Những nhà khoa học hàng đầu đã gửi thư kêu gọi chính quyền các nước châu Âu xây dựng một viện nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) đa quốc gia, nhằm giữ chân nhân tài và đuổi kịp Mỹ cùng Trung Quốc trong lĩnh vực này.
Trong thư, những nhà khoa học đến từ Anh, Pháp, Đức, Switzerland, Israel và Hà Lan kêu gọi các chính quyền châu Âu phải hành động, khi họ hiện đã bị Mỹ và Trung Quốc bỏ lại phía sau. Hiện châu Âu chỉ còn là nơi tọa lạc của một số ít cơ quan nghiên cứu đáng chú ývà hầu như những người đứng đầu của những cơ quan này luôn bị công ty Mỹ ra sức tuyển dụng.
Vì vậy, các chính phủ để ngăn phải thành lập một viện nghiên cứu AI với tên gọi Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Hệ thống trí tuệ châu Âu (Ellis). Những nhà khoa học kêu gọi công tác lập viện này nên được bắt đầu ngay trong năm nay.
Theo đề xuất, Ellis sẽ có vài trung tâm chính ở nhiều quốc gia, trong đó có Anh. Viện này sẽ là một tổ chức liên chính phủ, hoạt động nhờ tiền tài trợ của các nước tham gia vào.
Nhiệm vụ của Ellis sẽ là đảm bảo những nghiên cứu AI tốt nhất được thực hiện ở châu Âu, một mục tiêu có thể đem lại việc làm, phát triển kinh tế cũng như vai trò trong lĩnh vực AI lớn hơn cho giới khoa học khu vực này. Người tham gia làm việc cho Ellis được tự do làm việc với các ngành khác và lập công ty khởi nghiệp dựa trên kết quả nghiên cứu của họ.
Trước đó, để tái xây dựng ngành vật lý và đảo ngược tình trạng “chảy máu chất xám” sang Mỹ, châu Âu từng lập ra Tổ chức Nghiên cứu hạt nhân (CERN).
Zoubin Ghahramani, giáo sư kỹthuật thông tin tại đại học Cambridge và là một trong những nhà nghiên cứu AI có ảnh hưởng tại Anh, cho biết: “Chúng ta phải hành động và hành động ngay bây giờ. Ellis sẽ đem lại cho châu Âu không chỉ 10 mà là hàng trăm chuyên gia đến từ các quốc gia khác nhau”.
“Việc này (lập Ellis) có tầm quan trọng với châu Âu, và sẽ là sai lầm lớn nếu không làm gì đó. Nếu chúng ta không hành động trong lĩnh vực AI, các trường đại học và nền công nghiệp châu Âu sẽ bắt đầu đi xuống”, theo giáo sư Ghahramani.
Dự kiến bước đầu tiên để lập nên Ellis sẽ bắt đầu bằng sự hợp tác giữa Pháp và Đức, và các nước khác sau này có thể tham gia vào. Chi phí xây dựng mỗi phòng thí nghiệm trực thuộc sẽ là 100 triệu USD, và ngân sách hằng năm cho mỗi đơn vị này là 30 triệu USD.
Giáo sư Ghahramani khẳng định nếu châu Âu tụt lại và đứng ngoài cuộc, họ sẽ có ít tiếng nói trong việc định hình AI trong tương lai. Ông nhắc nhở: “Môi trường pháp lý cho một công nghệ nào đó thường được dẫn dắt bởi người kiểm soát công nghệ đó”.
Bernard Schölkopf, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hệ thống trí tuệ Max Planck (Đức) cũng ủng hộ ý tưởng lập Ellis. Ông cho biết: “Châu Âu có truyền thống nghiên cứu học thuật độc đáo, vì vậy chúng ta đã cố gìn giữ nó trong nhiều năm. Mỹ và Trung Quốc đã nhận ra tầm quan trọng chiến lược của AI và không một quốc gia châu Âu riêng lẻ nào đủ sức cạnh tranh với họ”.
Cẩm Bình (theo The Guardian)