Ngày 16/3 (rạng sáng 17/3 theo giờ Việt Nam), trong một động thái được dư luận đồn đoán từ lâu, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định nâng lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong vòng hơn 3 năm qua.
Trong thông cáo đưa ra sau 2 ngày nhóm họp, Ủy ban Thị trường Mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của FED, cho biết ngân hàng này quyết định tăng 0,25 điểm phần trăm lãi suất cơ bản, qua đó nâng biên độ lãi suất của FED lên mức từ 0,25% – 0,5%.
Thông cáo cho biết thêm FED sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình kinh tế và lạm phát để có thêm các đợt nâng lãi suất nữa từ nay tới cuối năm, và dự kiến lãi suất sẽ tăng lên mức khoảng 1,9% vào cuối năm nay.
Theo quan chức cấp cao của FED, tổng cộng ngân hàng này dự kiến có 6 đợt nâng lãi suất nữa trong năm 2022 và thêm 3 đợt khác trong năm 2023.
Sau hai ngày nhóm họp, FED cũng điều chỉnh lại một số dự báo đối với nền kinh tế Mỹ trước những diễn biến bất ngờ của thị trường xăng dầu quốc tế và ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Cụ thể, FED dự báo tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2022 sẽ đạt 2,8%, giảm khá nhiều so với dự báo 4% hồi tháng 12.2021. Bên cạnh đó, tỷ lệ lạm phát vào cuối năm nay sẽ ở mức khoảng 4,3%, cao hơn nhiều tỷ lệ mục tiêu lạm phát 2% được FED đưa ra trước đây.
Đây là lần đầu tiên FED nâng lãi suất cơ bản kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát hồi đầu năm 2020, qua đó khép lại giai đoạn ngân hàng này ghìm lãi suất ở mức thấp kỷ lục để hỗ trợ nền kinh tế số một thế giới đương đầu với đại dịch. Lần gần đây nhất ngân hàng trung ương Mỹ tăng lãi suất là cuối năm 2018.
Trong phiên giao dịch 15.3, giá vàng thế giới đã đi xuống, giữa lúc giới đầu tư chờ đợi kết quả cuộc họp chính sách tiền tệ diễn ra trong hai ngày 15-16.3 của FED. Cụ thể, giá vàng giao dịch kỳ hạn tại Mỹ giảm 1,59% xuống 1.929,7 USD/ounce.
Trược thềm cuộc họp quan trọng này của FED, hầu hết các chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên 14.3 cũng đều giảm điểm, trong đó giảm mạnh nhất là chỉ số Nasdaq Composite (hơn 2%), khi các nhà đầu tư bán ra cổ phiếu công nghệ và các cổ phiếu đang tăng mạnh.
Chủ tịch Fed Jerome Powell đầu tháng này cho biết FED sẽ bắt đầu tăng lãi suất một cách “cẩn trọng” tại cuộc họp tháng Ba, song cũng sẵn sàng điều chỉnh lãi suất mạnh tay hơn nếu lạm phát không “hạ nhiệt” nhanh như mong đợi.
Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng tại nước này trong tháng 1.2022 đã tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái và cũng là mức tăng cao nhất kể từ tháng 2.1982. Lạm phát từ tháng 12.2021-1.2022 ở mức 0,6%, tương đương mức lạm phát một tháng trước đó và cao hơn con số dự báo của các nhà kinh tế. Giá hàng hóa đã tăng 0,7% từ tháng 10- 11.2021 và 0,9% từ tháng 9-10.2021.
Lạm phát tại Mỹ hiện ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua, ảnh hưởng nặng nề đến các hộ gia đình và các doanh nghiệp ở Mỹ, qua đó củng cố quyết tâm của FED nâng lãi suất để kiềm chế giá cả leo thang. Quyết định tăng lãi suất trong bối cảnh hiện nay thể hiện quyết tâm của FED đối phó với tỷ lệ lạm phát đang tăng phi mã của nước này.
Tuy nhiên, Chủ tịch FED Jerome Powell gần đây sử dụng các thuật ngữ ít cụ thể hơn như "linh hoạt" cho chính sách. Điều này cho thấy FED dự kiến tăng lãi suất ổn định trong thời gian tới, song cũng có thể phải tăng tốc hoặc chậm lại để đối phó với các tình huống và tình hình thay đổi nhanh chóng.