Google đang bắt đầu hợp nhất Assistant (ứng dụng trợ lý giọng nói) và Bard (chatbot trí tuệ nhân tạo).

Google nâng cấp ứng dụng trợ lý giọng nói bằng cách hợp nhất với Bard

Sơn Vân | 04/10/2023, 23:00

Google đang bắt đầu hợp nhất Assistant (ứng dụng trợ lý giọng nói) và Bard (chatbot trí tuệ nhân tạo).

Hôm 4.10, Google công bố rằng đang có kế hoạch đưa chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) Bard vào ứng dụng và trải nghiệm Assistant, bắt đầu trên thiết bị di động.

Kết quả là hình thành trải nghiệm mới có tên Assistant with Bard, cho thấy Google đang làm cho trợ lý giọng nói hiện tại của mình được cá nhân hóa hơn bằng cách đặt Bard vào bên trong nó.

Người dùng Assistant with Bard có thể mong đợi có được trải nghiệm Bard giống như trên máy tính để bàn, cùng với việc tích hợp ứng dụng như Gmail và Maps, nhưng có thêm đầu vào và đầu ra bằng giọng nói, trên thiết bị di động. Đó là cách làm mới Assistant bằng mô hình ngôn ngữ lớn mới mà Google đã sử dụng để hỗ trợ Bard.

"Dù Assistant hiện tại rất xuất sắc trong việc xử lý các nhiệm vụ nhanh chóng, chúng tôi luôn nghĩ rằng một trợ lý có khả năng mạnh mẽ sẽ có thể làm nhiều công việc hơn. Thế nhưng, chúng tôi thực sự chưa có công nghệ để thực hiện điều đó", Sissie Hsiao, Phó chủ tịch Google, người quản lý chung của Bard và Assistant, nói với trang Insider trong cuộc phỏng vấn trước sự kiện Made by Google của công ty. 

Tại sự kiện Made by Google 2023, công ty sẽ công bố smartphone Pixel 8 và Pixel 8 Pro, đồng hồ thông minh Pixel Watch 2 và hệ điều hành Android 14.

Điều thú vị là Assistant with Bard không còn đặt giọng nói làm chế độ tương tác chính nữa. Thay vào đó, người dùng sẽ thấy ba biểu tượng trên màn hình gồm micro, bàn phím và máy ảnh, biểu thị ba cách để tương tác. Sissie Hsiao cho biết Google kỳ vọng hầu hết mọi người sẽ mặc định sử dụng bàn phím để nhập chữ.

Ba nói: “Bạn có thể sử dụng âm thanh, nhưng thực sự chúng tôi đang loại bỏ giọng nói làm phương thức chính”, đồng thời cho biết có nhiều “hình ảnh phong phú hơn” và khả năng quét thông tin hình ảnh nhanh hơn.

Sẽ có một số tính năng tiện dụng khác. Trên Android, người dùng sẽ có thể khởi chạy Assistant with Bard trong hộp khi đang xem trang web hoặc ứng dụng và hỏi nó về những gì đang thấy.

Google chuẩn bị tung ra phiên bản đầu tiên của Assistant with Bard cho một số người thử nghiệm sớm trong tuần này, nhưng Sissie Hsiao cho biết việc ra mắt bản hoàn chỉnh vẫn còn vài tháng nữa. Nếu người dùng chọn tham gia, Assistant with Bard dự kiến sẽ trở thành trải nghiệm mới khi tương tác với Assistant trên Android hoặc khi sử dụng ứng dụng Google trên iPhone.

Các bản cập nhật cho thấy Google đang xem xét lại Assistant trong thời đại generative AI. Cơn sốt chatbot AI năm nay đã đặt ra câu hỏi về tương lai của các trợ lý giọng nói như Google Assistant, Alexa của Amazon và Siri của Apple, vốn đã trì trệ trong nhiều năm. Satya Nadella, Giám đốc điều hành Microsoft, thậm chí đã gọi chúng là "đần độn như đá" vài tháng trước.

Generative AI là một loại trí tuệ nhân tạo được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu (deep learning) hoặc học máy (machine learning) trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn.

Sissie Hsiao cho biết ngay cả trên thiết bị di động, Google đang tìm cách để Assistant with Bard đọc lại thông tin ngắn gọn hơn. Bà nói: “Nhiều người đang sử dụng các phương thức khác nhau và họ không muốn người ta đọc một bài luận cho mình”.

Sissie Hsiao không cho biết liệu Google có dự định nâng cấp Assistant trên loa thông minh hay không.

Tôi nghĩ chúng tôi vẫn đang khám phá. Còn quá sớm để nói chắc chắn liệu nó có hữu ích hay không”, bà lý giải.

google-nang-cap-ung-dung-tro-ly-giong-noi-bang-cach-hop-nhat-voi-bard.jpg
Sissie Hsiao trên sân khấu tại sự kiện Google I/O 2023 hồi tháng 5 - Ảnh: Getty Images

Tương tự, Amazon và Apple đang nỗ lực xây dựng lại các dịch vụ hỗ trợ của họ bằng mô hình ngôn ngữ lớn. Ngay cả khi những trợ lý này trở nên thông minh hơn nhiều, cách người dùng tương tác với chúng có thể không giống như cách các hãng công nghệ từng hình dung.

Trong chuyến đi châu Âu sau khi bán ra dòng iPhone 15, Giám đốc điều hành Tim Cook nói với BBC News rằng Apple có kế hoạch thuê nhân viên AI của Vương quốc Anh vì công ty muốn tăng cường nghiên cứu AI mang tính sáng tạo. Điều này xảy ra vào thời điểm mà hầu hết hãng công nghệ lớn đang tiến hành sa thải nhân viên để loại bỏ tình trạng dư thừa. Hôm qua (28.9), Epic Games thông báo sẽ cắt giảm 15% lực lượng lao động.

Khi được hỏi về AI và việc làm ở Vương quốc Anh, Tim Cook cho biết: “Đúng vậy, chúng tôi đang tuyển dụng trong lĩnh vực đó, vì vậy tôi thực sự mong đợi đầu tư sẽ tăng lên”.

Dù Apple không đề cập nhiều đến từ AI nhưng công nghệ này đứng sau một số sản phẩm của công ty như camera, Siri, phát hiện cú ngã, phát hiện va chạm...

Nó thực sự có ở khắp mọi nơi trên các sản phẩm của chúng tôi. Tất nhiên, chúng tôi cũng đang nghiên cứu về generative AI nên còn rất nhiều việc phải làm”, Tim Cook nói.

Cuộc phỏng vấn này diễn ra một tháng sau khi Tim Cook nói với Reuters rằng Apple đã làm việc trong lĩnh vực AI trong nhiều năm nay.

Chúng tôi đã thực hiện nghiên cứu trên nhiều loại công nghệ AI, gồm cả generative AI trong nhiều năm. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư, đổi mới và cải tiến các sản phẩm của mình bằng những công nghệ này một cách có trách nhiệm để giúp làm phong phú thêm cuộc sống của mọi người. Rõ ràng là chúng tôi đang đầu tư rất nhiều và nó thể hiện trong khoản chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) mà bạn đang xem xét”, Giám đốc điều hành Apple thổ lộ.

Dù cuối cùng có thể phát hành GPT của riêng mình hoặc tích hợp AI vào các sản phẩm của mình như Final Cut Pro hoặc Xcode, Apple đã sử dụng các thuật ngữ khác để nói về AI, chẳng hạn như học máy và neural engine (nhân xử lý trí AI trên các chip của Apple).

Học máy là một lĩnh vực trong AI tập trung vào việc phát triển các thuật toán và mô hình máy tính có khả năng học hỏi từ dữ liệu và cải thiện hiệu suất của chúng theo thời gian mà không cần lập trình cụ thể. Các hệ thống học máy có khả năng tự động tìm hiểu và áp dụng kiến thức từ dữ liệu để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như phân loại, dự đoán, nhận dạng mẫu và tối ưu hóa quyết định.

Những ứng dụng của học máy rất đa dạng và bao gồm trong lĩnh vực như xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính, xe tự hành, dự đoán thời tiết, quản lý dữ liệu lớn, và nhiều lĩnh vực khác.

Bài liên quan
Những điều cần biết về Google Gemini, mô hình AI có thể đánh bại GPT-4
Google chuẩn bị ra mắt Gemini, câu trả lời cho mô hình ngôn ngữ lớn đình đám GPT-4 của OpenAI.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả vụ nổ lò hơi làm 6 người chết ở Đồng Nai
12 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả vụ nổ lò hơi làm 6 người chết, 5 người bị thương tại Đồng Nai.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Google nâng cấp ứng dụng trợ lý giọng nói bằng cách hợp nhất với Bard