Cựu Tổng thống độc tài của Gambia từng trải thảm tiếp đón các xí nghiệp cá Trung Quốc đến đầu tư, nay Gambia đang phải trả giá vì sự tàn phá môi trường, nguồn cá cạn kiệt.
Và chính quyền Gambia cũng vấp phải sự phản đối, được tổ chức bởi những cựu quan chức chế độ độc tài cũ nhưng vẫn còn ý thức bảo vệ dân tộc, tổ quốc, theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 15.9.
Nhóm lưu vong về nước để tái thiết Gambia
Như cựu Bộ trưởng Thông tin Amadou Scattred Janneh, từng tham gia chính quyền Tổng thống độc tài Yahya Jammeh, nhưng năm 2011, ông bị kết án tù chung thânvì phân phát những chiếc áo thun kêu gọi “kết thúc chế độ độc tài”.
Ông Janneh chỉ thụ án 15 tháng tù biệt giam rồi lưu vong qua Mỹ, và ông về nước chỉ một ngày sau khi nhà độc tài Jammeh bỏ chạy khỏi Gambia hồi năm 2017, sau 22 năm nắm quyền lực.
Hiện ông Janneh cũng là một số cựu quan chức lưu vong trở về để tái thiết Gambia, và nay họ là các giám sát viên của các chương trình vận động đồng bào đầu tư vào ngành cá Gambia.
Nhóm này đang nỗ lực vạch trần những vấn nạn từ các xí nghiệp cá Trung Quốc vốn bắt đầu hoạt động từ năm 2015. Họ gửi thư đến các nhà hoạt động ở các cộng đồng kiều bào ở Mỹ, châu Âu, và tổ chức quyên tiền trên mạng xã hội để có tiền trang trải chi phí pháp lý cho những người bị bắt vì phản đối các xí nghiệp cá Trung Quốc.
Hồi tháng 3, ông Janneh dẫn đầu nỗ lực dỡbỏ một ống cống của nhà sản xuất cá hộp Golden Land (Trung Quốc) mà dân làng Gunjur (một làng đánh cá nhỏ ở vùng biển tây nam Gambia) nói là ống xả nước thải ra biển.
Ông Janneh nói nghề cá và du lịch giúp giới trẻ có việc làm, nhưng các công ty du lịch cho biết du khách phàn nàn mùi hôi từ các xí nghiệp cá Trung Quốc, bơi biển không an toàn khi các xí nghiệp này xả nước thải.
Ông Janneh quê ở làng Gunjur, cho biết dân làng đã quyết kiện xí nghiệp Golden Lead, nhưng vụ án kéo dài gần một năm nay mà không đạt được tiến bộ nào.
Hồi tháng 8, hai xí nghiệp cá Trung Quốc ở Sanyang và Kartong bị đóng cửa tạm thời vì gây ô nhiễm môi trường, phần nào nhờ nhóm hoạt động của ông Janneh. Nhưng ở Gunjur, họ vẫn phải hoạt động, vì chưa thể bắt xí nghiệp Golden Lead đóng cửa.
Tổng thống độc tài Jammeh trước khi phải sống lưu vong - Ảnh: How Africa News
Lưới quét, vét trọn nguồn cá dẫn đến sự cạn kiệt
Nguồn cá ở khu vực Tây châu Phi một thời dồi dào, nay bị cạn kiệt vì tình trạng ngư dân nước ngoài dùng lưới quét đáy biển để bắt trọn các loại cá có giá cao như cá ngừ đại dương.
Hoạt động phi pháp không bị kiểm soát này đã khiến Tây Phi mất 2,3 tỉ USD/năm, theo tạp chí Biên giới Khoa học Đại dương (Frontiers in Marine Science) và khiến Gambia mất khoảng 2.000 tấn cá/năm.
Nay các xí nghiệp cá hộp Trung Quốc nhắm đến nguồn cá địa phương có giá rẻ hơn. Họ sản xuất loại cá biển nhỏ cho gia súc ăn và bán khắp châu Á, châu Âu, giúp Gambia duy trì nghề cá vốn trị giá 163 tỉ USD năm 2015, theo Tổ chức Lương-Nông LHQ (FAO).
Vấn đề ở chỗ nhà đầu tư Trung Quốc thu được lãi cao, nhưng khoảng 200.000 nhân công chế biến cá người Gambia chỉ hưởng một số lương ít ỏi.
Chuyên gia nghề cá Tabitha Grace Mallory và là giám đốc công ty tư vấn Viện Hải dương Trung Quốc, nói nghề cá Gambia đã tăng hoạt động ráo riết trong 35 năm qua, chiếm 75 % sản lượng hải sản Trung Quốc.
Và khi mà vùng biển Trung Quốc đã bị vét cạn nguồn cá, các nhà đầu tư Trung Quốc phải đi tìm nguồn cá ở các nước khác và đánh bắt trái phép, mặc kệ chính quyền của họ đã tuyên bố các chính sách bền vững, cũng như mặc kệ sự lo ngại Trung Quốc bị mất uy tín với thiên hạ.
Sait Matty Jaw, một học giả lưu vong ở Na Uy trở về nước, nói người Gambia nay có thể lên tiếng bày tỏ sự lo ngại về các xí nghiệp cá Trung Quốc.
Ông nói: “Xí nghiệp Golden Lead đến làng Gunjur vào lúc Gambia sống dưới thời độc tài và người ta không được quyền lên tiếng. Nhưng ngày nay, tất cả các vấn nạn này đều đáng lo ngại, đã có người lên tiếng thay họ và họ đang phản đối”.
Thường thì sự phản đối của dân cư Gambia là chống tàn phá môi trường, hoặc không được thông tin. Dawda Saine, nhà sinh vật học đại dương làm lãnh đạo Cơ quan phát triển nghề cá thủ công Gambia, nói: “Từ lúc các xí nghiệp cá Trung Quốc hoạt động, không hề có sự giám sát hoạt động, sản lượng của họ”.
Alagie Sillah, tổng thư ký Hiệp hội các công ty hải sản Gambia, nói ngư trường Gambia đã giảm mạnh, cách tốt nhất để tạo ra việc làm cho dân địa phương, chính là xây các nhà máy chế biến, do chúng có thể tạo ra việc làm ngay trên bờ.
Nhà báo Mustapha Manneh, hoạt động nhân quyền cho biết, Quốc hội Gambia hồi tháng 7 đã bắt đầu mở cuộc điều travề những điểm nóng phản đối các nhà đầu tư, gồm các xí nghiệp cá Trung Quốc. Nhưng ông cũng nói chính quyền cần hành động nhanh, để tránh xảy ra những vụ bất ổn lớn hơn, đồng thời bất kỳ sự đầu tư nào vào Gambia đều phải thân thiện môi trường.
Nhà báo Manneh từng chọn cuộc sống lưu vong ở Cyprus, sau khi cha và anh của anh bị chính quyền độc tài Jammeh bắt. Ông về nước hồi tháng 3.2017, dẫn dắt cuộc phản đối xí nghiệp cá JXYG ở vùng Kartong.
Nhưng đối với anh bán cá Alanson Aquante ở Gunjur, cuộc sống dễ thở hơn nhờ các xí nghiệp cá Trung Quốc: “Chúng hút nhiều tàu vào bờ và nếu người Trung Quốc không thể mua hết cá, ngư dân sẽ phải bán cho chúng tôi. Hồi xưa cá ở đây rất nhiều, giá rất rẻ. Nay nguồn cá cạn kiệt nhưng tôi bán dễ dàng, vì người Trung Quốc nhảy vào nghề cá có nghĩa giá cá tăng lên”.
Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp Tổng thống Barrow của Gambia - Ảnh:eyeafrica tv
Nỗi sợ mất đất vào tay Trung Quốc của nhóm cựu quan chức
Nhóm cựu quan chức hồi hương không chỉ lo ngại cho nghề cá Gambia. Họ còn đang phản đối một công ty xây dựng nhà nước Trung Quốc có thể được trao quả thầu nâng cấp cảng thủ đô.
Jaw nói “Không hề có cuộc đối thoại nào giữa các nhà đầu tư với cộng đồng địa phương, thậm chí với chính phủ Gambia. Điều xảy ra ở Sri Lanka đã khiến người dân rất sợ, là phải è cổ ra trả nợvay cho Trung Quốc”, ám chỉ việc chính quyền Sri Lanka hồi tháng 12.2017 đã phải cho một công ty nhà nước thuê quyền điều hành cảng Hambantota suốt 99 năm.
Gambia là quốc gia nhỏ nhất, nghèo nhất châu Phi, đang sốt ruột đón dòng đầu tư nước ngoài để giải quyết nợ nần vốn chiếm 130% GDP. Khoảng 80% hàng xuất khẩu của Gambia đều qua cảng thủ đô trước khi đến tay 300 triệu người tiêu dùng thuộc Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS)
Tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi lần thứ 7 ở Bắc Kinh (hồi đầu tháng 9), Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp đón Tổng thống Adama Barrow của Gambia.
Tại Bắc Kinh, ông Barrow đồng ý tham gia chương trình Vành Đai và Con Đường (BRI) của ông Tập, và ông phấn khởi trước việc được Bắc Kinh cho vay 44 triệu USD để phát triển Gambia, cộng thêm 4 triệu USD nữa để nâng cấp quân đội Gambia.
Năm 2017, Bắc Kinh cũng hủy món nợ 14 triệu USD mà Gambia không trả nổi từ những năm 1980. Đó là những “cử chỉ thân ái”từ sau khi Trung Quốc-Gambia nối lại quan hệ ngoại giao năm 2016, sau 20 năm quan hệ bị đóng băng vì Gambia đổi qua quan hệ với Đài Loan.
Nhưng đổi lại, Trung Quốc đang xây 2 cầu lớn ở phía đông thủ đô Gambia. Trung Quốc cũng trúng các quả thầu như một trung tâm hội nghị trị giá 50 triệu USD (đã bị người Gambia phản đối) và một cơ sở hạ tầng internet băng thông rộng, mà Ngân hàng Xuất-nhập khẩu Trung Quốc (Exim Bank) cho vay 25 triệu USD.
Bảo Vĩnh (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)