Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu khiến lượng lớn thanh long Việt Nam không tiêu thụ được, phải nằm kho. Tình hình này đòi hỏi Việt Nam cần phải có những giải pháp lâu dài, bền vững nhằm ổn định thị trường tiêu thụ loại trái cây này.

Giải tận gốc bài toán thanh long tắc đường sang Trung Quốc

Tuyết Nhung | 06/01/2022, 16:07

Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu khiến lượng lớn thanh long Việt Nam không tiêu thụ được, phải nằm kho. Tình hình này đòi hỏi Việt Nam cần phải có những giải pháp lâu dài, bền vững nhằm ổn định thị trường tiêu thụ loại trái cây này.

Hiện nay, các cửa khẩu, đường mòn lối mở của các tỉnh phía Bắc Việt Nam buộc phải đóng cửa bởi chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc. Hàng nghìn xe nông sản, đặc biệt là rau quả vẫn ùn ứ ở cửa khẩu, cùng hàng nghìn lượt xe khác đang phải quay đầu về tìm cách tiêu thụ trong nội địa.

269961252_628530885125775_7496207869106457242_n.jpg
Lượng lớn thanh long ở cửa khẩu phải quay đầu tìm thị trường nội địa tiêu thụ vì lệnh tạm dừng nhập khẩu từ Trung Quốc - Ảnh: TN

Trong khi lượng hàng hóa còn đang ùn ứ lớn tại các cửa khẩu phía Bắc thì phía Trung Quốc tiếp tục thông báo từ 0 giờ ngày 29.12.2021 đến 24 giờ ngày 26.1.2022, Hải quan Bằng Tường (Trung Quốc) tạm dừng giải quyết thủ tục nhập khẩu mặt hàng thanh long từ Việt Nam, lý do là dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Sau thời gian này, việc nhập khẩu tự động được thực hiện trở lại.

Trong bối cảnh Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu, các địa phương đã đưa ra những số liệu hết sức đáng lo ngại về sản lượng tiêu thụ nông sản, đặc biệt là thanh long đang vào vụ thu hoạch. Theo thống kê ước tính của các tỉnh, hiện có đến 300.000 tấn đang vào vụ và chưa có hướng cụ thể về đầu ra.

Cần giải pháp tận gốc

Đưa ra giải pháp tận gốc giải quyết tình trạng thanh long "tắc đường" sang Trung Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tại "Diễn đàn trực tuyến kết nối sản xuất và tiêu thụ thanh long" ngày hôm nay (6.1), nhiều doanh nghiệp cho rằng Việt Nam nên xuất khẩu thanh long bằng đường biển.

Ông Nguyễn Khắc Huy - Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit cho biết, phía Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo Việt Nam nên xuất khẩu thanh long theo đường chính ngạch. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu theo tiểu ngạch bằng đường bộ, dẫn tới khó khăn trong xuất khẩu thanh long hiện nay do Trung Quốc lấy lý do thực hiện chính sách "Zero Covid".

Theo đó, ông Huy khuyến cáo các doanh nghiệp cần giải quyết vấn đề thiếu vỏ container để chuyển sang hình thức xuất khẩu bằng đường biển. Đồng thời, cũng cần khắc phục vấn đề có vi rút SARS-CoV-2 trên quả thanh long và các thùng hàng.

Theo ước tính, tổng sản lượng thanh long thu hoạch của cả nước vào khoảng 1,3 triệu tấn/năm, trong đó khoảng 90% diện tích và sản lượng tập trung ở 3 tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang. Vì vậy, các tỉnh này cần hợp lực để có kiến nghị chung về việc vận chuyển xuất khẩu hàng hóa qua đường biển.

Ngoài việc chuyển phương thức xuất khẩu, các doanh nghiệp cũng đề xuất xúc tiến thị trường thanh long trong nước, cân nhắc chuyển sang thị trường mới.

Ông Nguyễn Quốc Trịnh - Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An cho biết, tỉnh đang chuẩn bị thu hoạch thanh long từ bây giờ đến Tết Nguyên đán 2022, ước lượng đạt 26.000 tấn, giá thành khoảng 15.000 đồng/kg. Chủ yếu thanh long được bán cho thị trường Trung Quốc, tuy nhiên do dịch bệnh nên các đường biên gần như đóng cửa hoàn toàn.

Do đó, ông kiến nghị xúc tiến bán thanh long mạnh hơn sang các thị trường khác như Ấn Độ, Nhật Bản... đồng thời xúc tiến thị trường trong nước thông qua các hệ thống siêu thị. Hiện nay, Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An phân ra 3 loại hàng thanh long: loại xuất khẩu giá 15.000 đồng/kg; loại nội địa giá 10.000 đồng/kg; loại dùng cho chế biến giá 5.000 đồng/kg.

Với thị trường Trung Quốc, ông Trịnh đề nghị Bộ Ngoại giao trao đổi với cơ quan chức năng phía Trung Quốc đảm bảo thực hiện đúng hiệp định thương mại biên giới giữa hai nước để các hoạt động được diễn ra liên tục và ổn định. Nếu có thay đổi về chính sách cần được thông báo ít nhất trước 15 ngày để phía Việt Nam có thời gian chuẩn bị.

Bộ NN-PTNT cần đàm phán với Hải quan Trung Quốc ký kết Nghị định thư về việc giảm tỷ lệ kiểm tra, kiểm dịch; xây dựng cơ chế kiểm tra, thống nhất cơ chế giám sát an toàn thực phẩm đối với các lô hàng nông lâm thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc... Về lâu dài các tỉnh ở biên giới cần xây dựng kho chuyên dụng bảo quản nông sản, mở trung tâm giao dịch gần cửa khẩu...

Tỉnh Bình Thuận cho biết trong quý 1/2022, tỉnh dự kiến sẽ có hơn 100.000 tấn thanh long cần tiêu thụ. Tuy nhiên, hiện các thương lái đang thu mua chậm, thậm chí một số nơi ngừng thu mua thanh long. Sau khi việc thông quan ở các cửa khẩu phía Bắc bị đình trệ, giá thanh long giảm khá sâu, có nơi còn 2.000-4.000 đồng/kg.

Trước mắt, để giải quyết thị trường tiêu thụ, tỉnh Bình Thuận sẽ định hướng cho doanh nghiệp chuyển hướng xuất khẩu sang Ấn Độ, đẩy mạnh chế biến sâu, bảo quản đông lạnh.

Quản lý mã số vùng trồng

Về vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn chưa có những quy định này nhưng giới chuyên môn khuyến cáo Việt Nam cần lưu ý để đến lúc Trung Quốc đưa ra yêu cầu vẫn sẵn sàng đáp ứng được. Hiện nay, việc xuất khẩu trái cây sang các thị trường khó tính như Nhật Bản hay Hàn Quốc có quy định rất nghiêm ngặt về vấn đề này.

Về mã số vùng trồng thanh long, tổng số mã số vùng trồng đạt 640, diện tích đạt hơn 40.000 ha (61,9% diện tích trồng cả nước), chủ yếu xuất sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand. Thị trường Trung Quốc có 247 mã số, chiếm 39,2 % tổng mã số được cấp. Thị trường Mỹ có 147 mã số, chiếm 23,3%.

Ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cho biết thị trường nhập khẩu chỉ cần đáp ứng các yêu cầu cơ bản về kiểm dịch thực vật. Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo doanh nghiệp Việt Nam về những vi phạm liên quan đến dịch hại, kiểm dịch thực vật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, và hồ sơ kèm theo lô hàng.

Vì vậy, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các quy định về kỹ thuật và yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của thị trường; Thay đổi cách tiếp cận về an toàn thực phẩm, từ việc kiểm tra an toàn sản phẩm cuối cùng sang giám sát tại mọi công đoạn trong toàn bộ chuỗi sản xuất; Áp dụng các quy trình sản xuất như VietGAP, GlobalGAP...; Tiêu chuẩn hóa quy trình trồng trọt đảm bảo an toàn thực phẩm và nguyên liệu cho ăn tươi và chế biến; Đầu tư sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, sản phẩm đặc sản, chỉ đẫn địa lý, sản phẩm hữu cơ...

Thanh long là mặt hàng trái cây xuất khẩu chính sang thị trường các nước, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Năm 2021, xuất khẩu thanh long đạt hơn 998 triệu USD. Do đó, trong thời gian tới các địa phương, doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên tận dụng tối đa lợi thế của các hiệp định thương mại tự do như RCEP để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này.

Bài liên quan
Trung Quốc phát hiện vi rút SARS-CoV-2 trên bao bì thanh long, tỉnh Bình Thuận nói gì?
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết sẽ xác minh thông tin Trung Quốc phát hiện vi rút SARS-CoV-2 trên bao bì bọc quả thanh long.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải tận gốc bài toán thanh long tắc đường sang Trung Quốc