Qu Jing, Giám đốc Truyền thông Baidu, đã từ chức sau khi đăng hàng loạt video ủng hộ làm việc 24/7 và coi nhẹ sức khỏe của nhân viên, làm dấy lên làn sóng phẫn nộ về văn hóa 996 trong ngành công nghệ.
Theo hãng tin Bloomberg, Qu Jing đã từ chức hôm 9.5 sau khi đăng ít nhất 4 video lên Douyin (phiên bản TikTok của Trung Quốc), trong đó cô nói về việc luôn bật điện thoại của mình 24/7 và yêu cầu cấp dưới phải tuân thủ.
Trong một video, Qu Jing đả kích nữ nhân viên từ chối đi công tác 50 ngày trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19, khi Trung Quốc áp đặt các hạn chế đi lại và kiểm dịch nghiêm ngặt.
“Tại sao tôi phải quan tâm đến gia đình nhân viên của mình? Tôi không phải mẹ chồng cô ấy. Tôi hơn cô ấy 10 tuổi, 20 tuổi. Tôi không cảm thấy cay đắng hay mệt mỏi về điều đó dù có hai con. Bạn là ai mà nói với tôi rằng chồng bạn không thể chịu đựng được?”, Qu Jing tuyên bố.
Trong video khác, Qu Jing chia sẻ những hy sinh cá nhân của mình khi làm mẹ. Cô kể rằng đã làm việc chăm chỉ đến nỗi quên mất ngày sinh nhật của con trai lớn và quên con trai nhỏ đang học lớp mấy ở trường. Qu Jing cho biết không hối hận vì đã “chọn trở thành người phụ nữ có sự nghiệp”.
“Nếu bạn làm việc trong lĩnh vực quan hệ công chúng, đừng mong được nghỉ cuối tuần. Hãy giữ điện thoại của bạn 24 giờ một ngày, luôn sẵn sàng phản hồi”, Qu Jing nói trong video thứ ba.
Ivy Yang, nhà phân tích công nghệ Trung Quốc và sáng lập công ty tư vấn Wavelet Strategy, nhận xét: “Giọng nói và giọng điệu của cô ấy thể hiện sự thờ ơ sâu sắc và thiếu đồng cảm với hoàn cảnh chung của các đồng nghiệp. Rất nhiều điều cô ấy nói thực sự khiến tôi lo lắng, bởi nhiều người thường xuyên cảm thấy vấn đề đó ở nơi làm việc của họ. Việc cô ấy nói theo cách rất trực tiếp và thẳng thắn với bạn, điều đó chỉ gây ra phản ứng bức xúc. Đây là những gì các ông chủ đang nghĩ và cô ấy chỉ nói to điều đó ra”.
Năm 2019, tỷ phú Jack Ma, người đồng sáng lập Alibaba, từng bị chỉ trích dữ dội sau khi ủng hộ văn hóa 996, nghĩa là làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần và gọi đó là “may mắn lớn lao”.
Ivy Yang gọi phản ứng dữ dội chống lại Jack Ma là “thời điểm bước ngoặt” khiến nhiều người phải suy nghĩ lại về mối quan hệ giữa nơi công ty và bản thân họ.
“Khi các công ty yêu cầu sự trung thành, thời gian và sự tập trung hoàn toàn, nhân viên sẽ cảm thấy không có sự đáp lại hay phần thưởng nào cho sự hy sinh hoặc đóng góp của họ, đặc biệt là khi mọi thứ đang phát triển chậm lại”, Ivy Yang nói thêm.
Loạt video của Qu Jing đã gây ra phản ứng dữ dội ở Trung Quốc, nơi những người trẻ từ lâu đã phàn nàn về văn hóa làm việc quá sức và môi trường chuyên nghiệp có tính cạnh tranh cao, đặc biệt là trong ngành công nghệ.
Không những thế, những bình luận của Qu Jing gây xôn xao khắp các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc, dẫn đến cuộc tranh luận về những yêu cầu mà ngành công nghệ đặt ra với lực lượng lao động thường trẻ của mình.
Văn hóa làm việc 996 đã bị giám sát sau khi cái chết bí ẩn của một số nhân viên công nghệ. Trong quá trình siết chặt lĩnh vực công nghệ bằng quy định từ năm 2020, chính phủ Trung Quốc đã cảnh báo các công ty về vấn đề làm quá sức, song thực tế này vẫn tồn tại, đặc biệt là trong thời kỳ suy thoái kinh tế khi nhiều hãng sa thải hàng loạt nhân viên có hiệu suất kém.
Người phát ngôn Baidu không trả lời khi được hỏi về chuyện này.
Qu Jing đã xóa các video về phát ngôn gây tranh cãi của mình và đăng lời xin lỗi.
“Tôi đã đọc kỹ tất cả ý kiến, bình luận từ nhiều nền tảng khác nhau và có nhiều lời chỉ trích rất xác đáng. Tôi suy ngẫm sâu sắc và khiêm tốn chấp nhận chúng”, Qu Jing viết.
Qu Jing cũng tìm cách tạo khoảng cách giữa nhận xét của mình và Baidu, nói rằng cô không xin phép trước và chúng không đại diện cho lập trường của gã khổng lồ tìm kiếm số 1 Trung Quốc.
Qu Jing viết: “Có nhiều điểm không phù hợp được đưa ra trong video, dẫn đến hiểu lầm về giá trị và văn hóa của công ty, gây tổn hại nghiêm trọng”.
Một người quen thuộc với vấn đề này cho biết các video của Qu Jing là một phần trong nỗ lực nhằm khuếch đại tiếng nói cho Baidu trên các nền tảng video ngắn, vốn đã trở thành một kênh phổ biến thông tin ngày càng quan trọng ở Trung Quốc.
Qu Jing đã yêu cầu tất cả thành viên trong nhóm quan hệ công chúng Baidu tạo tài khoản cá nhân của họ trên các nền tảng video ngắn.
“Mục đích chính là cải thiện khả năng tạo video ngắn của mọi người. Mọi người đều có thể có những lựa chọn khác nhau về nội dung và Qu Jing chọn nói về trải nghiệm cá nhân của mình”, theo nguồn tin của trang SCMP.
Qu Jing gia nhập Baidu vào năm 2021 từ Huawei, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc nổi tiếng với “văn hóa chó sói” cứng rắn, nơi các nhân viên được kỳ vọng sẽ mô phỏng bản chất khát máu, sự dũng cảm và kiên cường của loài sói.
Một cựu nhân viên của Baidu cho biết Qu Jing đã mang văn hóa doanh nghiệp tích cực của Huawei đến với Baidu.
“Cô ấy đã gây ra một cú sốc văn hóa khá lớn. Khoảng 60% nhân viên đã rời đi trong vòng vài tháng sau khi cô đến”, một cựu nhân viên Baidu nói với CNN.
Cựu nhân viên này cho biết đội ngũ quan hệ công chúng Baidu phải luôn túc trực, luôn bật điện thoại, trả lời tin nhắn ngay lập tức, tham dự các cuộc họp vào lúc nửa đêm và cuối tuần với thời gian báo trước ngắn.
Qu Jing áp dụng ngôn ngữ kiểu quân đội được sử dụng trong quản lý doanh nghiệp tại Huawei, yêu cầu nhóm phải “có kỷ luật” và “có thể giành chiến thắng trong trận chiến”.
Dù phong cách quản lý của Qu Jing có thể không phản ánh những gì xảy ra ở các bộ phận khác tại Baidu, quyết định của ban lãnh đạo để cô tiếp tục làm việc cho thấy sự ngầm tán thành với hành vi này.
“Khi công ty thuê một người như vậy và cho phép cô ấy giữ nguyên vị trí dù có rất nhiều vấn đề và lời chỉ trích, điều đó cho thấy họ đang dung túng hoặc thậm chí hoan nghênh những hành vi như vậy”, theo nguồn tin của CNN.
Khi Qu Jing nhận được vô số lời chỉ trích, vài nhà bình luận trên mạng xã hội cho biết cô ấy chỉ đơn giản là nói ra sự thật trần trụi về một ngành đang vật lộn để phát triển.