Đài CNN nhận định, người dân trên khắp châu Á có thể phải tiếp tục chi nhiều tiền hơn cho các chuyến bay trong năm nay mặc dù ngành hàng không hồi phục nhanh chóng sau đại dịch.

Giá vé máy bay châu Á cao ngất ngưởng trong năm nay

Cẩm Bình | 26/03/2023, 16:22

Đài CNN nhận định, người dân trên khắp châu Á có thể phải tiếp tục chi nhiều tiền hơn cho các chuyến bay trong năm nay mặc dù ngành hàng không hồi phục nhanh chóng sau đại dịch.

Dữ liệu từ công ty Skyscanner Travel Insight cho thấy, giá vé máy bay châu Á tháng 2 cao hơn 33% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi châu Âu và Bắc Mỹ chỉ tăng lần lượt là 12% và 17%.

Thậm chí, một vài trường hợp hành khách phải trả gấp đôi tiền vé 4 năm trước. Chẳng hạn một vé hạng thương gia từ Paris đến Thượng Hải có giá khoảng 5.650 USD năm 2019 hiện tăng lên hơn 11.500 USD, theo nền tảng du lịch American Express Global Business Travel (Amex GBT). Giá trung bình cho một vé hạng thương gia từ Singapore đến Thượng Hải cũng cao gấp đôi so với năm 2019.

Đây là xu hướng chung.

Phó chủ tịch Skyscanner Hugh Aitken cho biết, giá vé máy bay trên toàn cầu đều cao giá trước đại dịch vì một số yếu tố, nhưng hành khách tại châu Á - Thái Bình Dương phải chịu mức tăng cao hơn đã phản ánh sự hồi phục không đồng đều.

Tình hình sẽ không sớm cải thiện. Amex GBT dự báo giá vé hạng phổ thông từ châu Âu và Bắc Mỹ đi châu Á trong năm nay sẽ tăng lần lượt là 9,5% và 9,8%. Giá vé hạng thương gia cũng có thể cao hơn nữa.

giaair.jpg
Nhu cầu đi lại bằng máy bay tăng vọt trở lại - Ảnh: CNN

Nguyên nhân khiến giá vé bị đẩy lên cao

Giới chuyên gia chỉ ra, chi phí tăng, tình trạng thiếu hụt lao động, Nga đóng cửa không phận góp phần đẩy giá vé lên cao. Tuy nhiên, nguyên nhân chính lẫn là châu Á mới ở giai đoạn đầu của quá trình hồi phục.

Không như Bắc Mỹ và châu Âu đã nới lỏng hạn chế về biên giới từ lâu thì hầu hết điểm đến châu Á - chẳng hạn như Hàn Quốc, Nhật Bản. Hai quốc gia này chỉ mới mở cửa đón khách du lịch trở lại từ năm 2022. Thậm chí, như Trung Quốc, đến tháng 1.2023 mới dỡ bỏ loạt hạn chế chống dịch nghiêm ngặt và tuần trước, quốc gia này mới nối lại hoạt động cấp thị thực cho tất cả du khách.

Dù nhu cầu khôi phục mạnh mẽ, các hãng hàng không cũng khó tăng cường năng lực phục vụ ngay. Họ cần thời gian tái bố trí phi hành đoàn và nhân viên mặt đất, phối hợp với sân bay cũng như sắp xếp máy bay.

“Công tác lập lịch trình của một hãng hàng không mất hàng tháng trời”, theo chuyên gia Jeremy Quek (Amex GBT).

Số liệu phản ánh rõ điều này. 

Giám đốc điều hành trang web du lịch trip.com, bà Jane Sun cho biết, tuy Trung Quốc đã mở cửa trở lại, công suất chuyến bay quốc tế chỉ mới đạt 15 - 20% so với mức trước đại dịch.

Trong báo cáo tài chính tháng 3, bà Sun nhận định “nút thắt cổ chai” hiện tại hạn chế tốc độ phục hồi của mảng du lịch quốc tế Trung Quốc.

Amex GBT thì chỉ ra công suất chuyến bay quốc tế đường dài - chẳng hạn giữa châu Âu và châu Á - trong quý 1.2023 chỉ bằng 17% mức của năm 2019.

“Vấn đề mấu chốt là dù công suất của các hãng đang hồi phục, họ hồi phục không đủ nhanh như mong đợi. Công suất bị suy giảm còn nhu cầu ngày càng tăng dẫn đến tăng giá”, chuyên gia Quek phân tích.

Năm ngoái, Nga đóng cửa không phận với các hãng hàng không nhiều nước vì cuộc chiến tại Ukraine. Hệ quả là nhiều chuyến phải thay đổi đường bay khiến hành trình trở nên dài và đắt đỏ hơn. Chuyến bay giữa châu Á với châu Âu, Bắc Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

“Một chuyến bay từ Tokyo đến Luân Đôn hiện phải di chuyển về phía đông qua Bắc Thái Bình Dương, Alaska, Canada, Greenland – làm tăng thêm 2,4 giờ bay và đốt thêm khoảng 5.600 gallon nhiên liệu, tăng 20%”, theo Amex GBT.

Chi phí nhiên liệu cũng tăng vọt.

Giám đốc điều hành hãng hàng không Úc Qantas Alan Joyce cho biết, chi phí nhiên liệu của công ty tăng hơn 65% so với năm 2019.

Ngoài chịu chi phí nhiên liệu cao hơn, Qantas còn cần thời gian đào tạo lại phi hành đoàn ngừng làm việc lúc đại dịch hoành hành.

“Phi công Qantas đã phải chuyển qua lái xe buýt ở Sydney và Melbourne trong một khoảng thời gian. Để đưa một phi công trở lại, chúng tôi phải cho họ trải qua 23 giờ đào tạo mô phỏng và 5 lĩnh vực bay”, theo Giám đốc Joyce.

Tác động với người tiêu dùng

Giới chuyên gia tin rằng, cú sốc về giá không thể ngăn cản người tiêu dùng đi lại bằng máy bay.

Phó chủ tịch Aitken cho biết: “Hiện tại chúng tôi chưa nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào về tác động của giá vé tăng đối với niềm tin của người tiêu dùng và nhu cầu của khách du lịch. Chúng tôi ghi nhận nhu cầu đi lại mạnh mẽ trên các nền tảng Skyscanner trong năm 2023”.

Bà Sun cũng dự đoán, du lịch quốc tế của Trung Quốc thời gian tới sẽ tăng tốc phục hồi khi các hãng khôi phục dịch vụ bay.

Một số hãng khéo léo xoa dịu khách hàng bằng cách áp dụng chương trình giảm giá. Qantas cùng Jetstar thông báo giảm giá hơn 1 triệu chỗ ngồi trên nhiều chuyến bay nội địa lẫn quốc tế.

Không phải chuyến bay nào cũng tăng giá.

Phó chủ tịch Aitken lưu ý người tiêu dùng vẫn có thể tìm được chuyến bay có giá cạnh tranh, đặc biệt nếu họ linh hoạt về thời gian và địa điểm. Ví dụ giá vé bay từ Anh sang Việt Nam hay từ Mỹ đi Malaysia đều giảm nhẹ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá vé máy bay châu Á cao ngất ngưởng trong năm nay