Cảnh sát Hồng Kông nghi ngờ 22 nạn nhân vẫn bị giam giữ trái ý muốn, có thể ở Campuchia hoặc Myanmar.

Kế hoạch giải cứu nạn nhân buôn người của Hồng Kông bị dân mạng chế nhạo

Sơn Vân | 28/08/2022, 10:23

Cảnh sát Hồng Kông nghi ngờ 22 nạn nhân vẫn bị giam giữ trái ý muốn, có thể ở Campuchia hoặc Myanmar.

Theo tờ Khmer Times, cảnh sát chỉ có thể xác nhận sự an toàn và tung tích của 13 người trong số 22 nạn nhân. Cảnh sát Hồng Kông vẫn đang cố gắng xác định vị trí của 9 người còn lại.

Trong khi 11 nạn nhân của vụ lừa đảo ở Hồng Kông đã trở về quê hương an toàn, 3 người quyết định không quay lại ngay lập tức.

Từ sáng 22.8 đến nay, cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ 5 người địa phương và tạm giữ để điều tra. Trong đó có 2 người bị tình nghi là thành viên chủ chốt của tổ chức lừa đảo.

5 người bị bắt khai rằng những trò gian lận này thường bắt đầu bằng bài đăng trên mạng tuyển dụng những công việc lương cao nhưng không đòi hỏi nhiều kinh nghiệm. Nhóm lừa đảo thường tịch thu hộ chiếu của nạn nhân ngay khi đến sân bay, sau đó nhốt họ.

Sau đó, bọn tội phạm sẽ buộc các nạn nhân làm việc trong một trung tâm chuyên gọi điện, nhắn tin lừa đảo người khác. Họ phải dụ những người khác trở thành mục tiêu tiếp theo của bọn tội phạm.

Cảnh sát cho biết nếu các nạn nhân không tuân theo lệnh thì sẽ bị tra tấn, lạm dụng và hành hung một cách vô nhân đạo cho đến khi đồng ý làm việc cho các tổ chức lừa đảo này.

Cảnh sát Hồng Kông tuyên bố: “Nhiều nạn nhân trong số này đã được cứu sống nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình từ các đại sứ địa phương của Trung Quốc và chính quyền Bắc Kinh”.

Các nạn nhân khác hoặc tự mình trốn thoát hoặc trả một khoản tiền chuộc khổng lồ để được tự do.

Chính quyền Hồng Kông cho biết rất quan tâm và hợp tác chặt chẽ với Interpol (Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế). “Cục An ninh Quốc gia đã thành lập một đơn vị đặc biệt. Ưu tiên của họ là đưa những công dân bị bắt cóc trở về an toàn”, theo cảnh sát Hồng Kông.

Cảnh sát cũng khuyến cáo rằng nếu bất kỳ thành viên nào nghi ngờ người thân là nạn nhân của các nhóm tội phạm này hoặc lừa đảo việc làm, họ nên liên hệ với Sở Cảnh sát hoặc Sở Di trú ngay lập tức.

noi-nan-nhan-buon-nguoi-tai-don-va-anh-de-duoc-giup-do-hong-kong-bi-che-nhao.jpg
Cảnh sát cảnh báo du khách tại Sân bay Quốc tế Hồng Kông về những vụ lừa đảo việc làm và buôn người gần đây ở Campuchia

Đây không phải là một xu hướng mới. Năm 2021, khoảng 20.000 trường hợp được báo cáo liên quan đến lừa đảo việc làm ở nước ngoài. Cảnh sát Hồng Kông tuyên bố: "Các vụ án ở nước ngoài là một phần cản trở việc điều tra và giải cứu nạn nhân của chúng tôi".

Trải nghiệm đáng sợ của các nạn nhân

Dựa trên nhiều báo cáo từ các phương tiện truyền thông, những người sống sót đã tìm cách trốn thoát và kể về những trải nghiệm khủng khiếp khi bị buôn bán và buộc phải làm việc cho các nhóm bất hợp pháp ngầm.

Tờ China Daily đã phỏng vấn anh Hui (tên giả, 25 tuổi), được giải cứu vào ngày 22.8. Hui nói rằng anh đã bị một trong những người hàng xóm của mình lừa đảo. Hàng xóm nói đã sắp xếp cho Hui làm việc tại sòng bạc ở Campuchia.

Khi đến nơi mà Hui nghĩ sẽ làm công việc được trả lương cao, anh buộc phải ăn mặc như một phụ nữ, vì bọn tội phạm tin rằng điều đó sẽ làm tăng hiệu quả trong các vụ lừa đảo. Hui được thông báo rằng nếu không làm theo lời dặn, anh sẽ bị chích điện cho đến khi ngất đi.

Hui bị bán cho một sòng bạc Campuchia trong 4 tháng và sòng bạc này yêu cầu các nạn nhân dụ người Việt Nam qua mạng bằng lời mật ngọt. Bọn tội phạm mạng bắt nạn nhân giả là phụ nữ Việt để lừa gạt những người nam đồng hương vì cho rằng điều đó sẽ hiệu quả hơn và “con mồi” sẽ dễ dàng mắc bẫy hơn.

Hui nói rằng sòng bạc đã đặt mục tiêu cho các vụ lừa đảo: “Chúng tôi phải đạt mục tiêu 300 triệu đến 400 triệu đồng (khoảng 12.700 đến 16.600 USD) mỗi tháng".

Bất kỳ ai đạt chỉ tiêu sẽ được đảm bảo an toàn trong 30 ngày tiếp theo. Một người khác được cứu là bạn của Hui, nói rằng nếu anh không thực hiện mục tiêu thì sẽ bị bọn tội phạm giật điện chân tay. Anh ta sẽ bị trói vào ghế và giật điện cho đến khi ngất đi.

Ở Campuchia, thành phố Sihanoukville đã trở thành mỏ vàng cho các nhà phát triển và kinh doanh cờ bạc Trung Quốc. Là trung tâm thương mại lớn nhất Campuchia, Sihanoukville cũng trở thành điểm nóng của bọn tội phạm.

Trang AM730 (Hồng Kông) đã phỏng vấn Ho Pui-Sze, giảng viên chính tại khoa Luật của Đại học Hồng Kông. Ho Pui-Sze tin rằng luật pháp hiện hành ở Hồng Kông không đủ để đối phó với vụ việc lừa đảo xuyên biên giới.

Ho nói rằng luật hiện hành ở Hồng Kông chủ yếu được thực thi bởi các luật khác nhau như Pháp lệnh Tội phạm, Pháp lệnh Nhập cư, Pháp lệnh Việc làm, chẳng hạn như Pháp lệnh Tội phạm Hình sự. Các luật này chỉ nhắm vào mại dâm và buôn người vào hoặc ra khỏi Hồng Kông, song không bao gồm việc bóc lột sức lao động và tội phạm cưỡng bức.

Bà Ho Pui-Sze chỉ ra rằng tòa án tối cao trước đó đã phán quyết rằng luật pháp hiện hành ở Hồng Kông không thể nhắm vào các trường hợp buôn người xuyên biên giới hoặc cưỡng bức lao động vì không có cơ sở pháp lý. Cơ quan thực thi pháp luật do đó không thể tiến hành các cuộc điều tra tương ứng.

Ho Pui-Sze nói: “Hiện tại, luật pháp và pháp chế ở Hồng Kông đã quá lạc hậu. Chính quyền nên thiết lập và củng cố luật càng sớm càng tốt để tăng tính răn đe”.

Mỹ đưa Hồng Kông vào danh sách giám sát ở cấp độ thứ hai

Vào tháng 7, Mỹ đã công bố báo cáo về Nạn buôn bán người năm 2022. Trong khi Trung Quốc bị xếp hạng tồi tệ nhất, có nghĩa là tiêu chuẩn của họ không phù hợp với Bảo vệ nạn nhân buôn người của Mỹ, Hồng Kông cũng bị đưa vào danh sách giám sát ở cấp độ thứ hai. Đây là năm thứ ba kể từ khi Hồng Kông bị xếp vào danh sách cấp hai.

Báo cáo chỉ ra rằng chính quyền Hồng Kông đã không đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu để thể hiện nỗ lực của mình trong việc loại bỏ nạn buôn người.

Chính quyền Hồng Kông phản đối mạnh mẽ bản báo cáo, cho rằng đánh giá này là không công bằng và thiên vị, đồng thời tuyên bố nạn buôn người không phải là vấn đề phổ biến ở đặc khu này. Thế nhưng, những vụ bắt cóc gần đây ở Campuchia lại chứng minh điều ngược lại.

Phản ứng của chính quyền Hồng Kông bị chế nhạo

Trong khi Đài Loan nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ giải cứu nạn nhân bị lừa đảo việc làm, Hồng Kông gần như không phản ứng cho đến khi tin tức được truyền thông đưa tin vài tuần trước.

Michael Cheuk Hau-yip, lãnh đạo cơ quan an ninh Hồng Kông, cho biết vào ngày 19.8 rằng khó khăn của việc giải cứu người Hồng Kông là phải xác nhận chính xác nơi ở của nạn nhân và có được sự hợp tác với chính quyền địa phương.

Michael Cheuk Hau-yip kêu gọi công chúng: “Bạn có thể chụp ảnh và điền vào biểu mẫu yêu cầu giúp đỡ và gửi đến Sở Di trú. Ngoài ra, bạn có thể gọi cho Sở Di trú để được giúp đỡ”.

Michael Cheuk Hau-yip cũng tuyên bố rằng các nạn nhân có thể sử dụng dữ liệu di động để lấy biểu mẫu và tải ảnh lên. Ông cho biết các đơn vị thực thi pháp luật địa phương sẽ theo dõi thông tin từ Đại sứ quán Trung Quốc và Interpol.

Cư dân mạng sau đó đã phản bác Michael Cheuk Hau-yip, nói rằng làm thế nào để một nạn nhân bị bắt cóc có thời gian sử dụng dữ liệu di động để đăng biểu mẫu và tải ảnh lên? Một số cư dân mạng còn gọi kế hoạch giải cứu nạn nhân của chính quyền Hồng Kông là “hoang đường”.

Các băng nhóm có liên hệ Hội Tam Hoàng bị tố đưa người Đài Loan làm nô lệ mạng ở Campuchia

Những kẻ buôn người, nhiều người trong số họ có liên hệ với Hội Tam Hoàng nổi tiếng, chủ yếu nhắm mục tiêu vào giới trẻ châu Á qua mạng xã hội, hứa hẹn cho họ những công việc được trả lương cao và nơi ở tại các quốc gia như Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Lào.

Theo tờ Khmer Times, khi đến nơi, họ bị lấy hộ chiếu và bán cho các tổ chức khác nhau, đưa vào làm việc trong các cơ sở tham gia vào các vụ lừa đảo qua ĐTDĐ hoặc trang web bất hợp pháp.

Các nhà chức trách đã báo cáo rằng hàng trăm người Đài Loan nằm trong số vô số những người đang bị giam giữ trái ý muốn và bị các tổ chức buôn người ở Đông Nam Á đưa vào các mạng lưới lừa đảo viễn thông.

Các nhà chức trách ở Đài Loan tuyên bố rằng hơn 5.000 công dân của họ đã đến Campuchia và không bao giờ quay trở lại. Cảnh sát nói rằng đã xác định được ít nhất 370 người trong số họ bị giam giữ trái với ý muốn, song số nạn nhân có khả năng nhiều hơn nữa.

Ít nhất 46 người gần đây đã trở lại được Đài Loan. Một số người trong đó cho rằng bị ép buộc phải ký hợp đồng, trong khi những người khác nói bị lạm dụng, cưỡng hiếp, từ chối cho ăn, nước uống và thường xuyên bị đe dọa.

Yu Tang, người phụ nữ trẻ Đài Loan yêu cầu không nêu họ của cô, khai rằng một phụ nữ Đài Loan đã định vị cô trong một nhóm dành cho những người tìm việc và liên lạc với cô qua Facebook vào tháng 4. Cô được đề nghị nhận một công việc trong các trung tâm hỗ trợ hoặc gọi điện cho các doanh nghiệp kinh doanh sòng bạc và game trực tuyến.

“Tôi không tin họ nhưng sau đó chúng tôi đã gặp nhau ở nơi công cộng”, Yu Tang nói. Người đó có vẻ "bình thường", Yu Tang cho hay.

Cô đồng ý nhận công việc này và gặp nhiều người khác nhau tại sân bay cùng một số người khác cũng đang tìm việc. Tiếp đó, họ gặp những người “tự nhận là phía công ty môi giới du lịch nhưng trông giống côn đồ” tại sân bay Phnom Penh (Campuchia). Các nhân viên đã lấy hộ chiếu của các nhóm và tuyên bố rằng cần chúng để thu xếp thẻ sim, nhưng không bao giờ trả lại.

Yu Tang khai rằng các nạn nhân được chuyển đến thành phố Sihanoukville (Campuchia) và nói rằng họ sẽ phải tham gia vào hoạt động lừa đảo qua điện thoại. Tất cả cuộc nói chuyện với những kẻ buôn người sẽ bị xóa khỏi điện thoại của họ.

Ngoài ra, họ cũng bị cảnh báo rằng nếu muốn được trả tự do thì cần tìm thêm những người mới và phải trả 17.000 USD. Yu Tang cho biết một người đàn ông phàn nàn đã bị hạ gục và gây sốc bằng một khẩu súng điện. 

Yu Tang nói rằng cô may mắn có được một chiếc sim và ngay lập tức bắt đầu tìm hiểu tổ chức buôn người. Yu Tang đã phát hiện ra thông tin văn phòng của một chính trị gia địa phương và liên hệ với họ qua Facebook, tờ Guardian đưa tin.

Cảnh sát và quân đội đến đón cô vào ngày hôm sau. Yu Tang đã từ chối khi ông chủ đề nghị trả tiền để "coi như không có chuyện gì xảy ra". Sau đó, cô đã trở lại Đài Loan.

Yu Tang đã chứng kiến ​​ít nhất 50 người Đài Loan khác bị giam giữ tại cùng văn phòng nơi cô bị đưa đi và khu vực lân cận có nhiều công trình kiến ​​trúc tương tự. Theo Yu Tang, nhiều người Đài Loan vẫn bị mắc kẹt ở Campuchia hơn chính quyền đã báo cáo.

Yu Tang cho biết nhiều người đã được yêu cầu ký các tài liệu sẽ được trình cho bất kỳ cơ quan chức năng địa phương nào hỏi về tình trạng của họ và khi thời gian giam giữ tăng lên, mọi người càng ngại lên tiếng.

Yu Tang hiện đã trở lại Đài Loan, liên tục được người thân của các nạn nhân liên lạc để nhờ cô giúp họ trốn thoát. Cảnh sát đang tìm kiếm thông tin từ cô. Cho đến nay, cô đã hỗ trợ 8 người quay trở lại Đài Loan.

Liên quan đến đường dây buôn người, cảnh sát Đài Loan tuyên bố đã bắt giữ ít nhất 67 người, trong đó có 16 người hôm 22.8 bị cáo buộc có quan hệ với các băng nhóm địa phương.

Sar Kheng, Bộ trưởng Nội vụ Campuchia, hôm 18.8 thông báo rằng bộ của ông sẽ tiến hành cuộc điều tra trên toàn quốc về tình trạng người nước ngoài làm việc hoặc cư trú tại các khách sạn, nhà cho thuê và sòng bạc.

Bài liên quan
Tìm thấy thi thể thiếu niên 16 tuổi đào thoát khỏi casino 'địa ngục' ở Campuchia
Liên quan đến vụ việc hơn 40 người tháo chạy khỏi casino ở Campuchia, sáng 20.8, Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang, cho biết đã tìm được thi thể người mất tích.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu phải báo cáo tình hình chuyển đổi số, kinh tế số một cách trung thực
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương đánh giá tình hình triển khai công tác chuyển đổi số quốc gia với trọng tâm là phát triển kinh tế số trên tinh thần khách quan, trung thực, có số liệu cụ thể về kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế...
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kế hoạch giải cứu nạn nhân buôn người của Hồng Kông bị dân mạng chế nhạo