Hai nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc và Trần Thanh Hưng vừa ấn hành tác phẩm "Gốm Nam Trung Bộ". Hai tác giả làm rõ vẻ đẹp của gốm cổ và thông qua đó là đời sống, văn hóa một thời của cư dân vùng đất này.

Gốm cổ Nam Trung Bộ nhìn từ gốm Quảng Đức

Tiểu Vũ (thực hiện) | 15/10/2021, 13:58

Hai nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc và Trần Thanh Hưng vừa ấn hành tác phẩm "Gốm Nam Trung Bộ". Hai tác giả làm rõ vẻ đẹp của gốm cổ và thông qua đó là đời sống, văn hóa một thời của cư dân vùng đất này.

Dưới đây là chia sẻ của nhà nghiên cứu Trần Thanh Hưng, người có nhiều năm làm báo và hiện là Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Phú Yên. Ông Hưng cho biết gốm cổ Quảng Đức (Phú Yên) đang bị Trung Quốc làm giả để bán cho nhiều nhà sưu tập với giá rất mắc.

 - Là người rất quan tâm đến gốm cổ, ông cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc đã viết cuốn Gốm cổ Trung Nam Bộ - cuốn sách chuyên sâu về dòng gốm đặc biệt này. Ông có thể cho biết quá trình thực hiện sách, từ ý tưởng đến khi được phát hành.

- Từ năm 1993, tôi cùng các nhà sưu tầm, nghiên cứu cổ vật, làm công tác bảo tồn di sản văn hóa như Phan Đình Phùng, Trần Đình Sơn, Nguyễn Đình Chúc, Nguyễn Danh Hạnh, các đoàn làm phim tài liệu VTV, HTV, các nhà báo trung ương và địa phương... đã có nhiều chuyến khảo sát, nghiên cứu tại làng gốm cổ Quảng Đức, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Đặc biệt, với những ghi chép từ cố nghệ nhân gốm cổ Quảng Đức Nguyễn Thịnh, tôi đã có những phác thảo đầu tiên về gốm Quảng Đức, một trong những di sản văn hóa tiêu biểu trên vùng đất Phú Yên vừa tròn 410 năm xuất hiện tên gọi trên bản đồ Đại Việt (1611-2021).

Cuốn sách được ấp ủ đã lâu, có thể nói từ thập niên 90 thế kỷ trước, nhưng từ khi quyết tâm in sách cho đến khi ra mắt bạn đọc (tháng 6.2021) thì không quá lâu, với sự cộng tác của các nhà sưu tầm, nghiên cứu gốm sứ Lâm Dũ Xênh (Quảng Ngãi), Nguyễn Vĩnh Hảo (Bình Định), Đoàn Phước Thuận (Phú Yên), Mang Tấn Phong (Khánh Hòa), Bùi Văn Thuật (TP.HCM), Nguyễn Văn Tuấn (Lâm Đồng), Võ Minh Luân (Đắk Lắk)... Đặc biệt là sự đồng hành của Công ty cổ phần Truyền thông tốc độ TP.HCM (Speed POS), NXB Đà Nẵng, Công ty cổ phần In thương mại Phú Yên và nhà báo Trần Hoàng Nhân đã nhiệt thành giúp đỡ để tác phẩm sớm ra mắt bạn đọc.

 - Xin ông nói thêm là vì sao quyết tâm in thành sách?

 - Như chúng ta biết, với sự hỗ trợ của công nghệ, người đọc sách ngày càng ít nhưng sự đọc vẫn không ít mà có xu hướng tăng lên, nhất là đọc trên các thiết bị cầm tay như điện thoại thông minh, máy tính bảng... Có con số thống kê 44% dân số thế giới đọc online. Thời gian đọc tin tức, chia sẻ thông tin trên mạng đang tăng mạnh. Vì thế thời gian dành cho sách sẽ ít đi. Đã đến lúc, người viết sách, các nhà xuất bản, nhà in, công ty phát hành sách… cần có những điều chỉnh cho phù hợp với xu thế của thời đại số. Là người làm trong lĩnh vực thông tin - truyền thông, tôi cũng đã từng nghĩ đến việc phát hành sách điện tử. Nhưng trừ các nhà nghiên cứu có thể đã quen với việc đọc online, đa số giới sưu tầm gốm sứ vẫn thích đọc sách in truyền thống hơn. Thậm chí có người còn xem việc mua sách viết về cổ vật nói chung, gốm sứ nói riêng như một “bộ sưu tập” sách quý, từ sách của cụ Vương Hồng Sển đến sách của các nhà nghiên cứu, sưu tầm đương đại như những cuốn Gốm Lái Thiêu, Gốm Sài Gòn, Gốm Cây Mai và giờ thêm Gốm Nam Trung Bộ.

img_4965.jpg
Hai nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc (phải) và Trần Thanh Hưng  - Ảnh: T.V

 - Vì sao lại hai tác giả, thưa ông?

 - Ý định về một cuốn sách nhỏ về gốm cổ Quảng Đức được tôi nung nấu từ lâu để những ghi chép như tôi nói ở trên được phổ biến rộng rãi, được lưu truyền. Tuy nhiên, do công việc bận rộn nên chưa thực hiện được. Một lần, tôi đưa ý định này bàn bạc cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc - tác giả của nhiều công trình về Phật giáo và di sản văn hóa Phú Yên, thì ông động viên và mong muốn được hợp tác để cuốn sách được nâng tầm lên thành tác phẩm về gốm cổ Nam Trung Bộ.

Vậy là chúng tôi thống nhất về đề cương, về hình thức trình bày và bắt tay vào công việc. Phải nói là dù tuổi đã cao (nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc sinh năm 1937), nhưng ông rất nhiệt tình và hăm hở lên đường cho một phác thảo rộng hơn về các dòng gốm Nam Trung Bộ như gốm Châu Ổ (Quảng Ngãi), gốm Gò Sành (Bình Định), gốm Quảng Đức (Phú Yên), đến gốm Lư Cấm (Khánh Hòa), gốm Chăm (Ninh Thuận và Bình Thuận)...

Những chuyến đi nhằm tìm hiểu làng nghề, gặp gỡ các nghệ nhân, các nhà sưu tầm, nghiên cứu về gốm để hoàn thiện đề cương. Chúng tôi cũng mất thời gian khá lâu để trao đổi về nội dung, hình thức trình bày, sao cho dễ đọc, dễ hiểu, thoát khỏi một tác phẩm chỉ phục vụ cho các nhà sưu tầm, nghiên cứu gốm sứ. Không gian làng nghề qua bao thăng trầm, tấm lòng của nghệ nhân dành cho gốm qua bao thế hệ… Nói tóm lại là cái chất folklore, đã góp phần làm cho một cuốn sách về gốm không còn quá “khô cứng” với nguyên liệu, nhiên liệu, men màu, kỹ thuật chế tác…

 - Gốm Nam Trung Bộ có ý nghĩa gì trong đời sống văn hóa của khu vực và cả nước, thưa ông?

 - Tôi rất thích nhận định ngắn gọn của ông Phan Đình Phùng, người từng nhiều năm gắn bó với công tác bảo tàng, văn hóa và là Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên trước khi nghỉ hưu: “Sự mộc mạc, thô ráp của gốm cổ Quảng Đức với màu men giản dị, khiêm nhường nhưng rất bí ẩn đã tạo nên sự hấp dẫn, ấn tượng đối với các nhà nghiên cứu cũng như những người sưu tầm. Gốm cổ Quảng Đức không chỉ phổ biến, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân Phú Yên, người dân các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ mà còn có thể xuất khẩu ra nước ngoài. Gốm cổ Quảng Đức là một trong những di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh Phú Yên”.

img_4964(1).jpg
Từ trái sang: Nhà văn Trịnh Phương Trà, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Hưng, nhà thơ Nguyễn Quốc Khương

Qua nghiên cứu bước đầu, thời thịnh hành, gốm Quảng Đức được bán đi nhiều nơi trong nước, cả người Kinh, người Thượng lẫn các quan Tây ở Cheo Reo, Phú Bổn, Phú Túc, Đắk Lắk, Gia Lai... đều tìm mua. Nhà nghiên cứu cổ vật Trần Đình Sơn ở TP.HCM cho biết ông có một số hiện vật gốm Quảng Đức có thơ nôm tìm được khi nạo vét kênh rạch Sài Gòn những năm sau 1975. Ban đầu, ông Sơn không biết chúng thuộc dòng gốm nào, nhưng thấy khá lạ mắt, nhất là sự đa dạng về men màu có dính vỏ sò. Nhà nghiên cứu Đoàn Nam Sinh (TP.HCM) thì kể khi nạo vét một số kênh rạch ở Sài Gòn cũng phát hiện khá nhiều gốm Quảng Đức. Rõ ràng, dòng gốm này đã từng có một thời gian được tiêu thụ, giao thương không chỉ ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Trong sưu tập của tôi, có hai chiếc bình vôi từng nằm trong bộ sưu tập của ông Ngô Đình Cẩn. Điều đó chứng tỏ, gốm Quảng Đức của Phú Yên cũng rất nổi tiếng, đã từng góp mặt trong những bộ sưu tập trứ danh.

img_4967.jpg
Một trang cuốn sách 

Ba nghệ nhân cuối cùng mà chúng tôi tìm tới biết về gốm cổ Quảng Đức là Nguyễn Ky, Nguyễn Dần và Nguyễn Thịnh. Khi chúng tôi đến làng Quảng Đức năm 1993, sau cơn lũ lớn, làm phát lộ nhiều phế tích làng nghề, cụ Nguyễn Ky đã mất ở tuổi 81, hai cụ còn lại đều ngoài thất thập và là anh em họ hàng. Theo các cụ, gốm Quảng Đức đã có lịch sử trên 300 năm, khoảng cuối thế kỷ 17. Khai sinh ra dòng gốm này là một dòng họ Nguyễn ở Bình Định mang nghề vào. Từ các chi tiết ấy có thể cho thấy gốm Quảng Đức là sự tiếp nối dòng gốm Gò Sành (Bình Định) nổi tiếng từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 15 dưới vương triều Vijaya Champa. Khi dòng họ này đến làng Quảng Đức, nhận thấy nơi đây thuận lợi cho nghề, nhất là về nguyên liệu, nhiên liệu và đặc biệt là giao thông thủy để vận chuyển tiêu thụ gốm, họ dừng lại và tiếp nối nghề. Chính trên vùng đất mới này, những nghệ nhân xưa đã cho ra đời một dòng gốm không lẫn vào đâu được.

Theo anh em nhà cụ Nguyễn Thịnh, gốm Quảng Đức được làm bằng đất sét ở An Định, dùng sò huyết đầm Ô Loan trong quá trình nung, đốt chủ yếu bằng củi mằng lăng trong vùng và chở từ Kỳ Lộ (huyện Đồng Xuân) xuống qua đường sông Cái. Đất sét xanh thì dùng chế tác đồ thông dụng, đất sét vàng thì dùng làm đồ cao cấp hơn. Còn đất sét xanh trộn với đất sét vàng làm đồ có kích cỡ lớn. Về kỹ thuật, gốm Quảng Đức cũng dùng bàn xoay như các loại gốm Việt khác. Qua khảo sát 7 chiếc lò nung gốm cổ Quảng Đức lúc còn sót lại và mô tả của các nghệ nhân, chúng tôi nhận thấy kích thước lò nung có chiều cao và chiều rộng khoảng 2,5 mét, dài chừng 4 mét với 2 cửa lớn để đốt lò và 2 ống khói bên trên.

img_4966.jpg
Sách Gốm Nam Trung Bộ do NXB Đà Nẵng ấn hành - 6.2021

Điều mà giới sưu tầm và các nhà nghiên cứu quan tâm là vì sao tất cả gốm cổ Quảng Đức đều có dấu vỏ sò dính trên thân và màu men khá đặc trưng. Trên thế giới, việc sử dụng vỏ sò để làm tăng nhiệt độ lò đã xuất hiện khá sớm, song việc dùng vỏ sò huyết tạo nên hiện tượng hỏa biến trong quá trình nung để làm nên nhiều sắc màu cho sản phẩm gốm cổ Quảng Đức là một sự độc đáo.

Theo các nghệ nhân làng gốm này, sò huyết được mua chủ yếu ở thôn 8 xã An Ninh Đông - một xã ven đầm Ô Loan của huyện Tuy An nối với vùng Ngân Sơn qua hai hệ thống giao thông thủy là Hà Yến và Tam Giang. Thai gốm (sản phẩm gốm chưa nung) đặt vào một bao nung, sau đó, vỏ sò huyết được chèn vào trước khi cho vào lò nung. Nhà sưu tầm nghiên cứu cổ vật Nguyễn Vĩnh Hảo ở Bình Định cho biết gốm Gò Sành và gốm Quảng Đức thường được dùng củi chành rành hoặc vỏ sò huyết trong quá trình nung để tăng nhiệt độ lò và tạo nên hỏa biến mà cho ra nhiều màu men riêng biệt.

Các nghệ nhân gốm cổ Quảng Đức cũng cho biết triều Nguyễn đã từng giao quan tuần vũ ở huyện Sông Cầu cho người đặt họ làm những chậu hoa lớn bằng đất nung với đề tài trang trí đắp nổi như long lân quy phụng, bát tiên quá hải, ngư tiều canh mục, chữ công… để đưa về Huế trang trí. Cụ Nguyễn Thịnh còn cho biết, một lần ông cùng một nghệ nhân dệt lụa Ngân Sơn ra Huế, một người lo trang trí non bộ, một người tiến lụa cho vua, được Bảo Đại thưởng tiền.

Trong số các hiện vật tôi sưu tầm được, có một số gốm cổ Quảng Đức là độc bản, như chiếc hỏa lò để bàn, khuôn in hình chữ công, tượng phật, ống nhổ, đôn hóa vàng, lư hương, chậu hoa có dòng chữ “1934 villa de Quang Đuc”, chiếc vò có dòng chữ Hán “Liên Thành công ty” do Hãng nước mắm Liên Thành đặt làm (Liên Thành là một trong những thương hiệu đầu tiên của Việt Nam xuất hiện từ năm 1904, cụ Phan Chu Trinh là một trong những thành viên sáng lập).

Làng Quảng Đức nay thuộc xã An Thạch huyện Tuy An tiếp giáp với Ngân Sơn, gần tỉnh lỵ xưa nên có nhiều làng nghề phát triển. Trong làng bây giờ vẫn còn miếu thờ Quang Điếm Lưu Phước truy niệm tiền nhân với câu đối:

Đức thừa tiên tổ thiên niên vĩnh/Phước ấm nhi tồn bách thế vinh.

Dưới thời Pháp thuộc, Ty hàng lụa Ngân Sơn và Ty gốm Quảng Đức cuối năm hay đầu xuân đều cúng heo ở Quang Điếm này. Gốm Quảng Đức chấm dứt việc chế tác theo lối truyền thống khoảng từ sau năm 1945, nhưng những sản phẩm gốm men sò của Quảng Đức còn sót lại cũng đủ minh chứng cho một thời vang bóng của dòng gốm này. Chậu hoa bằng đất nung gốm Quảng Đức khắc chìm dòng chữ "Quang Đuc 1934 de la villa" có lẽ là một trong những sản phẩm cuối cùng khi người Pháp có mặt ở vùng đất này, ghi dấu một làng nghề sắp đi vào quá vãng…

Gốm cổ Quảng Đức là sản phẩm truyền thống độc đáo ở Phú Yên từ hàng trăm năm trước và nay đã thất truyền. Gốm Quảng Đức cũng là sự kết hợp của đất và lửa nhưng được làm bằng những nguyên liệu và kỹ thuật nung độc đáo hiếm thấy. Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội, trong số 36 địa chỉ lò gốm cổ Việt Nam thì Phú Yên nằm ở vị thứ 21 từ bắc vào với hai địa danh Quảng Đức và Mỹ Thạnh Tây (Hòa Phong, Tây Hòa).

 - Vai trò của các nhà sưu tập trong việc giữ gìn những dòng gốm đang có nguy cơ và có thể nói là đã thất truyền?

 - Từ chỗ chỉ vài nhà sưu tập ở Phú Yên đam mê, sưu tầm gốm cổ Quảng Đức, hiện nay dòng gốm này đã được giới sưu tầm cả nước quan tâm. Điều đó sẽ góp phần bảo tồn một dòng gốm cổ đã thất truyền, là cơ sở để nghiên cứu, phục dựng việc chế tác khi có điều kiện. Nếu chế tác thành công gốm cổ Quảng Đức thì chúng ta làm được một điều vô cùng ý nghĩa: Chứng minh cho thế giới về một kỹ thuật chế tác gốm độc đáo riêng có ở Quảng Đức, đồng thời bảo tồn theo cách xây dựng Quảng Đức thành một địa chỉ du lịch, sản xuất gốm làm quà lưu niệm, nằm trong quần thể du lịch của địa phương gồm những di tích, thắng cảnh cấp quốc gia như thành An Thổ, nơi sinh Tổng bí thư Trần Phú, nhà thờ Mằng Lăng, gành Đá Đĩa…

Tuy nhiên cũng cần lưu ý là trước sự quan tâm của nhiều người về dòng gốm này, gần đây Trung Quốc đã chế tác ra một dòng gốm tương tự. Nhiều người nhầm tưởng đó là những sản phẩm độc đáo, có một không hai, và mua với giá rất cao. Nhưng nếu quan sát kỹ, dòng gốm ấy không có dấu lạc tinh (độ bào mòn qua thời gian), dấu vỏ sò in trên gốm quá lớn, không đúng với kích thước phổ biến của sò huyết đầm Ô Loan, men màu quá sặc sỡ, chất đất ở đáy hiện vật không phải chất đất sét An Định…

 - Tại sao sách in ít vậy, chỉ 300 cuốn? Phải chăng loại sách nghiên cứu chuyên sâu ít độc giả và rất khó phát hành?

 - Đúng là sách về cổ vật nói chung, về gốm sứ nói riêng, khá kén độc giả. Như tôi nói ở trên, dự kiến ban đầu của chúng tôi là làm sách điện tử, thậm chí nếu có điều kiện các nhà sưu tập cũng nên số hóa hiện vật, xây dựng những không gian trưng bày, bảo tàng 3D. Điều này khá phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh  COVID-19 hiện nay. Công chúng có thể ngồi tại nhà, vào không gian mạng cũng có thể du lịch, khám phá di sản văn hóa online, vào các bảo tàng 3D, tránh tập trung đông người. Có điều, chi phí số hóa hiện vật 3D hiện nay tại Việt Nam còn khá cao. Theo tôi được biết thì chỉ mới có Trung tâm Nghiên cứu Hoàng thành Thăng Long đang tiến hành.

 Vì những lý do trên, cuốn Gốm Nam Trung Bộ in với số lượng không nhiều, chủ yếu in “theo địa chỉ” các nhà sưu tầm, nghiên cứu quan tâm, phần còn lại chúng tôi tặng cho các bảo tàng, người yêu gốm. Ngay việc ra mắt, giới thiệu sách, chúng tôi cũng thực hiện online để thực hiện nghiêm túc quy định về phòng chống dịch.

Với tôi và nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc, đây là một tác phẩm có nhiều kỷ niệm và là món quà tri ân vùng đất Nam Trung Bộ đầy nắng gió đã để lại cho hậu thế một di sản văn hóa độc đáo, không lẫn vào đâu được.

Hiện tượng “hỏa biến” do sức nóng của lửa tạo nên trong lò nung, hình thành màu men xám tro, đen, không đồng đều trên gốm. Hiện tượng “hoàn nguyên”: Khi các sản phẩm đã nung chín, thợ nung bít chặt cửa lò và lối thoát hơi, lò nung lúc này không còn oxy, và trong quá trình nguội dần màu men của sản phẩm “hoàn” (trở lại) với màu của “nguyên” liệu tự nhiên dùng phủ men như màu men xanh của oxyt sắt (hoàn nguyên từ màu vàng đổ ra màu xanh lá cây), màu men đỏ - gọi là men huyết đỉa của oxyt đồng… thường thấy trên gốm cổ Quảng Đức.

- Xin cảm ơn những chia sẻ rất sâu sắc của ông về gốm cổ Nam Trung Bộ!

Bài liên quan
Đấu giá sách quý xuất bản trước 1945 'Về chốn thư hiên'
Tại cuộc triển lãm những cuốn sách quý xuất bản trước năm 1945 mang tên “Về chốn thư hiên” sắp tới, BTC sẽ cho đấu giá một số cuốn sách quý nhằm gây quỹ thành lập thư viện Nguyễn An Ninh.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
8 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gốm cổ Nam Trung Bộ nhìn từ gốm Quảng Đức