EU đang lập biện pháp can thiệp khẩn cấp để chấm dứt tình trạng tiền điện tăng quá cao trên toàn châu lục.
Từ sau khi Nga gây chiến ở Ukraine, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã ghi nhận giá năng lượng tăng cao và phải tìm cách tránh lệ thuộc nguồn khí đốt nhập khẩu từ Nga.
Tại một hội thảo quốc tế ở Slovenia hôm 29.8, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết “thị trường điện đang diễn tiến theo những tình huống khác hẳn. Việc tăng giá đã phơi bày những hạn chế trong thiết kế thị trường điện của chúng ta”.
Bà chủ tịch giải thích lý do EC đang lập biện pháp can thiệp khẩn cấp và cải cách cơ cấu thị trường điện. Bộ trưởng năng lượng của 27 nước thành viên EU sẽ họp khẩn cấp vào ngày 9.9 tới.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng nói điều cần thiết là thị trường điện phải có những “thay đổi về cấu trúc” nhằm kéo giảm giá điện.
Cuộc cải cách này có thể xét lại cơ chế “thứ tự ưu tiên” vốn quyết định giá điện. Với cơ chế này, nhà cung cấp điện giá rẻ nhất sẽ được chọn để nguồn điện của họ hòa vào lưới điện, và theo thứ tự thì nhà cung cấp điện giá đắt nhất chỉ được chọn sau cùng.
Tuy nhiên, giá điện lại dựa trên chi phí biên của nhà cung cấp giá đắt nhất. Hiện tại, các nhà cung cấp điện đắt nhất là những nhà cung cấp sử dụng khí đốt, mà nguồn khí này lại tăng giá cao do nguồn cung từ Nga đã giảm đáng kể.
Điều này gây ra sự chênh lệch về giá điện, nhất là tại các nước sản xuất năng lượng từ các nguồn năng lượng tái tạo, do có sự khác biệt giữa chi phí sản xuất với giá mà người tiêu dùng phải trả.
Một ví dụ, Đức dùng 51% nguồn năng lượng tái tạo để sản xuất điện, và chỉ 11% nguồn điện của Đức là từ khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Báo Đức Deutsche Welle nhận xét xem ra Đức thích duy trì cơ chế “thứ tự ưu tiên” nhưng cũng muốn hủy cơ chế này. Người phát ngôn Beate Baron của Bộ Kinh tế Đức nói “nên giữ cơ chế này, nhưng đồng thời xóa bỏ những hậu quả tiêu cực của nó, để giá khí đốt cao không còn có thể tự động tác động trực tiếp lên giá điện”.
Bộ trưởng Công thương Czech, ông Jozef Sikela nói một trong những đề xuất mà các quan chức EU đang xem xét, là “thúc đẩy một mức giá khí đốt sử dụng vào việc sản xuất điện. Đây là giải pháp không tốn kém và có hiệu quả nhằm kéo giảm giá”.
EU từng đề xuất áp mức trần giá khí đốt và điện hồi tháng 3, sau khi giá năng lượng tăng cao. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có cơ chế áp dụng.
Trong khi một số nhà lãnh đạo châu Âu hy vọng cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ sớm chấm dứt, một số chuyên gia trong ngành năng lượng lại nghĩ “giá cao sẽ còn tiếp tục suốt nhiều mùa đông”.
Bộ trưởng Năng lượng Bỉ Tinne Van der Straeten cảnh báo “khoảng 5 - 10 mùa đông tới sẽ rất khủng khiếp” nếu không áp mức trần giá điện và khí đốt.
Nathan Piper, một nhà phân tích về dầu khí cho rằng “thời đại năng lượng giá rẻ đã kết thúc” khi châu Âu giảm sự lệ thuộc nguồn năng lượng từ Nga, và tăng nhu cầu sử dụng LNG.