Đó có thể được coi là thông điệp dành cho các doanh nghiệp Việt Nam khi chỉ còn 1 ngày nữa, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực. Một cơ hội lớn sẽ mở ra với kỳ vọng giúp doanh nghiệp Việt Nam phục hồi và phát triển là hoàn toàn có thật.

EVFTA: Nắm bắt thời cơ, vượt qua thử thách, sẵn sàng tỏa sáng

30/07/2020, 16:14

Đó có thể được coi là thông điệp dành cho các doanh nghiệp Việt Nam khi chỉ còn 1 ngày nữa, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực. Một cơ hội lớn sẽ mở ra với kỳ vọng giúp doanh nghiệp Việt Nam phục hồi và phát triển là hoàn toàn có thật.

Thủ tướng Chính phủ điện đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu - Ảnh: VGP

Hôm qua, 29.7.2020, vào thời điểm đặc biệt quan trọng khi Hiệp định đi vào hiệu lực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm với bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), trao đổi về việc triển khai và thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) và quan hệ hợp tác Việt Nam – EC trên nhiều lĩnh vực.

Thủ tướng Việt Nam và Chủ tịch châu Âu đều tin tưởng rằng EVFTA sẽ phát huy tối đa các lợi ích mà Hiệp định sẽ mang lại cho cả hai bên, thúc đẩy tự do hóa thương mại, hợp tác, liên kết tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Điều này sẽ góp phần tích cực phục hồi tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp rất nhiều khó khăn vì phải chịu tác động sâu sắc từ đại dịch COVID-19.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, trong buổi gặp gỡ Lãnh đạo các cơ quan báo chí phía Nam dịp đầu tháng 7 vừa qua tại TP.HCM đã nhấn mạnh rằng: “Đây là một FTA thế hệ mới mẫu mực, đa phương và toàn diện. Việt Nam sẽ kết nối với một thực thể kinh tế 27 nước trong liên minh châu Âu có trình độ tiên tiến. Hai bên ký với nhau một Hiệp định thương mại bất đối xứng nhưng cân bằng lợi ích”. Cùng với người đứng đầu ngành công thương, 11 Vụ trưởng, Cục trưởng của Bộ này – trong đó có nhiều người trực tiếp tham gia các đoàn đàm phán của Chính phủ, đã có mặt để cùng với và thông qua truyền thông, giải đáp tất cả các câu hỏi về Hiệp định, giúp doanh nghiệp có được thuận lợi tối đa trên lộ trình tham gia EVFTA ngay từ những ngày đầu Hiệp định có hiệu lực.

Vậy, doanh nghiệp Việt Nam tìm thấy những giá trị gì từ Hiệp định?

Cùng mở khoá tiềm năng tương lai

Trước tiên là những cơ hội mang tính dài hạn. EU hiện đang là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Đây cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 4 của Việt Nam. Quan hệ thương mại giữa hai bên đang là những con số ấn tượng, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều tăng hơn 13,7 lần, từ mức 4,1 tỉ USD năm 2000 lên 56,45 tỉ USD năm 2019. Trong đó xuất khẩu của VN vào EU tăng 14,8 lần từ 2,8 tỉ USD lên 41,54 tỉ USD và mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, xuất khẩu hàng hoá VN sang EU trong 5 tháng đầu năm 2020 vẫn đạt 13,29 tỉ USD (chỉ bị giảm 9,58% so với cùng kỳ năm 2019).

EVFTA được ký kết trong bối cảnh quan hệ song phương đang phát triển ngày càng tốt đẹp, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại. Khi Hiệp định lịch sử này có hiệu lực sẽ mở đường cho thương mại và đầu tư gia tăng, bởi quá trình loại bỏ gần 99% các dòng thuế và rào cản thương mại trong vòng 10 năm tới, được khởi động và “chạy” trên nền tảng các thoả thuận. Vào EVFTA, các doanh nghiệp VN sẽ có cơ hội mở rộng cửa giao thương, chinh phục thị trường hơn 500 triệu dân với nhiều dư địa tăng trưởng. Động thái này không chỉ có lợi cho các doanh nghiệp mà nó còn thúc đẩy chất lượng sống của công dân trong khu vực Hiệp định từ hệ thống chất lượng được xác định rõ ràng trong hàng hoá, dịch vụ qua lại.

Việc thâm nhập thành công vào thị trường EU cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp VN mở rộng quan hệ hợp tác với cùng lúc 27 quốc gia thành viên để giải quyết bài toán đầu ra về đa dạng thị trường, tránh bị lệ thuộc vào một vài thị trường nhất định. Quan trọng hơn, VN sẽ tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, tiếp cận trở lại với nguồn máy móc, công nghệ kỹ thuật cao từ châu Âu.

Bên cạnh đó, thời cơ cho các doanh nghiệp VN, theo nhiều nhận định, còn đến từ việc đón làn sóng đầu tư khi các quốc gia EU đang dịch chuyển dòng vốn rời Trung Quốc và các nước khác tại châu Á đang bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19. Tác động kép từ COVID-19 và căng thẳng thương mại giữa các nước đã dẫn đến quá trình tái cấu trúc mạnh mẽ các chuỗi giá trị toàn cầu trên một quy mô lớn. Việc VN ngăn chặn, kiểm soát tốt dịch bệnh và sớm mở cửa lại thị trường, cùng với việc Chính phủ kiến tạo các chính sách và năng động đổi mới thể chế đã đặt doanh nghiệp VN vào những vị thế nhiều sức hấp dẫn đối với các dòng đầu tư trung dài hạn và chất lượng.

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường Âu-Mỹ (Bộ Công thương) đã phân tích sâu hơn các cơ hội cho hàng nông sản VN. Chẳng hạn, EU dành tổng hạn ngạch 80.000 tấn/năm đối với gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm với thuế trong hạn ngạch là 0%, gạo tấm xóa bỏ thuế trong 5 năm, sản phẩm từ gạo xoá bỏ thuế trong 3-5 năm. Hoặc các sản phẩm rau củ quả tươi và chế biến, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, mật ong tự nhiên sẽ được xoá bỏ thuế ngay. Hàng công nghiệp và hàng thuỷ sản cũng đều có cơ hội được xoá bỏ thuế ngay hoặc gặp thuận lợi về thời gian xoá bỏ thuế.

Tuy nhiên, không có gì là quá dễ

Các cơ hội về thuế quan, thị trường, đầu tư… như đã trình bày ở trên là rất thuận lợi đối với doanh nghiệp VN, “khi lần đầu tiên, một nước đang phát triển như VN ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tự do với EU”- Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ chính sách Thương mại đa biên cho biết như vậy. Tuy nhiên, không có gì là quá dễ.

Trên thực tế, EU là một thị trường khó tính, đặc biệt là khó tính về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có yêu cầu rất cao đối với các mặt hàng nhập khẩu nên nếu không đáp ứng được vấn đề chất lượng, doanh nghiệp VN gặp khó là điều có thể nói trước. Tuy nhiên, đây nên được coi là thách thức xen lẫn với cơ hội để các doanh nghiệp VN nâng cao năng lực nội tại, đầu tư khoa học công nghệ, tăng sức cạnh tranh, phát triển xuất khẩu theo hướng ổn định, bền vững.

Doanh nghiệp VN hiện đa số có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, năng lực sản xuất thấp nên việc đầu tư “điều nghiên”, khảo sát tìm hiểu mọi ngóc ngách thị trường EU nhằm phục vụ bán hàng cho trúng và đúng là điều khó làm nếu không thay đổi tư duy và đầu tư vốn để tiếp cận thị trường,…

Một khó khăn nữa, hàng hoá VN đang bước đầu vào được hệ thống phân phối của EU nhưng một số mặt hàng truyền thống của ta tại thị trường này luôn vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, khi họ có ưu thế hơn hẳn về giá cả.

Doanh nghiệp VN phải làm gì?

Không nên quá bi quan trước thách thức cũng là thông điệp mà Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên Lương Hoàng Thái muốn nói với doanh nghiệp. Cơ cấu kinh tế của EU và Việt Nam mang tính bổ sung rất cao, không đối đầu trực tiếp nên sẽ có nhiều khoảng trống dành cho sự cố gắng. Trước khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam đã mở cửa làm ăn với nhiều đối tác khác nên ít nhiều đã làm quen với thông lệ, tập quán thương mại quốc tế. Vào EU, doanh nghiệp VN cần lưu ý cách tiếp cận thị trường như thế nào để đạt hiệu quả nhất, vấn đề về lao động, môi trường hậu COVID-19 cần được chuẩn bị kỹ, trước mắt hướng vào khu vực Đông Âu - nơi đang được đánh giá là ít bị ảnh hưởng dịch bệnh.

Các thương nhân VN cần tìm đến các lớp tập huấn hoặc vào cổng Thông tin điện tử Bộ Công thương để được cập nhật các kiến thức, đảm bảo cho việc làm ăn trở nên thuận lợi và chắc chắn hơn khi tiến vào EU.

Trong bối cảnh EVFTA đang đi vào hiệu lực với một nền tảng có nhiều biến động khó lường trên khắp thế giới, hiện thực đó vừa là thách thức vừa là cơ hội cho doanh nghiệp VN. Chúng ta cần chủ động đổi mới chính mình, nâng cao sức mạnh nội tại, năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh, nắm bắt thời cơ để sẵn sàng tỏa sáng.

Th.s Hoàng Đại Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
10 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
EVFTA: Nắm bắt thời cơ, vượt qua thử thách, sẵn sàng tỏa sáng