Sáng 12.1, giá vàng SJC bất ngờ tăng 1,3 triệu đồng/lượng, người mua vàng lỗ nặng do chênh lệch giá mua vào - bán ra lên tới 3 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 72,8 - 75,3 triệu đồng/lượng. Mức giá này tăng 1,3 triệu đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra. Giá nhẫn tròn trơn loại 1-2-5 chỉ ở mức 62 - 63,1 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng miếng SJC 72,75 - 75,25 triệu đồng/lượng, tăng 1,05 triệu đồng/lượng so với cuối phiên giao dịch trước đó.
Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận tăng 200.000 đồng/lượng mỗi chiều: 73,4 triệu đồng/lượng (mua vào) và 75,5 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết với giá 73,2 triệu đồng/lượng (mua vào) - 75,45 triệu đồng/lượng (bán ra), cao hơn cuối ngày liền trước 350.000 đồng/lượng (chiều mua) và 200.000 đồng/lượng (chiều bán).
Trong khi đó, giá vàng nhẫn nơi giữ nguyên, nơi tăng 30.000 - 50.000 đồng/lượng mỗi chiều, giao dịch phổ biến ở mức 62,05 - 62,91 triệu đồng/lượng (chiều mua) và 63,1 63,96 triệu đồng/lượng (chiều bán).
Mức giá như hiện nay cao nhất kể từ ngày 2.1. Khi nhiều nhà đầu tư kỳ vọng giá vàng SJC giảm để mua vào thì giá vàng miếng lại bật tăng. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước sau hơn 2 tuần lên tiếng về việc sẵn sàng can thiệp thị trường vàng đến nay vẫn chưa có động thái gì mới.
Diễn biến tăng của vàng miếng cũng ngược dòng thế giới, khi giá vàng thế giới giảm liên tiếp những ngày qua và chỉ phục hồi nhẹ vào sáng nay. Hiện giá vàng thế giới được giao dịch ở mức 2.034USD/ounce, tăng 4USD/ounce so với hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá hiện hành, giá vàng thế giới khoảng 61 triệu đồng/lượng (chưa kể thuế phí).
Giá vàng thế giới đang chịu ảnh hưởng của căng thẳng chính trị ở Biển Đỏ - khu vực chiếm gần 30% tổng lượng hàng hóa vận chuyển bằng container của thế giới. Căng thẳng chính trị gia tăng có thể khiến chi phí vận tải tăng, dẫn đến lạm phát, tác động tới kinh tế thế giới. Điều này sẽ tác động tới thị trường vàng.