Theo ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới, hành trình trở thành một nền kinh tế hiện đại hóa, công nghiệp hóa của Việt Nam chỉ mới bắt đầu, những thành tựu trong quá khứ không đảm bảo cho sự thành công trong tương lai.

Giám đốc WB: Hành trình của Việt Nam chỉ mới bắt đầu

05/12/2018, 17:34

Theo ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới, hành trình trở thành một nền kinh tế hiện đại hóa, công nghiệp hóa của Việt Nam chỉ mới bắt đầu, những thành tựu trong quá khứ không đảm bảo cho sự thành công trong tương lai.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) - Ảnh: LT

Thời điểm vàng

Tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển (VRDF) do Bộ KH-ĐT tổ chức sáng 5.12.2018, ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, Việt Nam ngày nay đã nổi lên như một nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp và là nước có xuất khẩu đang phát triển mạnh. Sự tăng trưởng của Việt Namđi kèm với tỷ lệ nghèo đã giảm xuống dưới 7% so với mức hơn 60% cuối những năm 1980.

Bên cạnh đó vẫn có những thách thức Việt Nam sẽ phải giải quyết như dân số già hóa nhanh, tăng trưởng năng suất chậm và đầu tư thấp, cũng như chi phí môi trường lên quá trình phát triển ngày càng lớn.

“Khi giải quyết những trở lực mang tính cấu trúc này ở trong nước, Việt Nam cũng cần phải lựa chọn hướng đi trong bối cảnh thế giới đang thay đổi, nơi mà những chuyển đổi về mô hình thương mại toàn cầu và cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư vừa là cơ hội đang được định hình, vừa tạo ra rủi ro mới”, ông Ousmane Dione nói.

Còn Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam những năm tới hứa hẹn có cả thách thức và cơ hội đan xen. Mặc dù vậy, Chính phủ vẫn luôn ý thức được thách thức và khó khăn, cả những vấn đề nội tại cũng như tác động khách quan từ bên ngoài có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của nền kinh tế.

Theo Bộ trưởng Dũng, câu hỏi lớn đặt ra hiện nay là làm thế nào tận dụng triệt để được mọi cơ hội và vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Đồng thời cần làm rõ các động lực tăng trưởng mới với tầm nhìn phát triển trong kỷ nguyên mớ, gắn liền với tư duy đổi mới, cải cách hướng tới tăng trưởng bứt phá, đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại, có nền kinh tế thị trường tiên tiến...

Diễn đàn Cải cách và Phát triển (VRDF) được tổ chức lần đầu tiên

Theo ông Dũng, trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư đang diễn ra nhanh, nếu Việt Nam không thực hiện đồng thời cải cách và phát triển sẽ ngay lập tức bị tụt hậu.

“Đây là thời điểm vàng bởi chúng ta đang đứng trước những cơ hội quý. Cơ hội về tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động cao, tỷ lệ qua đào tạo ngày càng tăng, cơ hội về hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng... Thời gian và vận hội sẽ không chờ đợi chúng ta. Chúng ta phải cải cách và phát triển với tất cả sự quyết tâm, với sức mạnh mà hơn 30 năm trước chúng ta đã làm được”, ông nói.

Loại bỏ trở ngại cho tư nhân

Theo ông Ousmane Dione từ WB, Việt Nam cần cải cách để thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân trong nước, trở thành động lực chính nhằm tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực để loại bỏ những trở ngại cho doanh nghiệp tư nhân và tăng cường môi trường pháp lý.

“Song song đó, việc cải cách DNNN nên tập trung áp dụng thông lệ quốc tế tốt nhất trong quản trị doanh nghiệp, thông qua Ủy ban Quản lý vốn nhà nước mới thành lập, đồng thời thúc đẩy và tăng cường cổ phần hóa và thoái vốn, đặc biệt là những khoản đầu tư thương mại”, ông Dione nói.

Vẫn theo đại diện của WB, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng cần chuyển từ số lượng sang chất lượng, tập trung vào đầu tư công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn, cũng như chú ý khai thác mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Mặc dù vẫn ưu tiên đầu tư những dự án hạ tầng trọng yếu quốc gia như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành và các cảng biển quan trọng, nhưng việc đầu tư cho các dự án riêng lẻ như thế này cần được nằm trong chiến lược tổng thể về kết nối vận tải đa phương thức. Đứng trước khó khăn về tài chính, việc giải phóng nguồn đầu tư tư nhân có thể có ý nghĩa to lớn trong việc đáp ứng nhu cầu đầu tư cao của Việt Nam.

Tiếp theo, ông Dione cho rằng cần phải đầu tư vào nhân lực. Trong Chỉ số Vốn Con người mới công bố gần đây của Nhóm WB, Việt Nam đứng thứ 48/157 nước.

“Đây là thành tựu lớn, nhưng còn cần những kiến ​​thức và kỹ năng của thế kỷ 21 để năng suất lao động cao đạt hơn. Điều này đòi hỏi phải tập trung vào chất lượng và giáo dục đại học, dạy nghề phù hợp”, ông Dione nói.

Tuy nhiên có một vấn đề theo đại diện WB là sự tăng trưởng nhanh chóng của Việt Nam đang tạo ra chi phí môi trường ngày càng lớn. Tốc độ phát thải khí nhà kính đang vượt qua sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

“Những vấn đề môi trường ngày càng tăng này không chỉ tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, mà còn có khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng trong dài hạn. Hoạt động quản lý tài sản tự nhiên của Việt Nam và xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu có ý nghĩa rất quan trọng để đảm bảo sự tăng trưởng bền vững trong các lĩnh vực then chốt như nông nghiệp, chế biến thực phẩm và du lịch”, ông nói thêm.

Cuối cùng, ông Dione cho rằng yếu tố quan trọng nhất để thực hiện được các mục tiêu trên vẫn là thể chế của nhà nước phải có năng lực và hiệu quả. Thể chế thị trường hiệu quả, minh bạch, rõ ràng và có trách nhiệm giải trình là những yếu tố cơ bản của sự phát triển. Sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ ban ngành cũng như giữa các cơ quan trung ương và địa phương hiện nay quan trọng hơn bao giờ hết.

“Nguồn vốn ODA hiện có sẽ phải được sử dụng một cách chiến lược và hiệu quả hơn để bổ sung nguồn vốn đầu tư công trong nước và tận dụng được những lợi ích phi thương mại, bí quyết kinh doanh và đầu tư tư nhân”, ông Dione nói.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
7,2 tỉ USD có thể chảy vào Việt Nam ngay khi thị trường chứng khoán được nâng hạng
4 giờ trước Tài chính và đầu tư
Ước tính, khoảng 7,2 tỉ USD vốn gián tiếp nước ngoài sẽ chảy vào thị trường Việt Nam ngay sau khi thị trường chứng khoán được nâng hạng. Việc này cũng mang lại 25 tỉ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2030.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giám đốc WB: Hành trình của Việt Nam chỉ mới bắt đầu