Theo báo Lao Động ngày 7.11.2018, “sáng 7.11, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong gặp gỡ 35 người dân hai phường Bình An và Bình Khánh nằm trong ranh quy hoạch khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm”. Bài báo cho biết: “Theo ông Phong, giải quyết được các vấn đề ở KĐTM Thủ Thiêm cũng góp phần giải quyết cho sự phát triển của thành phố”. Tôi đồng ý với cách đặt vấn đề của ông Nguyễn Thành Phong, và cho rằng còn có thể nhìn xa hơn đó.
“Giải quyết được các vấn đề ở KĐTM Thủ Thiêm” góp phần RẤT LỚN giải quyết sự phát triển của thành phố. Bởi vì vấn đề Thủ Thiêm không chỉ là vấn đề “sai sót” trong quản lý đất đai, mà rộng hơn là “sai phạm” mang tính điển hình của các sai phạm loại này. Theo tôi quan sát và nhận định, sai phạm ở Thủ Thiêm vi phạm rất thô bạo vào các quy trình quản lý căn bản (key managing processes). Một trong các việc cho thấy điều này rõ rệt là việc “đánh mất bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm”, một việc “đánh mất” không thể chấp nhận được. Ngay cả khi việc “đánh mất” do thiếu trình độ quản lý cũng không thể chấp nhận, huống gì việc “đánh mất” này nằm trong một chuỗi các sự việc khiến người ta không thể không đặt câu hỏi về tính trung thực, liêm chính của những người chịu trách nhiệm lãnh đạo và quản lý. Và người dân cũng tự hỏi: việc tày trời “đánh mất bản đồ quy hoạch” có được điều tra kỹ càng, tới nơi tới chốn không? Những người đánh mất phải chịu trách nhiệm, kỷ luật và xét xử gì? Xã hội phải chịu tổn thất tới đâu nếu một sự việc như vậy không được làm rõ và phán xét công minh?
Thực sự, “vấn đề Thủ Thiêm” đã xô ngã niềm tin của dân chúng. Không chỉ niềm tin của người dân thành phố, mà cả người dân bên ngoài địa giới hành chính của thành phố. Chuyện này lớn hơn những chục ngàn, trăm ngàn thước vuông đất đai cụ thể, vì nó phá vỡ mối liên kết căn bản của con người với con người trong xã hội, đó là niềm tin vào tính trung thực, vào lòng nhân ái, vào tinh thần trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng... của những người quản lý. “Giải quyết được các vấn đề ở KĐTM Thủ Thiêm” góp phần dựng lại niềm tin đã bị xô ngã đó.
“Giải quyết được các vấn đề ở KĐTM Thủ Thiêm” còn góp phần RẤT LỚN giải quyết sự phát triển của đất nước. TP.HCM hiện nay, Sài Gòn xưa kia, có vị trí địa lý trung tâm của Đông Nam Á, cách đều các thành phố lớn, các thủ đô trong khu vực. Với dân số hiện nay trên 12 triệu người, cùng với Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Long An... TP.HCM thực sự tạo nên khu vực có vai trò rất quan trọng. Dự án Thủ Thiêm đã 25 tuổi, nếu được lãnh đạo và xây dựng đúng tầm, có thể TP.HCM đã nổi lên như một cực phát triển không chỉ của Việt Nam mà cả của Đông Nam Á. Cộng hưởng với các mặt khác, có thể đây là một cực thu hút đầu tư cho đất nước, đẩy mạnh thu hút đầu tư chung vào Việt Nam, đẩy mạnh phát triển dân tộc. Hãy so sánh với sự phát triển của Phố Đông Trung Quốc, sự phát triển của Seoul trong cùng thời gian 25 năm, chúng ta sẽ thấy đau xót bao nhiêu cho thành phố và đất nước thân yêu khi đã mất đi 25 năm khoảng thời gian đất nước ở đỉnh cao của cấu trúc dân số tuổi vàng, và khi thời cơ kinh tế thế giới thuận lợi! Những lỗi lầm và sai phạm đó mà không được công khai, không được giải quyết triệt để thì khó mà hy vọng sẽ có sự phát triển đất nước nói chung! Vấn đề nền tảng ở đây cũng lại là niềm tin. Nếu đánh mất, không có hay thiếu niềm tin vào các giá trị căn bản liên kết các thành viên trong xã hội, liệu xã hội có thể phát triển được không?
Bởi vì mục tiêu là dựng lại niềm tin của dân chúng, việc giải quyết vấn đề Thủ Thêm phải làm theo hướng đạt được mục tiêu làm dân tin tưởng, hài lòng. Công khai, minh bạch, thực lòng với dân, tôn trọng dân. Trình độ hiểu biết của dân chúng hiện nay đủ để họ, cho dù không được tiếp cận đầy đủ thông tin, vẫn cảm nhận được sự trung thực hay gian dối, lòng chân thành hay trò ma mãnh.
Rất mong quan điểm của ông Nguyễn Thành Phong rằng “giải quyết được các vấn đề ở KĐTM Thủ Thiêm cũng góp phần giải quyết cho sự phát triển của thành phố” được thực thi một cách chân thành, công khai, minh bạch!
Lê Học Lãnh Vân