giá năng lượng, nhưng sự chia rẽ dai dẳng giữa họ đồng nghĩa với việc khối này cho đến này vẫn chưa thể có tiếng nói chung trong việc đưa ra mức trần giá khí đốt phù hợp.
Cụ thể, 15 quốc gia trong đó có Pháp, Ý, Bỉ, Ba Lan đang cố gắng thúc đẩy một mức trần giá năng lượng đầy tham vọng. Tuy nhiên, số còn lại, trong đó có Đức, Áo, Hungary, Hà Lan lại đang phản đối mạnh mẽ.
Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của Liên minh châu Âu (EU) tháng này đã đề nghị xem xét giới hạn về giá khí của Cơ sở chuyển nhượng quyền sở hữu Hà Lan (TTF) để ngăn ngừa các trường hợp đầu cơ và biến động quá mức.
Mức giới hạn như vậy sẽ là một giải pháp tạm thời trong khi EU làm việc trên một tiêu chuẩn giá khí đốt mới. EC đã cố gắng thỏa mãn các quan điểm khác nhau bằng một loạt đề xuất mà họ hy vọng sẽ giúp người dân châu Âu giảm chi tiêu cho việc sưởi ấm khi mùa đông đang đến gần.
"Chúng tôi đã có quan điểm rất khác nhau về cơ chế TTF. Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để đảm bảo rằng việc áp trần giá khí đốt sẽ vẫn cho phép chúng tôi mua khí đốt mà chúng tôi cần trên thị trường. Chúng tôi phải đưa ra các biện pháp làm hài lòng, nếu có thể, tất cả các quốc gia thành viên", Bộ trưởng Năng lượng Czech Jozef Síkela cho biết hôm 25.10 khi kết thúc cuộc họp giữa các bộ trưởng năng lượng ở Luxembourg.
Kadri Simson, Ủy viên châu Âu về năng lượng, cho biết cơ chế TTF có thể được áp dụng ngay lập tức một khi các quốc gia tán thành đề xuất, vốn vẫn đang trong quá trình thực hiện. “Khi chúng tôi phát triển công cụ ngắn hạn này, chúng tôi phải đảm bảo an ninh nguồn cung và tránh gia tăng tiêu thụ khí đốt”, bà Simson nói.
Mô hình Iberia
Một điểm gây tranh cãi khác trong cuộc họp cấp bộ trưởng EU là khả năng mở rộng cái gọi là mô hình Iberia cho toàn bộ Liên minh châu Âu. Mô hình này được Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha giới thiệu trong năm nay, là một chương trình viện trợ của nhà nước nhằm trang trải một phần giá khí đốt cao được sử dụng để sản xuất điện.
Trợ cấp được dành cho các nhà máy nhiệt điện khí và bù đắp phần chênh lệch giữa giá thị trường thực và mức trần. Ủy ban châu Âu (EC) tin rằng việc áp dụng hệ thống này cho toàn EU sẽ mang lại lợi ích ròng khoảng 13 tỉ euro song cảnh báo sẽ có những rào cản và "thách thức chính trị" đáng kể có thể xảy ra.