Một nhóm gồm 20 hãng công nghệ vừa đồng ý hợp tác để ngăn chặn nội dung lừa đảo do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra can thiệp vào các cuộc bầu cử trên toàn cầu trong năm 2024.
Thế giới số

Microsoft, OpenAI, Meta và 17 hãng công nghệ ký hiệp định chống AI can thiệp vào bầu cử toàn cầu

Sơn Vân 17/02/2024 10:39

Một nhóm gồm 20 hãng công nghệ vừa đồng ý hợp tác để ngăn chặn nội dung lừa đảo do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra can thiệp vào các cuộc bầu cử trên toàn cầu trong năm 2024.

Sự phát triển nhanh chóng của AI tạo sinh (có thể tạo ra văn bản, hình ảnh và video trong vài giây dựa trên gợi ý của người dùng) đã làm gia tăng lo ngại rằng công nghệ này có thể được sử dụng để tác động đến các cuộc bầu cử lớn trong năm 2024, khi hơn một nửa dân số thế giới chuẩn bị đi bầu cử.

Reuters đưa tin các bên vừa ký kết hiệp định công nghệ, được công bố tại Hội nghị An ninh Munich (Đức), gồm cả các công ty đang xây dựng các mô hình AI tạo sinh được sử dụng để tạo nội dung như OpenAI, Microsoft và Adobe. Các bên ký kết khác là những nền tảng truyền thông xã hội sẽ phải đối mặt với thách thức loại bỏ nội dung có hại khỏi trang web của họ, chẳng hạn Meta Platforms, TikTok và X (trước đây gọi là Twitter).

AI tạo sinh là một loại AI có mục tiêu chính là tạo ra thông tin mới, thường thông qua quá trình học máy và học sâu. Loại AI này không chỉ giải quyết các nhiệm vụ cụ thể, mà còn có khả năng tạo ra dữ liệu, văn bản, hình ảnh, âm thanh và nhiều loại thông tin khác.

Một ví dụ nổi tiếng về AI tạo sinh là mô hình ngôn ngữ lớn GPT (Generative Pre-trained Transformer) của OpenAI. GPT có khả năng tạo ra văn bản mới, dựa trên dữ liệu mà nó đã được huấn luyện trước đó.

AI tạo sinh có thể được sử dụng trong nhiều ứng dụng, gồm tạo văn bản, hình ảnh, âm thanh và thậm chí trong việc giải quyết vấn đề trong lĩnh vực nghệ thuật sáng tạo và thiết kế.

Thỏa thuận gồm các cam kết hợp tác phát triển công cụ phát hiện hình ảnh, video và âm thanh gây hiểu lầm do AI tạo ra, tạo các chiến dịch nâng cao nhận thức của cộng đồng nhằm hướng dẫn cử tri về nội dung lừa đảo và thực hiện hành động với nội dung đó trên dịch vụ của họ.

Các hãng cho biết công nghệ để xác định nội dung do AI tạo hoặc xác nhận nguồn gốc của nó có thể gồm cả hình mờ hoặc nhúng siêu dữ liệu.

Hiệp định không nêu rõ thời gian thực hiện các cam kết hoặc cách mỗi công ty sẽ thực hiện chúng.

Nick Clegg, Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Meta Platforms, nhận xét: “Điều tôi nghĩ là hữu ích ở đây là sự đa dạng của các công ty tham gia ký kết hiệp định. Việc các nền tảng riêng lẻ phát triển các chính sách phát hiện, nguồn gốc, dán nhãn, đánh dấu bản quyền,... là điều tốt, nhưng nếu không có một cam kết rộng hơn để thực hiện chúng theo cách liên kết hoạt động chung, thì chúng ta sẽ bị mắc kẹt với mớ hỗn độn các cam kết khác nhau”.

microsoft-openai-meta-va-17-big-tech-ky-hiep-dinh-chong-ai-can-thiep-vao-bau-cu-toan-cau.jpg
Một nhóm gồm 20 hãng công nghệ đã đồng ý hợp tác để ngăn chặn nội dung lừa đảo do AI tạo ra can thiệp vào các cuộc bầu cử trên toàn cầu trong năm 2024 - Ảnh: Reuters

AI tạo sinh đã được sử dụng để tác động đến chính trị và thậm chí thuyết phục cử tri không bỏ phiếu.

Vào tháng 1, cuộc gọi tự động (robocall) sử dụng âm thanh giả của Tổng thống Mỹ - Joe Biden đã lan truyền tới bang New Hampshire, kêu gọi các cử tri ủng hộ đảng Dân chủ ở nhà và không đi bỏ phiếu để lựa chọn ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng này.

Nội dung cuộc gọi được ghi âm sẵn này kêu gọi người dân ở New Hampshire "để dành" lá phiếu cho đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11.2024 và rằng việc họ đi bỏ phiếu ngày 23.1 tại bang này sẽ chỉ giúp cho nỗ lực của đảng Cộng hòa để đưa ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng một lần nữa.

Nội dung ghi âm còn kêu gọi cử tri ở New Hampshire ghi tên Tổng thống Joe Biden trên các lá phiếu sẽ được phát ra trong cuộc bầu cử sơ bộ tại bang này.

Bà Julie Chavez Rodriguez (người quản lý chiến dịch tranh cử của ông Biden) cho biết các cuộc gọi tự động đã phát đi "thông tin sai lệch", đồng thời cũng coi đây là nỗ lực nhằm phá rối cuộc bầu cử sơ bộ.

Tổng thống Biden không có tên trên lá phiếu trong cuộc bầu cử sơ bộ ngày 23.1 tại New Hampshire. Lý do vì đảng Dân chủ đã thay đổi lịch trình tiến hành các cuộc bầu cử sơ bộ trong năm 2024, theo đó South Carolina được đưa lên thành bang tiến hành bầu cử sơ bộ đầu tiên của đảng Dân chủ, thay vì tổ chức tại New Hampshire như truyền thống.

Ông John Formella, người đứng đầu cơ quan tư pháp New Hampshire, cho rằng đây là hành động trái pháp luật nhằm cản trở cuộc bầu cử sơ bộ tại bang và gây sức ép đối với cử tri nơi đây.

John Formella nói đơn vị giám sát luật bầu cử của New Hampshire đã tiến hành điều tra vụ việc. Hiện chưa thể xác định số lượng cuộc gọi như vậy được phát tán tại bang này. Tuy nhiên, bà Kathy Sullivan, cựu Chủ tịch nhánh đảng Dân chủ tại New Hampshire, nói nhiều người đã kể lại việc nhận được cuộc gọi tự động sử dụng AI để giả mạo giọng nói của Tổng thống Biden.

Kathy Sullivan nói cuộc gọi như vậy đã tự động kết nối với điện thoại di động cá nhân mà không được sự cho phép của bà.

Tại Mỹ, robocall thường là những cuộc gọi được ghi âm sẵn tới những số điện thoại cố định, điện thoại di động, thậm chí đến cả những số điện thoại hỗ trợ khẩn cấp, với mục đích chính là thu hồi nợ tín dụng hoặc tiếp thị quảng cáo.

Theo Dana Rao, Giám đốc Ủy thác của Adobe, bất chấp sự phổ biến của công cụ tạo văn bản như ChatGPT của OpenAI, các hãng công nghệ sẽ tập trung vào việc ngăn chặn tác hại của ảnh, video và âm thanh AI, một phần vì người dân có xu hướng hoài nghi hơn với văn bản.

Ông nói: “Có một sự kết nối cảm xúc với âm thanh, video và hình ảnh. Bộ não của bạn được lập trình để tin vào loại phương tiện truyền thông đó".

Sam Altman, Satya Nadella, Bill Gates bàn về mối đe dọa của AI với bầu cử năm 2024

2024 là năm của những cuộc bầu cử. Hơn 30 quốc gia, với tổng dân số hơn 4 tỉ người, sẽ chứng kiến người dân của họ đi bỏ phiếu. Lần gần đây nhất mà nhiều quốc gia tham gia bầu cử, ChatGPT của OpenAI vẫn chưa tồn tại.

Hai chủ đề này liên tục được đề cập đến tại các sự kiện bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở thị trấn Davos, Thụy Sĩ giữa tháng 1.

Nhà báo Brad Stone thuộc hãng tin Bloomberg đã nói chuyện với một số nhà lãnh đạo trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) tại Davos. Tất cả đều nói rằng họ lo lắng về mối đe dọa của AI với bầu cử nhưng lại chia rẽ về khả năng công nghệ này gây rối.

Satya Nadella (Giám đốc điều hành Microsoft) phần nào đánh giá thấp rủi ro do AI gây ra. Ông nói: “Đây không phải là cuộc bầu cử đầu tiên mà tin đồn, thông tin sai lệch và can thiệp bầu cử sẽ là thách thức thực sự mà chúng ta phải giải quyết”.

Sam Altman (Giám đốc điều hành OpenAI) lặp lại quan điểm đó nhưng bày tỏ sự không chắc chắn: “Tôi không nghĩ điều này sẽ giống như trước đây. Luôn luôn là sai lầm khi cố gắng dùng chiến thuật cũ trong trận chiến mới”.

Bill Gates, người đồng sáng lập Microsoft, dự đoán “kẻ xấu sẽ làm việc hiệu quả hơn” với AI.

Trong khi đó, Marc Benioff (Giám đốc điều hành Salesforce) cho rằng phương tiện truyền thông xã hội gây ra rủi ro lớn hơn cho quá trình dân chủ so với AI. Ông nói: “Các cơ quan quản lý đã không thực hiện công việc của họ”.

OpenAI tập trung khá nhiều vào việc giảm thiểu khả năng các công cụ của mình như ChatGPT và Dall-E bị lạm dụng cho mục đích chính trị.

Sam Altman và Satya Nadella từng tham dự cuộc họp vào tháng 5.2023 với Phó tổng thống Mỹ - Kamala Harris để thảo luận về các rủi ro của AI. OpenAI thông báo sẽ sớm phát hành để thử nghiệm công cụ có thể xác định nội dung do AI tạo và sẽ tạo hình mờ kỹ thuật số cho ảnh do Dall-E tạo.

OpenAI nhắc lại rằng việc sử dụng các mô hình ngôn ngữ lớn của hãng cho chiến dịch chính trị là không được phép.

“Tâm trí của chúng tôi không thoải mái. Chúng ta sẽ phải theo dõi điều này cực kỳ chặt chẽ trong năm nay”, Sam Altman nói.

Về việc chính trị sẽ tác động đến AI như thế nào, Sam Altman ít quan tâm hơn. “Tôi tin rằng nước Mỹ sẽ ổn dù có chuyện gì xảy ra trong cuộc bầu cử này. Tôi tin rằng AI sẽ ổn dù có chuyện gì xảy ra sau cuộc bầu cử này”, doanh nhân 38 tuổi người Mỹ bày tỏ.

Anna Makanju, Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của OpenAI, nói bà được khuyến khích bởi quy định do Tổng thống Joe Biden và Liên minh châu Âu (EU) đề xuất. Bà nói: “Điều khiến tôi ấn tượng và thực sự đáng chú ý là cuộc trò chuyện xung quanh AI vẫn mang tính chất lưỡng đảng”.

Bài liên quan
Năm 2024, 5 cuộc bầu cử quan trọng ảnh hưởng đến cục diện thế giới
David A.Andelman - cây bút phân tích của đài CNN - chỉ ra 5 cuộc bầu cử quan trọng năm 2024 mà kết quả sẽ tác động không nhỏ đến cục diện thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Du lịch xanh lên ngôi
11 giờ trước Văn hóa
Xu hướng du lịch xanh trong những năm gần đây ngày càng "lên ngôi", được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Microsoft, OpenAI, Meta và 17 hãng công nghệ ký hiệp định chống AI can thiệp vào bầu cử toàn cầu