Quan chức tài chính các nước thành viên G7 trong tuần này thảo luận về ý tưởng áp đặt một số biện pháp kiểm soát đầu tư sang Trung Quốc – điều mà giới phân tích xem là “con dao hai lưỡi” khó đạt tiến triển đáng kể.

G7 chia rẽ trong vấn đề kiểm soát đầu tư sang Trung Quốc

Cẩm Bình | 12/05/2023, 18:41

Quan chức tài chính các nước thành viên G7 trong tuần này thảo luận về ý tưởng áp đặt một số biện pháp kiểm soát đầu tư sang Trung Quốc – điều mà giới phân tích xem là “con dao hai lưỡi” khó đạt tiến triển đáng kể.

G7 hiện đang nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm tình trạng phụ thuộc nặng vào Trung Quốc, nhưng nhóm lại bất đồng quan điểm xung quanh việc nên đối phó Trung Quốc đến mức nào. Quan hệ thương mại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bị tổn thương có thể giáng đòn nặng nề lên quốc gia phụ thuộc xuất khẩu như Nhật Bản, Đức.

2023-05-11t033717z-3-lynxmpej4a02o-rtroptp-3-g7-japan-finance-8436.jpg

Mỹ chủ trương cứng rắn. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen ngày 11.5 tuyên bố các nước thành viên G7 khác có cùng lo ngại với Mỹ với việc Trung Quốc thực hiện “chèn ép kinh tế” nên đang tìm cách chống lại.

Đức ngày càng cảnh giác Trung Quốc và đã bắt đầu đánh giá lại quan hệ song phương, tuy nhiên họ vẫn chần chừ trong xây dựng G7 thành nhóm chống Trung.

Theo nguồn tin ngoại giao của hãng Reuters, Đức dẫn đầu kêu gọi hành động thận trọng khi Liên minh châu Âu (EU) cân nhắc trừng phạt doanh nghiệp Trung Quốc bị cáo buộc bán trang thiết bị có thể dùng trong vũ khí để hỗ trợ Nga tiến hành cuộc chiến tại Ukraine.

Một nguồn tin chính phủ Đức tiết lộ G7 dự định áp đặt biện pháp đầu tư có mục tiêu, tập trung vào các lĩnh vực chiến lược quan trọng. Nội dung cuộc họp quan chức tài chính tuần này sẽ là nền tảng cho các nhà lãnh đạo tranh luận tại hội nghị thượng đỉnh G7 tuần tới.

Nhật cũng thận trọng với ý tưởng kiểm soát đầu tư sang Trung Quốc vì động thái như vậy tác động lớn đến thương mại toàn cầu lẫn đến nền kinh tế nước này.

Theo một trong số nguồn tin: “Hạn chế đầu tư ra nước ngoài rất khó thực hiện. Chẳng hạn như Mỹ, họ kiếm được rất nhiều tiền nhờ đầu tư sang Trung Quốc. Như vậy liệu có áp đặt được biện pháp hạn chế hay không?”.

Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt tuyên bố G7 phải chống lại hành vi “chèn ép kinh tế” của Trung Quốc, nhưng ông chẳng nhắc gì đến kiểm soát đầu tư.

Một vấn đề khác ít chia rẽ hơn là xây dựng quan hệ đối tác với các nước thu nhập thấp và trung bình để đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Nhật đã mời 6 quốc gia ngoài G7 (trong đó có Brazil, Ấn Độ, Indonesia) sang dự một cuộc họp bên lề cuộc họp quan chức tài chính nội bộ.

Giới phân tích hoài nghi tính hiệu quả của loạt biện pháp mà G7 dự định triển khai. Nhà kinh tế Toru Nishihama (Viện nghiên cứu Dai-ichi Life) nhận định: “Rất khó để loại một quốc gia có sức mạnh kinh tế lớn như Trung Quốc. Làm như vậy có thể chia rẽ thương mại thế giới, gây tổn hại cho tăng trưởng toàn cầu và khiến chính các nền kinh tế G7 bị tổn thương”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tiêu thụ điện lập kỷ lục, cảnh báo hóa đơn tiền điện tăng cao
Cuối tháng 4, thời tiết nắng nóng gay gắt khiến tiêu thụ điện toàn quốc lên cao kỷ lục, có ngày lên tới gần 1 tỉ kWh.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
G7 chia rẽ trong vấn đề kiểm soát đầu tư sang Trung Quốc