Tình trạng sở hữu chéo có thể khiến dòng chảy tín dụng (huy động ngắn hạn) bị hướng vào những doanh nghiệp (DN) rủi ro, không có năng lực trả nợ, trong khi những DN chân chính muốn vay lại không tiếp cận được.

Đáng lo tình trạng thao túng dòng tiền tín dụng, ngân hàng chảy vào DN 'sân sau'

Lam Thanh | 24/11/2023, 12:25

Tình trạng sở hữu chéo có thể khiến dòng chảy tín dụng (huy động ngắn hạn) bị hướng vào những doanh nghiệp (DN) rủi ro, không có năng lực trả nợ, trong khi những DN chân chính muốn vay lại không tiếp cận được.

Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam (VIRES) vừa công bố báo cáo “Đổi mới cơ chế phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, một vài hàm ý với thị trường BĐS”.

Theo báo cáo, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhiều lần giảm lãi suất trong năm nay đã minh chứng cho sự nới lỏng của chính sách tiền tệ. Mức lãi suất hiện tại đã tương đối thấp và việc giảm thêm sẽ không còn tác dụng lớn. Đặc biệt, bối cảnh thực tế hiện nay cho thấy khu vực tư nhân đang suy giảm đầu tư và tiêu dùng. Do đó, các chuyên gia nhấn mạnh việc quan tâm thực hiện chính sách tài khóa có thể sẽ có giá trị hơn, đặc biệt trong thời gian từ nay đến cuối năm.

Tuy nhiên, giải pháp tăng cường mở rộng tài khóa kết hợp hài hòa với chính sách tiền tệ chỉ phát huy hiệu quả và góp phần tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế khi điều tiết hợp lý, kiểm soát được mục đích sử dụng vốn và minh bạch dòng chảy tín dụng.

Thao túng dòng chảy tín dụng, rót vốn vào DN “sân sau”

Theo VIRES, tại các ngân hàng thương mại, hầu hết khoản gửi tiết kiệm của người dân đều có kỳ hạn ngắn. Nguồn vốn trung và dài hạn của ngân hàng không đủ để đáp ứng nhu cầu cho vay trung và dài hạn. Do vậy phải sử dụng nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay kỳ hạn dài. Hoạt động này tiềm ẩn rủi ro lớn đối với thanh khoản hệ thống ngân hàng.

NHNN đã đề ra lộ trình giảm tỷ lệ sử dụng nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung - dài hạn. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung hạn và dài hạn tại các ngân hàng giảm xuống còn 30% kể từ ngày 1.10.2023.

VIRES cho rằng với tính chất của một nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng ngân hàng, việc giảm dần tỷ lệ này là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo an toàn vốn cho hệ thống tài chính quốc gia. Tuy nhiên, để tránh đổ vỡ dây chuyền trong bối cảnh nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực có tính đầu kéo như BĐS còn nhiều khó khăn và không triệt tiêu cơ hội phục hồi của DN, cần hướng đến “nắn dòng” tín dụng thay vì “ngăn sông”.

nh-1.jpeg
Tăng trưởng tín dụng thấp

Theo đó, không nên áp dụng chính sách siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn chung cho toàn thị trường, mà phải có chính sách riêng cho từng phân khúc, từng thời điểm và thậm chí là từng nhà đầu tư.

Hiện NHNN đã tính đến việc giảm hệ số rủi ro với tín dụng cho nhà ở xã hội và tín dụng tài trợ dự án kinh doanh BĐS sản khu công nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, một số phân khúc BĐS nhà ở khác cũng cần được giảm hệ số rủi ro như nhà ở cho người thu nhập trung bình.

Để có cơ sở “nắn” dòng vốn tín dụng, cần khẩn trương xây dựng tiêu chí đánh giá phân loại phân khúc BĐS dựa vào tiềm năng, thanh khoản của thị trường làm cơ sở xem xét áp dụng hệ số rủi ro phù hợp, thay vì đánh đồng ở mức 200% như hiện nay.

Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế giám sát mục đích sử dụng vốn để vốn tín dụng đi vào phân khúc, dự án lành mạnh, bền vững, đảm bảo hiệu quả và nâng cao chất lượng tín dụng, tránh tình trạng dòng chảy tín dụng đi sai hướng.

Trên thực tế, tình trạng “sở hữu chéo” giữa hệ thống tổ chức tín dụng và các DN trong lĩnh vực có độ rủi ro cao (như BĐS) với biểu hiện thao túng dòng chảy tín dụng, rót vốn “sân sau”, sử dụng vốn sai mục đích đang có tác động xấu đến chất lượng tín dụng, làm gia tăng rủi ro hệ thống.

“Tình trạng sở hữu chéo có thể khiến dòng chảy tín dụng (huy động ngắn hạn) bị hướng vào những DN rủi ro, không có năng lực trả nợ, trong khi những DN chân chính muốn vay lại không tiếp cận được”, báo cáo nêu.

Phải xác định được chủ sở hữu thực sự của ngân hàng

Luật Các tổ chức tín dụng đã quy định các tỷ lệ về giới hạn sở hữu cổ phần của các cá nhân, tổ chức và người có liên quan nhằm tăng sự an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, VIRES cho rằng điều này chỉ kiểm soát được về mặt hồ sơ. Còn trên thực tế, các cổ đông có thể sử dụng nhiều cách thức, thông qua các mối quan hệ không bị giới hạn theo quy định tại luật để gián tiếp gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần thực tế và nắm quyền chi phối tại các tổ chức tín dụng.

Do vậy, việc tiếp tục quy định giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của một cá nhân từ 5% xuống 3% vốn điều lệ, sở hữu của một cổ đông từ tổ chức giảm từ 15% xuống 10%, hay nhóm cổ đông liên quan từ 20% xuống 15% tại dự thảo sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng vì thế sẽ không có nhiều ý nghĩa để hạn chế sở hữu chéo.

Để kiểm soát sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng, yếu tố hàng đầu là phải xác định được cá nhân/tổ chức là chủ sở hữu thực sự của ngân hàng. Theo đó, khuôn khổ pháp lý cần thiết kế nhằm xác định được cá nhân/tổ chức nắm quyền chi phối, ảnh hưởng đến việc ra quyết định trong hoạt động của ngân hàng đó, tức là làm minh bạch thông tin của tất cả các cá nhân, tổ chức là cổ đông của ngân hàng thương mại thay vì giảm tỷ lệ sở hữu.

lan.png
Lo tiền ngân hàng chảy vào doanh nghiệp sân sau

Ngoài ra, kiểm soát tình trạng sở hữu chéo hiện nay đòi hỏi nhiều hơn năng lực thanh tra, giám sát và nhìn nhận các mối quan hệ chồng chéo trong việc sở hữu và cho vay, đặc biệt là giữa ngân hàng và doanh nghiệp BĐS của NHNN.

“Tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động tín dụng, đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích, an toàn, hiệu quả, tuân thủ đúng quy định của pháp luật và có những cảnh báo sớm về tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro… là vấn đề quan trọng trong việc hóa giải nghịch lý nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn. Nỗ lực giảm lãi suất chỉ là bề nổi”, báo cáo nêu.

Bài liên quan
Tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực ở ĐBSCL còn rất nhiều điểm nghẽn
Theo Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rất nhiều tiềm năng, cần nguồn vốn đầu tư lớn trên đường phát triển, tuy nhiên tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực ở ĐBSCL còn rất nhiều điểm khó khăn cần tháo gỡ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đáng lo tình trạng thao túng dòng tiền tín dụng, ngân hàng chảy vào DN 'sân sau'