Reuters ngày 10.7 khẳng định việc bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga mất chức Đặc khu trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Kông (thuộcTrung Quốc) sẽ chỉ là vấn đề thời gian, trong khi một giáo sư ở nói Bắc Kinh không muốn bà Lâm ra đi!

Ghế Đặc khu trưởng của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga có bị lung lay?

Mỹ Trinh | 11/07/2019, 07:39

Reuters ngày 10.7 khẳng định việc bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga mất chức Đặc khu trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Kông (thuộcTrung Quốc) sẽ chỉ là vấn đề thời gian, trong khi một giáo sư ở nói Bắc Kinh không muốn bà Lâm ra đi!

Trong bài viết mang tựa “Từ Bà đầm thép đến con vịt què” (From Iron Lady to lame duck), hãng tin Anh nêu việc bà Lâm xin lỗi và giải thích về dự luật thất bại đã không dẹp yên được căng thẳng chính trị, và nay nhiều người ở Hồng Kông xem việc bà Lâm phải ra đi sẽ xảy ra, thông qua một kế hoạch chia tay được tiến hành kéo dài.

Dự luật dẫn độ nếu được thông qua, sẽ khiến nghi phạm người Hồng Kông bị dẫn độ về Hoa Lục để xử án và mở đường cho việc tài sản của họ bị kê biên.

Nhưng vài tuần qua, hàng triệu người Hồng Kông xuống đường biểu tình phản đối, đẩy thành phố này vào cuộc khủng hoảng chính tồi tệ nhất kể từ sau khi Anh trả Hồng Kông cho Trung Quốc ngày 1.7.1997. Người biểu tình sợ nghi phạm sẽ đối mặt với các vụ xét xử không công bằng, và sợ những người chống đối Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ bị chọn là đối tượng.

Người Hồng Kông biểu tình hôm 7.7 - Ảnh: New York Times

Đến ngày 9.7, bà Lâm tuyên bố dự luật này “đã chết”. Nhưng các tổ chức biểu tình nói họ không thể tin lời bà Lâm, và họ vẫn đòi bà chính thức rút bỏ dự luật và từ chức. Họ thề sẽ tiếp tục biểu tình vào cuối tuần này, và đòi mở cuộc điều tra việc cảnh sát Hồng Kông có những chiến thuật mạnh tay chống lại người biểu tình hôm 12.6: xịt hơi cay và bắn đạn cao su để giải tán đám đông chặn đường.

Bà Lâm - người tự nhận là “Bà đầm thép” - đã tuyên bố sẽ không từ chức Đặc khu trưởng, nói bà vẫn còn lý tưởng phục vụ nhân dân Hồng Kông. Nhưng với các nhà phân tích, tuyên bố mới nhất của bà Lâm là dấu hiệu cho thấybà đã trình đơn từ chức, nhưng Bắc Kinh sẽ chọn đúng thời điểm cho bà “từ quan”.

Nhà phân tích chính trị Sonny Lo nói: “Vấn đề này phức tạp hơn người ta nghĩ. Bạn không thể nghỉ bất cứ lúc nào bạn muốn và còn phải làm việc với Bắc Kinh”. Ông nói các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng phải cân nhắc các rủi ro trong nước và khu vực, phải tìm nhân sự thay bà Lâm ngồi vào “ghế nóng”, khi dân Hồng Kông rất muốn tiếp tục thụ hưởng các quyền tự do - gồm độc lập tư pháp và quyền biểu tình phản đối - dành cho thành phố này, theo công thức “một quốc gia hai chế độ” mà Trung Quốc đã đồng ý trong thỏa thuận với Anh khi nhận lại Hồng Kông năm 1997.

Ông Lo còn nói có thể Bắc Kinh muốn ít ra thì bà Lâm phải “khắc phục hậu quả” từ vụ dự luật dẫn độ bị chết yểu, trước khi ra đường để giúp bất kỳ người thừa nhiệm nào, nhưng Bắc Kinh chắc chắn muốn bà ra đi trước khi Hồng Kông tổ chức bầu cử Hội đồng Lập pháp vào tháng 9.2020.

Các nhà phân tích và một vài nhà ngoại giao nhận định Bắc Kinh sẽ không muốn bị suy giảm hình ảnh của công thức “một quốc gia hai chế độ”, trước khi diễn ra bầu cử lãnh đạo Đài Loan vào tháng 1.2020. Vì Bắc Kinh lại tiếp tục nói công thức này là “mô hình mẫu” cho Đài Loan noi theo, nhưng Đài Loan không chấp nhận và muốn duy trì chế độ tự trị, bất chấp Trung Quốc xem Đài Loan là một tỉnh và dọa sẽ thu phục bằng vũ lực nếu cần thiết.

Ông Ming Sing, một giáo sư ở Đại học Khoa học - Công nghệ Hồng Kông, nói Bắc Kinh không muốn bà Lâm ra đi: “Nếu bà ấy từ chức ngay lúc này để tuân lệnh Bắc Kinh, thì sẽ là một tín hiệu cực mạnh đến Hồng Kông và cộng đồng quốc tế rằng Bắc Kinh rút mình trước sức ép của người dân”.

Thậm chí như vậy, vài nhà phân tích và các nhà ngoại giao lưu ý: bà Lâm đã gây hại cho chương trình an ninh quốc gia của Chủ tịch Tập Cận Bình, khiến khó đề xuất bất kỳ luật mới nào liên quan an ninh ở Hồng Kông. Nhà lập pháp Fernando Cheung (người Hồng Kông) nói với Reuters: bà Lâm nay đã là một quan chức thất bại, sẽ không thể hoàn thành nhiệm kỳ 5 năm ở chức Đặc khu trưởng.

Với nhiều người, số phận của bà Lâm giống như của Đặc khu trưởng đầu tiên, ông Đổng Kiến Hoa. Ông tựđề nghị từ chức ngay sau khi nửa triệu dân Hồng Kông xuống đường biểu tình năm 2003, phản đối các dự luật an ninh quốc gia (sau đó cũng bị hủy bỏ). Mãi đến năm 2005, ông mới chính thức được thôi việc. Lúc đó ông nói: “Ra đi thì dễ, ở lại mới khó”.

Mỹ Trinh (theo Reuters)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ghế Đặc khu trưởng của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga có bị lung lay?