Ông Donald Trump đã đắc cử Tổng thống Mỹ thứ 47 và thế giới công nghệ đang chờ xem chính quyền của ông sẽ thực hiện điều gì với các vấn đề quan trọng như quy định về trí tuệ nhân tạo (AI), nhập cư, chống độc quyền, sáp nhập và mua lại.
Thế giới số

Google, Meta, Apple đối mặt rủi ro và thuận lợi gì khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ? (phần 1)

Sơn Vân 06/11/2024 21:50

Ông Donald Trump đã đắc cử Tổng thống Mỹ thứ 47 và thế giới công nghệ đang chờ xem chính quyền của ông sẽ thực hiện điều gì với các vấn đề quan trọng như quy định về trí tuệ nhân tạo (AI), nhập cư, chống độc quyền, sáp nhập và mua lại.

Ông Trump đã hứa sẽ thành lập một nội các khác cho nhiệm kỳ thứ hai của mình tại Nhà Trắng. Các cố vấn cho Trump có thể sẽ gồm cả một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã ủng hộ chiến dịch tranh cử của ông, trong đó có nhân vật quyền lực ở lĩnh vực công nghệ là Elon Musk (Giám đốc điều hành SpaceX và Tesla).

Trong bài phát biểu đêm bầu cử, ông Trump đã dành nhiều lời khen ngợi cho Elon Musk, bày tỏ sự ngưỡng mộ trước các tên lửa của SpaceX. "Elon, cậu ấy là một người tuyệt vời", ông Trump nói vào sáng sớm 5.11.

Có rất nhiều thứ đang bị đe dọa với lĩnh vực công nghệ, với hàng loạt công ty đang phải đối mặt các cuộc chiến chống độc quyền. Với việc nhập cư được nhiều cử tri quan tâm hàng đầu, visa H-1B có thể bị ảnh hưởng, gây ra khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến các hãng công nghệ đang thiếu nhân lực giữa bối cảnh cuộc đua tuyển dụng nhân tài AI diễn ra mạnh mẽ.

Visa H-1B là loại thị thực lao động tạm thời của Mỹ, cho phép các công ty Mỹ tuyển dụng lao động nước ngoài có trình độ cao trong các lĩnh vực chuyên môn như công nghệ thông tin, kỹ thuật, y học, tài chính và nhiều ngành nghề khác. Visa này thường yêu cầu ứng viên phải có ít nhất là bằng cử nhân hoặc bằng cấp tương đương, và công việc mà họ đảm nhận phải thuộc dạng chuyên môn cao, đòi hỏi kiến thức và kỹ năng chuyên môn.

Visa H-1B được cấp theo từng năm và có giới hạn số lượng nhất định, thường là khoảng 85.000 suất mỗi năm, trong đó 65.000 suất dành cho ứng viên nước ngoài và 20,000 suất dành riêng cho các ứng viên có bằng cấp sau đại học từ các trường tại Mỹ. Các công ty phải bảo đảm tuân thủ quy định nhất định về mức lương và điều kiện làm việc cho người lao động H-1B để không gây bất lợi cho lao động Mỹ.

Visa H-1B thường có thời hạn tối đa là 6 năm (3 năm đầu tiên, có thể gia hạn thêm 3 năm), có thể mở đường cho việc xin thẻ xanh định cư nếu người lao động và nhà tuyển dụng quyết định tiếp tục quá trình này.

Sau đây là cách ông Trump với nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thứ hai của mình có thể tác động đến các hãng công nghệ lớn (Big Tech).

Lời đe dọa Google và Mark Zuckerberg

Dù Trump rất thân thiết với Elon Musk (lãnh đạo Big Tech) nhưng một số người khác lại nằm trong tầm ngắm của ông. Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump đã dọa trả thù một số hãng công nghệ và bỏ tù “những kẻ gian lận bầu cử”, trong đó có Mark Zuckerberg - Giám đốc điều hành Meta Platforms.

Không rõ liệu ông Trump có thực hiện lời đe dọa của mình hay không.

Trump cũng chỉ trích Google trong suốt chiến dịch của mình, cáo buộc gã khổng lồ công nghệ này "gian lận" vì không hiển thị những câu chuyện tích cực về ông khi người dùng tìm kiếm. Trump nói rằng Google "rất tệ" với ông và gợi ý rằng sẽ "làm gì đó" với quyền lực của công ty này.

Vào tháng 9, ông Trump đã gia tăng mối bất hòa của mình với Google bằng cách đe dọa sẽ ra lệnh cho Bộ Tư pháp Mỹ truy tố Big Tech này "ở mức tối đa" trong nhiệm kỳ thứ hai của mình. Ông Trump cáo buộc Google có hành vi bất hợp pháp và can thiệp vào cuộc bầu cử bằng những câu chuyện mà họ hiển thị trên trang kết quả tìm kiếm của mình.

Bộ Tư pháp Mỹ thường hoạt động độc lập với tổng thống. Ông Trump nói trong chiến dịch tranh cử rằng hệ thống tư pháp hình sự đã bị vũ khí hóa chống lại ông và đe dọa sẽ làm điều tương tự với các đối thủ chính trị của mình.

Sự thay đổi phá vỡ chuẩn mực này có thể gây ra thêm nhiều vấn đề pháp lý cho những Big Tech như Google, nếu ông Trump thực hiện đúng lời hứa của mình.

Trong hồ sơ tòa án hôm 8.10, Mỹ cho biết đang xem xét yêu cầu của một thẩm phán buộc Google phải bán bớt các bộ phận kinh doanh đã giúp gã khổng lồ công nghệ duy trì thế độc quyền bất hợp pháp ở lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến.

Các công tố viên cho biết những hành động như vậy nằm trong số những biện pháp có thể đề xuất trong vụ kiện quan trọng này. Đây là vụ án có khả năng định hình lại cách người Mỹ tìm kiếm thông tin trên internet sau khi Thẩm phán liên bang Amit Mehta hôm 5.8 phán quyết rằng Google vi phạm luật chống độc quyền, chi hàng tỉ USD để tạo ra thế độc quyền bất hợp pháp và trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên toàn thế giới. Google xử lý 90% các tìm kiếm trên internet ở Mỹ.

Các biện pháp khắc phục cụ thể của thẩm phán với phán quyết, mà Google có thể kháng cáo, vẫn chưa được biết đến. Ông Trump chỉ trích Google trong một cuộc phỏng vấn của hãng tin Bloomberg hôm 15.10. Thế nhưng, Trump thừa nhận Google có sức mạnh và từ chối nói ông ủng hộ việc chia tách công ty này.

Khi được hỏi "Google có nên bị chia tách không?", Trump cho biết Google có "nhiều quyền lực" và ông sẽ "làm điều gì đó" về vấn đề này nhưng không đến mức ủng hộ việc chia tách công ty.

"Họ đối xử rất tệ với tôi", Trump nói, cáo buộc rằng gã khổng lồ tìm kiếm này đã "gian lận" và không đưa ra những câu chuyện tích cực về ông. Cựu Tổng thống Mỹ cũng cho biết ông đã gọi điện cho lãnh đạo Google để bày tỏ mối quan ngại của mình.

Thế nhưng, các vấn đề chống độc quyền liên quan đến Google khó khăn hơn để xem xét, ông Trump cho biết.

"Tôi dành cho Google rất nhiều sự tín nhiệm, họ đã trở thành một thế lực lớn. Bạn biết đấy, cách họ trở thành một thế lực là chủ đề đáng bàn luận. Việc có các công ty lớn mạnh như Google là cần thiết cho nước Mỹ. Chúng ta không muốn Trung Quốc có những công ty tương tự. Hiện tại, Trung Quốc sợ Google", ông Trump nói.

Ly-do-ong-Trump-khong-ung-ho-viec-chia-tach-Google-du-‘bi-doi-xu-rat-te’.jpg
Ông Donald Trump không ủng hộ việc chia tách Google vì nước Mỹ cần phải có "những công ty vĩ đại" - Ảnh: Internet

Đầu tháng 7, Trump nói rằng nếu được bầu làm Tổng thống Mỹ, ông sẽ "theo đuổi những kẻ gian lận bầu cử và bỏ tù họ dài lâu", ám chỉ cả Mark Zuckerberg .

Hôm 31.7, Trump đã kêu gọi các người theo dõi ông trên Truth Social: “Hãy giám sát Meta và Google. Hãy để họ biết rằng chúng ta đều nhận ra chiêu trò của họ, sẽ cứng rắn hơn lần này".

Khi được hỏi về vụ ám sát hụt ông Trump diễn ra hôm 13.7, chabot Meta AI của Meta Platforms cho rằng vụ việc này chưa xảy ra. Sau đó, Trump tiết lộ Mark Zuckerberg đã gọi điện xin lỗi ông vì chuyện này.

"Cậu ấy thực sự đã xin lỗi, nói rằng họ đã mắc lỗi. Cậu ấy thực sự thông báo rằng sẽ không ủng hộ một đảng viên Dân chủ vì tôn trọng tôi, sau những gì tôi đã làm ngày đó (hôm bị ám sát hụt – PV)", ông Trump nói trên chương trình Mornings with Maria của Fox Business.

Lời xin lỗi này có thể xoa dịu ông Trump trước việc Facebook và Instagram từng cấm tài khoản ông hai năm sau vụ bạo động ở Điện Capitol ngày 6.1.2021.

Thuế quan vẫn là dấu hỏi lớn nhất

Vào tháng 9, ngân hàng Barclays đã cảnh báo rằng công nghệ sẽ là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi kế hoạch áp thuế quan rộng rãi của ông Trump.

"Dù các mức thuế quan mới được đề xuất sẽ có tác động tiêu cực trực tiếp khiêm tốn đến thu nhập của các công ty nếu được thực hiện, nhưng những tác động thứ cấp từ lạm phát, chi phí cao hơn và tăng trưởng kinh tế chậm lại sẽ là lực cản với thu nhập của công ty và gây ra thêm khó khăn", Barclays nhận định.

Mark Lemley, giáo sư và Giám đốc Chương trình Luật, Khoa học & Công nghệ của Đại học Stanford, cảnh báo rằng kế hoạch áp thuế quan lớn với hàng hóa nước ngoài của Trump cũng có thể gây hại cho các hãng công nghệ trong nhiệm kỳ sắp tới.

"Chính quyền Trump sẽ liên quan đến việc Mỹ rút lui khỏi thế giới và áp đặt các mức thuế quan khổng lồ. Điều đó có thể gây ra hậu quả tàn khốc với các hãng công nghệ Mỹ bán hàng ở thị trường nước ngoài cũng như làm tê liệt tiêu dùng trong nước", Mark Lemley nhận định.

Các nhà phân tích nói với trang Insider rằng ngành này đang theo dõi rất sát sao vấn đề thuế quan.

"Bạn có thể nhìn vấn đề này theo hai cách. Bạn có thể nói rằng đó là chiến lược đàm phán và nó sẽ không thực sự xảy ra. Hoặc bạn có thể nói rằng nó sẽ xảy ra nhưng ở mức độ nhẹ và không quá nghiêm trọng. Điều này đang gây ra rất nhiều lo lắng", chuyên gia Neil Saunders của hãng Global Data nói.

GlobalData là công ty chuyên cung cấp dữ liệu, phân tích và thông tin chuyên sâu về nhiều ngành công nghiệp khác nhau trên toàn cầu. Trụ sở chính của GlobalData đặt tại London, thủ đô Anh. Công ty này cung cấp các báo cáo nghiên cứu, phân tích dữ liệu và thông tin dự báo về nhiều lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, tài chính, bán lẻ, năng lượng, công nghệ, người tiêu dùng.

Nếu ông Trump thực hiện các đề xuất trong chiến dịch tranh cử của mình, điều này đồng nghĩa sẽ có những thay đổi đáng kể với cách thức kinh doanh của các nhà bán lẻ.

"Đó sẽ là một sự biến động lớn với hầu hết cấu trúc chi phí cho các công ty này", Chris Walton, cựu Giám đốc điều hành tập đoàn bán lẻ Target (Mỹ), bình luận.

Với chi phí tổ chức lại chuỗi cung ứng, Chris Walton cho biết các nhà bán lẻ lớn vẫn đang nghiên cứu các lựa chọn của họ và thực hiện bất kỳ điều chỉnh đơn giản nào, thay vì cam kết sớm với một chiến lược mới.

Bài liên quan
Ông Trump nhắm đến các vì sao khi liên kết chiến dịch tranh cử với thành công của Elon Musk ở SpaceX
Tuần trước, SpaceX đã thực hiện một kỳ tích kỹ thuật táo bạo.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
TECHFEST Việt Nam 2024 mang nhiều cơ hội cho các nhà khởi nghiệp
6 phút trước Khoa học - công nghệ
TECHFEST Việt Nam 2024 mang đến rất nhiều cơ hội cho các nhà khởi nghiệp, các quỹ đầu tư, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp… trong việc tìm kiếm tài năng, kết nối đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Google, Meta, Apple đối mặt rủi ro và thuận lợi gì khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ? (phần 1)