Lãnh đạo TP.Hà Nội đưa ra 3 kịch bản điều hành giảm thiểu thiệt hại, phục hồi kinh tế trong dịch COVID-19. Trong đó, kịch bản xấu nhất là dịch bệnh kéo dài đến hết năm, tăng trưởng cả năm 2020 đạt 5,34%, không đạt kế hoạch đề ra (cả nước dự báo tăng trưởng khoảng từ 4 đến 5%).

Hà Nội đưa ra 3 kịch bản điều hành kinh tế bối cảnh dịch COVID-19

06/04/2020, 11:49

Lãnh đạo TP.Hà Nội đưa ra 3 kịch bản điều hành giảm thiểu thiệt hại, phục hồi kinh tế trong dịch COVID-19. Trong đó, kịch bản xấu nhất là dịch bệnh kéo dài đến hết năm, tăng trưởng cả năm 2020 đạt 5,34%, không đạt kế hoạch đề ra (cả nước dự báo tăng trưởng khoảng từ 4 đến 5%).

TP.Hà Nội đưa ra 3 kịch bản kinh tế - Ảnh: Internet

Tại hội nghị giao ban trực tuyến công tác quý 1/2020 của UBND TP.Hà Nội sáng 6.4, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Mạnh Quyền cho biết quý này tăng trưởng kinh tế của thành phố được duy trì, song hầu hết các chỉ tiêu đạt thấp hơn so với cùng kỳ: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 3,72% (cùng kỳ năm ngoái tăng 6,95%); khách du lịch giảm mạnh; tổng lượng khách du lịch giảm 47,2%...

Tổng vốn đầu tư xã hội đạt hơn 63.000 tỉ đồng, tăng 5,2% (cùng kỳ tăng 10,5%); vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng 2% (cùng kỳ tăng 2,61%), tổng dư nợ tăng 1,8% (cùng kỳ tăng 2,59%). Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 927,4 triệu USD; đầu tư trong nước hơn 7.000 tỉ đồng (8 dự án mới và tăng vốn).

Kết quả trên có phần lớn nguyên nhân do dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng toàn diện đến các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, trật tự; tác động tiêu cực đến các chỉ tiêu và cân đối lớn của TP.Hà Nội.

Các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đều đạt thấp so với cùng kỳ, tạo áp lực lớn trong việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Chỉ số giá có xu hướng tăng cao hơn so với cùng kỳ, nhất là nhóm thực phẩm…

Căn cứ kịch bản tăng trưởng của cả nước, tình hình và kết quả của các ngành, lĩnh vực trong quý 1, Hà Nội đã xác định 3 kịch bản điều hành để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh COVID-19.

Kịch bản 1: Dịch bệnh sớm được kiểm soát, quý 2 lấy lại đà tăng trưởng và quý 3, 4 có sự bứt tốc, tăng trưởng cả năm đạt 7,5%, hoàn thành kế hoạch đề ra.

Kịch bản 2: Dịch bệnh được kiểm soát vào quý 3 nhưng tăng trưởng tiếp tục bị ảnh hưởng, không thể bứt tốc, cả năm đạt 6,42%, không đạt kế hoạch đề ra.

Kịch bản 3: Dịch bệnh kéo dài đến hết năm, tăng trưởng cả năm 2020 đạt 5,34%, không đạt kế hoạch đề ra (cả nước dự báo tăng trưởng khoảng từ 4 đến 5%).

Trên cơ sở đó, UBND TP sẽ ban hành "Kế hoạch hành động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh COVID-19".

Cùng với đó, thành phố cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã để tập trung thực hiện với tinh thần khẩn trương, quyết liệt và đồng bộ, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội năm 2020 và cả giai đoạn 5 năm 2016 đến 2020; nhất là xây dựng các phương án thu chi ngân sách, đảm bảo tính khả thi và đáp ứng chi thường xuyên và an sinh xã hội trong giai đoạn dịch bệnh.

Trong thời gian tới, để triển khai đồng bộ các biện pháp duy trì, phục hồi phát triển kinh tế UBND TP.Hà Nội chỉ đạo các đơn vị hoàn thiện rà soát cụ thể, chi tiết từng dự án đầu tư công, xác định rõ khó khăn, vướng mắc để tập trung tháo gỡ; đẩy nhanh thủ tục, thi công, giải ngân, tạo vốn thực hiện kích thích phát triển kinh tế, xã hội; đôn đốc quyết liệt các công trình trọng điểm; tập trung tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách nhằm đẩy mạnh kích cầu đầu tư.

"Thực hiện cắt giảm ít nhất 5% chi thường xuyên; rà soát cụ thể tình hình tài chính, ngân sách để xây dựng kịch bản điều hành thu, chi ngân sách hiệu quả, kịp thời đáp ứng yêu cầu các nhiệm vụ cấp bách" - Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội cho biết.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, UBND TP yêu cầu các đơn vị phải đơn giản các thủ tục cho vay sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm. Phân bổ và đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn cho vay, giải quyết việc làm phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân và cho vay giải quyết việc làm đối với người nghèo và các đối tượng chính sách.

Đồng thời, cần tập trung sản xuất các sản phẩm có cơ hội phát triển, sản phẩm phục vụ phòng chống dịch bệnh như: Thiết bị bảo vệ sức khỏe, khẩu trang; hóa chất vệ sinh, khử trùng; thiết bị y tế (máy thở, dụng cụ xét nghiệm); dược phẩm…

Thành phố cũng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội; thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng các chính sách cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội. Chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh trên người, nhất là trong thời gian chuyển mùa, tuyệt đối không để xảy ra dịch chồng dịch…

Lam Thanh

Bài liên quan
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
13 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội đưa ra 3 kịch bản điều hành kinh tế bối cảnh dịch COVID-19