Tính đến nay, mới có 3 dự án nhà ở xã hội được ký hợp đồng tài trợ tín dụng với số tiền giải ngân đạt 82,7 tỉ đồng.

Giải ngân gói 120.000 tỉ đồng: Ì ạch, có tiền mà vẫn chưa tiêu được

Tuyết Nhung | 29/09/2023, 07:30

Tính đến nay, mới có 3 dự án nhà ở xã hội được ký hợp đồng tài trợ tín dụng với số tiền giải ngân đạt 82,7 tỉ đồng.

Liên quan đến gói tín dụng 120.000 tỉ đồng để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng chung cư cũ, ông Phạm Thanh Hà - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước ngày 28.9 cho biết, đến thời điểm hiện tại, 2 ngân hàng BIDV và Agribank đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 3 dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ, Quảng Ninh, Bắc Ninh với số tiền giải ngân đạt 82,7 tỉ đồng.

giai-ngan.jpeg
Vấn đề giải ngân gói 120.000 tỉ đồng để giải cứu thị trường bất động sản vẫn đang là bài toán khó cho cơ quan quản lý - Ảnh: IT

Có thể nói, chưa khi nào các giải pháp để cứu thị trường bất động sản lại được ban hành nhiều như trong nửa đầu năm 2023. Trong đó, gói tín dụng 120.000 tỉ được xem là phao cứu sinh để thực hiện Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế. Tuy nhiên, đề án chỉ có ý nghĩa thực sự khi người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận được gói tín dụng này. Tình trạng "có tiền chưa tiêu được" vẫn kéo dài quả thực là một nghịch lý cho thị trường bất động sản đang cần cứu hơn bao giờ hết như hiện nay.

Gói tín dụng 120.000 tỉ đồng được triển khai từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại với lãi suất cho vay thấp hơn 1,5 - 2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường và áp dụng đối với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đã phát sinh dư nợ. Thời hạn giải ngân gói tín dụng 120.000 tỉ đồng đến khi số tiền giải ngân hết, nhưng không quá ngày 31.12.2030.

Theo kế hoạch, 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank tham gia gói tín dụng 120.000 tỉ đồng. Mỗi ngân hàng sẽ dành khoảng 30.000 tỉ đồng. Hiện 2 ngân hàng BIDV và Argibank đã bắt đầu cho vay. Tuy nhiên thực tế, không phải địa phương nào cũng có các dự án được phê duyệt đủ điều kiện vay. Vậy làm thế nào đáp ứng các điều kiện vay vốn và vướng mắc khó khăn với những dự án còn lại nằm ở đâu?

Trên thực tế, dù nhà ở xã hội là phân khúc có lực cầu lớn trên thị trường nhưng nguồn cung lại hạn chế. Các dự án nhà ở xã hội đang gặp khó về quỹ đất và các thủ tục đầu tư. Hiện trong luật định, trình tự làm nhà ở xã hội giống như nhà ở thương mại, thậm chí còn phức tạp hơn ở một số khâu, một số bước, dẫn đến trình tự thủ tục đầu tư còn kéo dài.

Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ chủ đầu tư phát triển dự án nhà ở xã hội cũng là điểm nghẽn của phân khúc này. Theo quy định, các chủ đầu tư tham gia làm nhà ở xã hội được miễn giảm thuế GTGT, thu nhập doanh nghiệp, miễn tiền sử dụng đất, các ưu đãi tiếp cận vốn... Tuy nhiên, các ưu đãi lại không được tính vào giá bán khiến phân khúc này không thu hút được các chủ đầu tư.

Giới chuyên gia cho rằng để đẩy nhanh tiến độ triển khai và giúp dòng vốn phát huy hiệu quả, các tỉnh cần xem xét rút ngắn thủ tục hành chính liên quan đến xét duyệt các dự án, cấp phép dự án và công khai quy hoạch, công bố quỹ đất sạch để các chủ đầu tư quan tâm nắm được thông tin, đồng thời phải có chính sách ưu đãi kêu gọi nhà đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp...

Vì vậy, nhiều ý kiến đề xuất nên có một quỹ phát triển nhà ở xã hội, trong đó vốn ngân sách là vốn chủ lực và huy động các nguồn vốn tư nhân khác để cho vay với lãi suất bằng khoảng 50% lãi suất trên thị trường một cách công khai, minh bạch.

Trong khi đó, phía Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng ưu tiên cấp tín dụng cho các dự án có hiệu quả, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; hướng tín dụng vào đáp ứng các nhu cầu thiết thực của người dân về nhà ở. Đồng thời, phải tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng hoặc nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của tổ chức tín dụng...

Thực tế cho thấy dư nợ tín dụng bất động sản với mục đích vay tiêu dùng mới giảm, tình trạng này diễn ra ở nhiều địa phương. Để tăng khả năng tiếp cận tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà tiếp cận tín dụng khi đáp ứng đầy đủ điều kiện cấp tín dụng theo quy định; đồng thời xem xét cấp tín dụng đối với cả chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, người mua nhà và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng để tăng khả năng luân chuyển vốn và thanh khoản cho thị trường bất động sản.

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai gói tín dụng 120.000 tỉ đồng từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Bài liên quan
Giải ngân đầu tư công: Thay thế những cán bộ yếu kém
Thủ tướng yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; có chế tài xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân cố tình làm chậm tiến độ, thay thế kịp thời những cán bộ yếu kém…

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
12 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải ngân gói 120.000 tỉ đồng: Ì ạch, có tiền mà vẫn chưa tiêu được