Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, GS TSKH Vũ Minh Giang, nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, việc hành chính hóa các hội dẫn đến quan liêu, làm trầm trọng gánh nặng ngân sách, hoạt động không hiệu quả và tổ chức đó hỏng cả về phương diện chính trị lẫn chức năng của hội.

GS. Vũ Minh Giang: 'Nếu quản lý quá chặt việc lập hội thì phương hại đến quyền tự do của người dân'

Trí Lâm | 14/10/2016, 13:20

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, GS TSKH Vũ Minh Giang, nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, việc hành chính hóa các hội dẫn đến quan liêu, làm trầm trọng gánh nặng ngân sách, hoạt động không hiệu quả và tổ chức đó hỏng cả về phương diện chính trị lẫn chức năng của hội.

Ngân sách chi cho các hội quá lớn

- Ông nghĩ sao về xu hướng hành chính hóa các hội hiện nay?

- Trước hết, hội không phải là một tổ chức hành chính mà là tổ chức tự nguyện của các cá nhân có cùng mục tiêu. Họ thành lập cộng đồng đó để mỗi cá nhân có điều kiện làm tốt hơn mục tiêu của mình. Nếu không có sự tác động của các cơ quan hành chính thì nó không thành hành chính được. Cho nên bất luận trong trường hợp nào mà hành chính hóa các hội đều không đúng với tính chất của hội.

Hành chính hóa các hội sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy và cần phải phản đối điều này. Nó làm trầm trọng thêm gánh nặng ngân sách, tăng biên chế trong điều kiện chúng ta đang tìm mọi cách giảm biên chế, ngân sách khó khăn, nợ công tăng nhanh.

Hành chính dẫn đến quan liêu. Ban bệ đầy đủ, lĩnh lương đều đều mà không đóng góp được gì nhiều, làm việc không đến nơi đến chốn thì hoạt động sẽ không hiệu quả và cũng khó bảo vệ được quyền lợi của hội viên. Tổ chức đó hỏng cả về phương diện chính trị lẫn chức năng của hội. Do đó, phải ngăn chặn, phải tìm cách loại trừ những hội hành chính hóa bởi nó gây phương hại cho cả nhà nước lẫn thành viên của hội.

Tuy nhiên, cũng phải phân biệt rõ hành chính và chính trị, hai điều này khác nhau. Chúng ta có một số tổ chức có tính chất chính trị cao, cần có sự hậu thuẫn của chính quyền nhưng hình thức hoạt động phải như một hội.

Thực tế, trong bất cứ xã hội nào tính chất chính trị luôn chi phối cuộc sống của xã hội ấy. Nếu nói một xã hội phi chính trị là không thực tế, bởi vì chính trị thể hiện ý chí quyền lực của một khuynh hướng nào đó lên xã hội. Trong bối cảnh ấy, có những tổ chức hình thức là tổ chức xã hội nhưng tính chất chính trị khá rõ, từ nội dung hoạt động cho đến mục tiêu hoạt động đều không tách rời chính trị. Những tổ chức này cần phải xem xét như một hội đặc biệt.

- Theo thống kê của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), ngân sách ước tính chi khoảng 14.000 tỉ đồng cho các hội hoạt động, nếu tính cả đất đai, nhà cửa, xe cộ và các tài sản khác, chi phí toàn hệ thống của các tổ chức hội đoàn này hàng năm dao động từ 45.600-68.100 tỉ đồng, tương đương 1-1,7% GDP. Ông nghĩ sao về con số này?

- Con số này là quá lớn. Hiện nay, nhiều hội hoạt động không có tính chất chính trị rõ ràng nhưng vẫn được bao cấpđầy đủ. Nếu những hội không có đóng góp gì nhiều về phương diện chính trị mà Nhà nước vẫn phải bao cấp, hậu thuẫn về điều kiện vật chất như trụ sở, xe công, nhân viên… thì ngân sách phải gánh một khoản rất nặng nề.

Hiện nay cần rà soát lại tất cả các hội trên quy mô cả nước, từ Trung ương đến địa phương để cân nhắc. Trừ những hội đặc biệt thì các hội khác cần phải tự chủ được nguồn tài chính để hoạt động.

- Các hội có thể tìm nguồn tài chính ở đâu,thưa ông? Nhiều ý kiến cho rằng hội viên phải đóng hội phí để hoạt động chứ không thể trông chờ vào nhà nước?

- Có nhiều nguồn tài chính để các hội hoạt động mà không cần phải dùng tiền ngân sách. Hộiviên đóng hội phí cũng là một nguồn nhưng nguồn này không nhiều. Bởi vì đóng hội phí cao quá thì người ta cũng rời hội.

Ví dụ như Hiệp hội Bất động sản, họ không làm kinh tế nhưng họ lại tư vấn cho các doanh nghiệp bất động sản, trong khi các doanh nghiệp này lại rất cần đến trí tuệ của họ. Do vậy, các doanh nghiệp có thể hỗ trợ về tài chính cho sự hoạt động của các hội này. Đây cũng là một hướng làm hiệu quả cho các hội.

Khi mà các hội hoạt động hiệu quả theo khuân khổ của pháp luật thì sẽ kêu gọi được nhiều nguồn tài chính để hoạt động.

Tính minh bạch và giải trình chưa cao

- Về nguồn tài chính, huy động từ nước ngoài cũng là giải pháp hiệu quả. Tuy nhiên, gần đây có ý kiến đề xuất là các hội trong nước không được nhận tiền viện trợ từ nước ngoài để hoạt động. Ý kiến của ông như thế nào?

- Theo tôi không nên khó quản thì cấm. Qua kinh nghiệm của một số nước, các hội nhận tài trợ của nước ngoài nếu không kiểm soát tốt sẽ gây ra một số hệ lụy không đáng có về mặt chính trị. Tuy nhiên, nếu cứ khó quản mà cấm thì không được, phải cân nhắc lại, phải tìm ra giải pháp để vừa kiểm soát tốt những tổ chức chống phá, vừa tạo thuận lợi về tài chính cho các hội nghiêm túc hoạt động.

Đó là chưa nói đến việc nếu ta ngăn cản việc nhận viện trợ của nước ngoài vô hình trung sẽ làm giảm thiểu các nguồn lực của các tổ chức nhân đạo đích thực trên thế giới. Bởi vì hiện nay nhiều tổ chức của chúng ta vẫn nhận tài trợ nước ngoài như Hội người mù, Hội Chữ thập đỏ… Nếu ngăn cấm không cho tiếp nhận những viện trợ thì người ta sẽ nói mình ngăn cản hành động nhân đạo.

Nếu ngăn cản việc nhận viện trợ thì chúng ta cũng sẽ thiệt hại một lượng nguồn lực tài chính lớn, chỉ cần thống kê con số hiện nay ra là biết ngay tổn thất.

- Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng ngân sách cấp cho các hội lớn nhưng vấn đề minh bạch, giải trình ngân sách chưa cao.Xin ông cho biết đánh giá của mình về điều này?

- Chúng ta cần rà soát xem việc cấp ngân sách cho các hội có đúng quy định hay không, phải kiểm soát từ khâu đầu vào, đây là khâu quan trọng nhất. Còn khi ngân sách về các hội thì cũng có kiểm toán thường xuyên nên có thể kiểm soát được vấn đề chi tiêu của họ.

Tuy nhiên, không phải là rà soát chung chung mà cần phải rà soát cụ thể. Ví dụ như việc phải dành ngân sách rất lớn để trả lương cho cán bộ, nhân viên các hội, biên chế ngày càng phình to ra. Đây là điều cần phải làm thì không mấy ai rà soát điều này.

Vấn đề là làm sao cho hiệu quả, đúng pháp luật, chống lãng phí và phải nâng cao trách nhiệm giải trình.

Không quản được thì cấm?

- Luật pháp quy định người dân có quyền lập hội, nhưng hiện nay việc lập hội tương đối khó khăn. Theo ông nên giải quyết vấn đề này như thế nào?

- Theo tôi, nên cởi mở hơn về việc thành lập hội. Quay ngược về quá khứ, chúng ta thấy việc thành lập một doanh nghiệp cũng rất khó khăn, gian nan, không biết bao nhiêu quy trình, thủ tục. Rõ ràng Hiến pháp đã quy định người dân có quyền tự do kinh doanh, chưa làm gì sai trái mà còn phải nhiêu khê đến vậy.

Sau một thời gian dài thì chúng ta đã nhận ra rằng không cẩn phải khó khăn đến thế, nhìn ra thế giới thì họ lập doanh nghiệp rất dễ, cũng chẳng cần đăng ký vốn pháp định thì chúng ta mới thay đổi dần dần, đến nay thì việc thành lập doanh nghiệp đã đơn giản hơn rất nhiều.

Việc lập hội cũng tương tự như vậy, quy định lập hội hiện nay còn rất khó khăn cũng ngầm có ý không muốn các hội phát triển quá nhiều. Tôi nghĩ không cần phải lo lắng về điều đó, nếu các hội hoạt động tốt sẽ thúc đẩy xã hội phát triển.

Mỗi hội đoàn lại có quy ước, ràng buộc với nhau chứ không phải cứ lập một tổ chức ra là để chống phá chính quyền. Còn nếu họ muốn chống phá chính quyền thì người ta cũng chẳng cần đăng ký.

Không bao giờ luật pháp có thể điều chỉnh hết được mọi mặt ở xã hội. Phần còn lại là những quy ước, nội quy của các cộng đồng khác nhau từ gia đình, họ hàng, làng xã, cơ quan…Những quy định này thì không phạm luật và luật thì không thể bao quát hết được những vấn đề này.

Một Nhà nước nào có tham vọng điều tiết được tất cả vấn đề của xã hội chỉ bằng pháp luật là một điều không tưởng. Xã hội đó sẽ tạo bất bình trong nhân dân, gây chống đối và đứng bên bờ diệt vong.

Mục tiêu của xã hội này là dân chủ, tự do, hướng tới những giá trị văn minh, tôn trọng các quyền của nhân dân thì trong những quyền đó có quyền được lập hội. Nếu quản lý quá chặt việc lập hội thì gây ra sự lo lắng thái quá, thậm chí phương hại đến quyền tự do của người dân.

- Xin cảm ơn ông!

Trí Lâm thực hiện
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
GS. Vũ Minh Giang: 'Nếu quản lý quá chặt việc lập hội thì phương hại đến quyền tự do của người dân'