Mới chỉ vài ngày kể từ khi ông Yoon Suk-yeol thắng cử tổng thống Hàn Quốc, nhưng sự phản ứng dữ dội từ những nhà hoạt động vì quyền phụ nữ ở Hàn Quốc đã diễn ra.

Tân tổng thống Hàn Quốc đối mặt với phản ứng dữ dội từ tầng lớp phụ nữ

Đan Thuỳ | 16/03/2022, 10:56

Mới chỉ vài ngày kể từ khi ông Yoon Suk-yeol thắng cử tổng thống Hàn Quốc, nhưng sự phản ứng dữ dội từ những nhà hoạt động vì quyền phụ nữ ở Hàn Quốc đã diễn ra.

Yoon Suk-yeol, thành viên đảng Quyền lực Nhân Dân, tuần trước trở thành tổng thống đắc cử của Hàn Quốc sau khi giành được 48,56% phiếu bầu, vượt qua ứng viên đảng Dân chủ Lee Jae-myung với 47,85% phiếu. 

Trong khi nhiều người tập trung tại nhà ông Yoon để thể hiện sự ủng hộ, những người khác lại có phản ứng trái ngược. 

Sau khi ông Yoon giành chiến thắng, nhiều phụ nữ trẻ Hàn Quốc cho rằng đây là "điều đáng sợ" và bày tỏ sự phản đối.

screen-shot-2022-03-16-at-10.40.13.png
Một cuộc biểu tình ở trung tâm Seoul do nhóm hoạt động vì quyền phụ nữ Hae-il tổ chức - Ảnh: Handout

Soo-yeon (18 tuổi), một sinh viên ở Seoul, người lần đầu tiên bỏ phiếu bầu cử cho biết: "Tôi cảm thấy xấu hổ khi sống bên cạnh những người đàn ông, những người đã bỏ phiếu cho một người muốn loại trừ vai trò của phụ nữ".

Không chỉ có Soo-yeon lên tiếng phản đối, các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ cho rằng ông Yoon là người theo chủ nghĩa sai lầm vì bác bỏ bằng chứng về sự phân biệt đối xử có hệ thống đối với phụ nữ và đề xuất rằng nữ quyền là nguyên nhân gây ra tỷ lệ sinh thấp của đất nước. Ông Yoon còn tuyên bố sẽ giải tán Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc.

Song lập trường chống nữ quyền của Yoon lại được tầng lớp nam giới trẻ ủng hộ, những người cảm thấy bị đe dọa trong thị trường việc làm và trong đời sống xã hội khi các hoạt động đấu tranh vì quyền của phụ nữ ngày càng phát triển mạnh mẽ. 

Nhiều người trong số họ coi các chính sách bình đẳng giới là sự phân biệt đối xử và thể hiện sự tức giận khi phải trải qua 18 tháng nghĩa vụ quân sự bắt buộc, trong khi phụ nữ không phải thực hiện việc này. Họ cho rằng nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với nam giới mang lại lợi thế cho nữ giới lợi thế ban đầu tại nơi làm việc, bất chấp lương trung bình của phụ nữ Hàn Quốc bằng 2/3 so với nam giới.

Sự phân chia giới tính đã được phản ánh trong cuộc bỏ phiếu. Trong khi hơn 58% nam giới ở độ tuổi 20 bỏ phiếu cho Yoon, 58% phụ nữ ở độ tuổi đó chọn Lee.

screen-shot-2022-03-16-at-10.39.29.png
Tổng thống mới đắc cử của Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ăn mừng bên ngoài trụ sở đảng ở Seoul vào ngày 10.3 - Ảnh: AFP

Theo Bloomberg, khoảng 80% trong số 11.000 cử tri gia nhập Đảng Dân chủ trong hai ngày sau cuộc bầu cử là phụ nữ. Hơn một nửa trong số họ dưới 40 tuổi.

Vào ngày 11.3, hai ngày sau ngày bầu cử, một liên minh gồm hơn 130 nhóm phụ nữ đã tổ chức một cuộc họp báo ở trung tâm Seoul để yêu cầu tổng thống đắc cử Yoon "lắng nghe lời cảnh báo nghiêm khắc của các nhà nữ quyền để hướng tới một xã hội bình đẳng giới".

Kwon Soo-hyun, Giám đốc nhóm Đoàn kết Chính trị Phụ nữ Hàn Quốc, cho biết: "Ông Yoon không nhận được hơn 50% số phiếu bầu của đất nước, có nghĩa là một số lượng đáng kể phụ nữ phản đối ông".

Mặc dù Kwon không tin tưởng khi kết quả bầu cử được đưa ra, nhưng cô ấy hy vọng tổ chức của mình sẽ  triển mạnh hơn trong 5 năm tới.

“Đúng là sự phản ứng dữ dội chống lại các hoạt động của phụ nữ trong những năm gần đây đã khiến tất cả chúng tôi mệt mỏi, nhưng chúng tôi đã tìm thấy động lực khi chúng tôi thể hiện sự hiện diện của mình trong các cuộc bầu cử,” Kwon nói.

screen-shot-2022-03-16-at-10.42.51.png
Các lá phiếu bầu cử Tổng thống Hàn Quốc được đếm tại một điểm bỏ phiếu trên đảo Jeju - Ảnh: DPA

Trong khi bình đẳng giới là một vấn đề lớn đối với cử tri trước cuộc bầu cử, cả cả ông Yoon và ông Lee đều tỏ ra do dự khi đề cập đến chủ đề có thể khiến cử tri tiềm năng ở hai giới xa lánh.

Hôm 10.3, ông Yoon đã phủ nhận việc châm ngòi cho sự phân biệt giới tính, mặc dù những người chỉ trích chỉ ra rằng ông đã từng đưa ra những bình luận về nữ quyền để thu hút các cử tri nam trẻ tuổi. Trong quá trình vận động tranh cử, Yoon đã đề nghị tăng gấp 3 lần tiền lương hàng tháng cho binh sĩ Hàn Quốc lên 2 triệu won (1.626 USD).

Lee Ye-eun, Giám đốc của Hae-il, một nhóm hoạt động vì quyền phụ nữ, cho biết: "Thực tế là chủ nghĩa chống nữ quyền được sử dụng như một chiến lược chính trị chứng minh rằng phong trào nữ quyền ở Hàn Quốc đã phát triển lớn hơn trong vài năm qua".

Chỉ số "Trần kính" của Economist, đo lường vai trò và ảnh hưởng của phụ nữ trong lực lượng lao động ở 29 quốc gia OECD, đưa Hàn Quốc vào cuối danh sách một lần nữa trong ấn phẩm mới nhất của mình trong tháng này.

“Trần kính” (glass ceiling) là cụm từ ẩn dụ để chỉ những rào cản vô hình ngăn không cho phụ nữ đạt đến đỉnh cao trong một lĩnh vực nhất định.

Kim Nan-ju, nhà nghiên cứu về chính sách lao động nữ tại Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc cho biết: "Chúng tôi là quốc gia phát triển duy nhất vẫn chưa giải quyết được vấn đề bất bình đẳng giới và lao động nữ. Nếu Bộ Bình đẳng giới và Gia đình giải thể, nhiều khả năng các vấn đề như tỷ lệ việc làm thấp và tỷ lệ tự sát cao ở phụ nữ sẽ bị làm lu mờ bởi các chương trình nghị sự của các bộ khác".

Theo báo cáo điều tra hoạt động kinh tế năm 2021, tỷ lệ việc làm của phụ nữ năm ngoái là 57,7%. Tỷ lệ này ở phụ nữ trong độ tuổi từ 35-39 đã giảm từ 59,9% vào năm 2019 xuống còn 57,7% vào năm 2021. Kim cho biết phụ nữ phải đối mặt với sự gián đoạn sự nghiệp do gánh nặng chăm sóc con cái. Tỷ lệ việc làm của nam giới là 75,2% vào năm 2021.

Trong khi đó, đại dịch đã làm gia tăng tỷ lệ tự tử của phụ nữ trẻ ở Hàn Quốc, một quốc gia vốn đã có tỷ lệ tự tử cao nhất trong các nước OECD. Tỷ lệ phụ nữ Hàn Quốc ở độ tuổi 20 tự sát trong năm 2020 tăng 16,5%, cứ một triệu vụ tự tử có 193 phụ nữ.

Một số nhà quan sát đã đặt câu hỏi liệu ông Yoon có thông qua cam kết giải tán Bộ Bình đẳng giới và Gia đình hay không và điều này sẽ cần phải có sự chấp thuận của Quốc hội. Có nhiều người cho rằng sẽ tốt hơn nếu duy trì hoạt động của Bộ này.

Những người khác cho rằng ngay cả đối thủ của Yoon, ông Lee và Đảng Dân chủ cũng khó được coi là những người đấu tranh cho quyền phụ nữ. Nhiều đại diện của đảng này đã vướng vào các vụ quấy rối tình dục.

Kim cho biết tin tốt là những người tìm kiếm bình đẳng giới đã đứng về phía họ.

"Phong trào đấu tranh vì quyền của phụ nữ hiện nay ở Hàn Quốc vốn đã bị giấu kín trong một thời gian dài. Giờ đây, khi những vấn đề này được phơi bày cho mọi người thấy, phong trào có vẻ như sẽ không biến mất cho đến khi những vấn đề sâu xa liên quan đến phụ nữ được đại diện được giải quyết", Kim nói. 

Bài liên quan
Chủ tịch nước Lương Cường hội kiến Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol
Nhân dịp dự Tuần lễ cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024 tại Lima (Peru), ngày 16.11 (giờ địa phương), Chủ tịch nước Lương Cường đã hội kiến Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tân tổng thống Hàn Quốc đối mặt với phản ứng dữ dội từ tầng lớp phụ nữ