Trừng phạt phương Tây giáng đòn mạnh vào kinh tế Nga: đồng rúp lao dốc, doanh nghiệp nước ngoài tháo chạy, giá cả tăng phi mã, nhiều hàng hóa không còn được bán,…
Ngoài thiệt hại ngắn hạn, kinh tế Nga còn có thể phải hứng chịu tình trạng trì trệ kéo dài nhưng khả năng sụp đổ hoàn toàn khó xảy ra, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế.
Theo chuyên gia Richard Connolly thuộc Viện nghiên cứu Liên hợp Hoàng gia Anh (RUSI): “Nga xây dựng được một nền kinh tế ứng phó được với xung đột”.
Hỗ trợ kinh tế sâu rộng từ chính phủ Nga và nguồn thu từ xuất khẩu dầu khí (dù bị Anh, Mỹ tẩy chay) sẽ giúp giảm nhẹ gánh nặng lên người lao động, người nghỉ hưu lẫn công chức tại một quốc gia từng hứng chịu 3 cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng trong 3 thập kỷ qua. Một nền kinh tế nhỏ hơn như Iran cũng có thể tồn tại trong tình trạng bị trừng phạt suốt nhiều năm mà không bị sụp đổ.
Tuy nhiên, đồng tiền của Nga thời gian qua giảm sốc, điều này có thể làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu khi lạm phát đã ở mức 9%.
Vào ngày 23.2, ngay trước lúc Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine, tỷ giá đồng rúp với đồng USD đã ở mức 80: 1. Đến ngày 10.3 thì tỷ giá xuống tới 119: 1 ngay cả khi ngân hàng trung ương Nga thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt nhằm ngăn đà lao dốc.
Marina Albee - chủ nhà hàng chay Cafe Botanika ở trung tâm thành phố St. Petersburg được các nhà cung cấp rau và trái cây thông báo giá sẽ tăng 10 - 50%. Nhà hàng nhập rong biển khô và đậu phụ hun khói từ Nhật Bản, măng tây nhỏ từ Chile, bông cải xanh từ Benin, gạo basmati và dầu dừa từ Ấn Độ.
“Chúng tôi đang chờ "sóng thần" ập đến. "Cơn sóng thần" làm mọi thứ chúng tôi mua tăng giá. Chúng tôi cần theo dõi tình hình và nếu cần, phải bỏ đi vài món ra khỏi thực đơn. Chúng tôi có thể sửa đổi thực đơn theo hướng thêm vào nhiều món ăn Nga hơn, phải thích ứng nhanh thôi”, Albee cho biết.
Dù trừng phạt phương Tây đóng băng một nửa dự trữ vàng và ngoại hối Nga, tình hình tài chính của nước này khá tốt với mức nợ thấp. Khi chính phủ cần đi vay thì bên cho vay chủ yếu là ngân hàng trong nước chứ không phải đơn vị nước ngoài rất có thể sẽ trốn chạy nếu khủng hoảng xảy ra. Tuần trước, Moscow cũng tuyên bố hỗ trợ những doanh nghiệp có vai trò quan trọng với nền kinh tế.
Tính toán về tác động ngắn hạn mà tăng trưởng kinh tế Nga phải chịu rất khác nhau, vì có thể sẽ có thêm trừng phạt và ảnh hưởng từ cuộc chiến ở Ukraine còn không chắc chắn. Nhà phân tích Tim Ash thuộc công ty quản lý tài sản BlueBay dự báo tăng trưởng kinh tế Nga giảm đến 10%, trong khi một số nhà kinh tế khác đưa ra mức giảm tối thiểu khoảng 2%.
Theo nhà phân tích Ash: “Người Nga sẽ nghèo đi nhiều. Họ sẽ không có tiền đi du lịch Thổ Nhĩ Kỳ hay cho con cái đi học ở phương Tây. Và họ cũng không được chào đón”.
Triển vọng dài hạn cũng không tốt vì nhiều vấn đề tồn tại trước lúc xung đột nổ ra: thiếu cạnh tranh và đầu tư mới, dầu khí vẫn giữ thế thống trị trong nền kinh tế. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 chỉ gần bằng năm 2014.
Đầu tư nước ngoài thu hút được trong hơn 30 năm qua đang lần lượt "ra đi". Các tập đoàn lớn như Volkswagen, Ikea, Apple đóng cửa nhà máy, hoặc ngừng hoạt động kinh doanh tại Nga, doanh nghiệp năng lượng hàng đầu như BP, Exxon, Shell ngừng mua dầu khí Nga cũng như cắt đứt quan hệ hợp tác.
Đầu tháng 3, cơ quan xếp hạng Fitch hạ xếp hạng chỉ số vỡ nợ ngoại tệ trong dài hạn của Nga từ mức BBB xuống mức B.
Ngân hàng trung ương Nga đã vào cuộc bằng cách hạn chế rút ngoại tệ, đóng cửa thị trường chứng khoán trong gần 2 tuần, yêu cầu từ chối lệnh chào bán chứng khoán Nga của cá nhân/đơn vị nước ngoài và khôi phục hoạt động mua vàng trong nước sau 2 năm tạm ngừng. Loạt biện pháp giúp chống đỡ hệ thống tài chính, nhưng cũng làm hạn chế thương mại và đầu tư cần thiết cho tăng trưởng.
Chuyên gia Connolly cho biết, kể từ khi hứng chịu trừng phạt vì sáp nhập Crimea năm 2014, Điện Kremlin đã nhận định trừng phạt sẽ là vũ khí chính của phương Tây trong bất cứ cuộc xung đột nào. Vì vậy họ xây dựng nên “nền kinh tế Kalashnikov” (lấy theo tên một loại súng trường quân sự” với mức nợ thấp, nhà nước kiểm soát phần lớn hệ thống ngân hàng, ngân hàng trung ương có thể can thiệp và hỗ trợ tiền tệ và các ngân hàng.
Dù thương mại sẽ giảm và hàng hóa thiếu thốn, nhưng đồng rúp yếu hơn có nghĩa chính phủ Nga kiếm được nhiều tiền hơn từ dầu mà họ bán ra, vì dầu được định giá bằng USD. Chuyên gia Connolly ước tính Nga thu về gấp 2.7 lần lượng tiền rúp từ dầu so với năm 2019 – đủ chi trả lương lẫn lương hưu.
Tuy Anh và Mỹ tẩy chay dầu Nga, Liên minh châu Âu (EU) vẫn nhập do đã quá phụ thuộc từ lâu nay và điều này tạo nên nhiều lỗ hổng cho Nga khai thác.