Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành và hàng loạt trẻ em ở Bắc Ninh bị nhiễm ấu trùng sán do ăn phải thực phẩm bẩn, thực phẩm chưa được sơ chế đúng cách, Sở GD-ĐT Hà Nội đã liên tục đốc thúc các đoàn đi kiểm tra hàng loạt bếp ăn của các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn.

Hà Nội: Trường học tăng cường giám sát an toàn thực phẩm trong bữa ăn bán trú

Hải Yến | 18/03/2019, 11:02

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành và hàng loạt trẻ em ở Bắc Ninh bị nhiễm ấu trùng sán do ăn phải thực phẩm bẩn, thực phẩm chưa được sơ chế đúng cách, Sở GD-ĐT Hà Nội đã liên tục đốc thúc các đoàn đi kiểm tra hàng loạt bếp ăn của các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn.

Nhiều trường chủ động dừng hẳn thịt lợn hoặc hạn chế ngày ăn

Nhiều trường mầm non, tiểu học cũng cho biết trước tình hình dịch tả lợn đang hoành hành, nhiều phụ huynh đã bày tỏ sự lo lắng khi cho con họ ăn bán trú tại nhà trường. Chính vì thế ngoài việc các trường chủ động giám sát nguồn thực phẩm đưa vào trường để tiếp tục tổ chức cho học sinh ăn bán trú. Có những trường vẫn sử dụng sản phẩm từ thịt lợn, bình thường thực đơn của nhà trường chỉ có 2 bữa/tuần. Tuy nhiên, những tuần đầu sau khi phát dịch, để đảm bảo an toàn cho học sinh và không gây tâm lý hoang mang cho phụ huynh, nhà trường tạm thời ngừng sử dụng thịt lợn và các sản phẩm từ lợn. Theo đó, nhà trường tăng cường các thực phẩm khác thay thế thịt lợn như: Trứng, cá, thịt bò, thịt ngan, thịt gà, lạc, vừng, đậu phụ; rau, củ, quả… để bữa ăn cho các em đảm bảo an toàn và đủ chất dinh dưỡng.

Chia sẻ với phóng viên, người củaTrường mầm non Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) cho biết quan điểm của nhà trường là không “tẩy chay” thịt lợn, bởi lâu nay nhà trường cũng ký hợp đồng với công ty thực phẩm sạch, có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; có dấu kiểm dịch của các cơ quan chức năng. Sau khi dịch “tạm lắng” nhà trường sẽ tiếp tục sử dụng thịt lợn để chế biến món ăn, đảm bảo cân bằng dinh dưỡng cho học sinh. Thời điểm này, nhà trường cử các giáo viên trực tiếp giám sát khi công ty đưa thực phẩm vào nhà trường. Khâu chế biến thức ăn cũng được nhà trường giám sát chặt chẽ. Sau mỗi bữa ăn của học sinh, nhà trường tăng cường giáo viên dọn rửa sạch sẽ khu vực ăn và nhà bếp, bát đũa được khử trùng nước nóng, phơi khô…

Sau khi quận Long Biên phát hiện dịch tả lợn châu Phi, một số trường mầm non cũng ráo riết công tác vệ sinh phòng dịch bệnh. Để đảm bảo an toàn nhất cho các bé, cô Phạm Thị Miên – Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Thủy Tiên (Q.Long Biên) cho biết: Việc kiểm soát thực phẩm vào nhà trường được kiểm tra rất kỹ. Đầu năm học, các công ty thực phẩm sạch nộp hồ sơ đăng ký cho các trường, sau đó, trường xem xét và chọn lựa gửi hồ sơ lên quận để cử người xuống tận nơi kiểm tra, rồimới công bố đơn vị nào được phép cung cấp thực phẩm cho nhà trường. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh đang lan rộng và quận Long Biên cũng đã xuất hiện lợn bị dịch nên nhà trường đã xem xét lại thực đơn cho các con, hạn chế thịt lợn từ 4 bữa/tuần xuống còn 2 bữa/tuần, tăng cường thịt bò, gà, cá trong thực đơn. Cô Miên cũng cho rằng không thể loại bỏ hẳn thịt lợn suốt thời gian dài vì sẽ ảnh hưởng đến các chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ.

Bếp ăn của các trường cũng được quản lý sít sao

Tại Trường tiểu học Kim Ðồng (quận Ba Ðình), lãnh đạo trường cho biết: Nhà trường phối hợp công ty cung cấp bữa ăn cam kết nguồn thịt lợn bảo đảm, an toàn để phục vụ bữa ăn bán trú cho học sinh. Hằng ngày, đại diện phụ huynh của mỗi lớp kiểm tra công tác bán trú vào các thời điểm khác nhau, từ quy trình giao nhận thực phẩm, chế biến, lấy mẫu thức ăn và tổ chức bữa ăn.

Tại Trường mầm non 20-10 (quận Hoàn Kiếm), nhà trường đã thông báo đến toàn thể phụ huynh và cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường về việc hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng thực phẩm từ lợn để chế biến thức ăn cho học sinh, thay vào đó là thực phẩm tôm, cua, cá, thịt bò, thịt gà. Một số trường dừng hẳn việc sử dụng thịt lợn trong bữa ăn học đường.

Trường tiểu học Ðức Giang (huyện Hoài Ðức) khi có thông tin dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại nhiều tỉnh, thành phố, nhà trường đã chủ động tạm dừng món thịt lợn, thay vào các món khác để bảo đảm dinh dưỡng cho học sinh. Trường tiểu học Khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên) ngừng chế biến thịt lợn từ đầu tháng 3 vì phụ huynh yêu cầu.

Tại trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) đã hạn chế việc chế biến thịt lợn từ ngày 12.3, đồng thời nhà trường siết chặt việc kiểm soát nhập thực phẩm cho đến khi hết dịch. Quyết định của nhà trường đã nhận được sự đồng tình của các phụ huynh.

Theo bà Đỗ Thị Vẻ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), khi các ổ dịch xuất hiện tại Hà Nội, nhiều phụ huynh trong trường tỏ ý lo ngại về thực đơn bữa ăn trưa của học sinh. Do đó, bên cạnh việc quyết định tạm thời hạn chế các món ăn được chế biến từ thịt lợn, thay thế bằng một số thực phẩm khác như thịt gà, thịt bò, cá… nhà trường đã tăng cường các biện pháp kiểm soát thực phẩm đầu vào, đặc biệt là thịt lợn, đồng thời mời phụ huynh cùng tham gia qua trình nhập thực phẩm mỗi buổi sáng.

“Chúng tôi không bỏ hẳn các món ăn làm từ thịt lợn mà chỉ hạn chế một phần trong thời gian xảy ra dịch. Đối với các thực phẩm đảm bảo an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ, nhà trường vẫn yên tâm sử dụng trong bữa ăn cho học sinh,” bà Đỗ Thị Vẻ cho biết.

Bà Vương Hương Giang, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hoàn Kiếmcũng cho biếtPhòng đã yêu cầu các trường hạn chế các món ăn được chế biến từ thịt lợn, đồng thời phối hợp với nhà cung cấp thực phẩm tăng cường kiểm soát chặt nguồn thịt lợn, đảm bảo an toàn thực phẩm, rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Không tẩy chay thịt lợn nhưng kiểm soát chặt chẽ bếp ăn trước khi chế biến

Theo Phó giám đốc Sở GD-ĐTHà Nội Phạm Xuân Tiến, việc một số trường không đưa vào thực đơn những món ăn từ thịt lợn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền chăn nuôi của Việt Nam. Đây là vấn đề xã hội lớn chứ không chỉ trong phạm vi trường học. Vì thế, các trường cần tăng cường hơn nữa việc kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, đảm bảo bữa ăn học sinh được an toàn.

“Các cơ sở giáo dục phải tăng cường tự kiểm tra hằng ngày; phát huy vai trò giám sát của Ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc phối hợp tổ chức bữa ăn bán trú, phối hợp giám sát nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm của nhà cung cấp. Cần sử dụng các sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, không được dùng các sản phẩm chưa được nấu chín trong trường học,” ông Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh.

Ông Tiến cũng cho biết các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội có bếp ăn bán trú đều được đầu tư xây dựng theo đúng quy định, có kho bảo quản thực phẩm tủ bảo quản, lưu mẫu thức ăn và dụng cụ chế biến sống, chín riêng biệt... Tất cả các trường đều ký hợp đồng với các cơ sở có tư cách pháp nhân cung cấp thực phẩm, sử dụng nước uống đóng chai.

Theo Chi cục An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội, qua kiểm tra các bếp ăn, căng tin của các trường từ mầm non đến trung học phổ thông năm 2014, có 80% các bếp ăn, căng tin đạt chuẩn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm còn lại 20% chưa đạt.12% các trường chưa xuất trình được hóa đơn nguồn gốc thực phẩm; 7% cơ sở chưa xuất trình giấy kiểm dịch thú y, sản phẩm gia súc, gia cầm. Đối với thực phẩm bao gói sẵn có tới gần 21% bếp ăn tập thể chưa lưu hồ sơ công bố sản phẩm của nhà cung cấp, phiếu kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm.... Nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các nhà trường, ngành giáo dục Hà Nội triển khai nhiều biện pháp như: tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của học sinh, chấn chỉnh hoạt động bán hàng ở căng tin và các bếp ăn bán trú...

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi có nhiều diễn biến phức tạp, UBND TP đã ban hành Công văn số 339/VP-KT giao Sở Công Thương và Cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội, các sở NN-PTNT, Y tế… tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn hành vi buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh lợn, các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc.

Dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn cung của thị trường là rất lớn, và nguy cơ giá thịt lợn tăng là không tránh khỏi. Về vấn đề này lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Sở đã làm việc với nhiều doanh nghiệpcung cấp thịt đề nghị dự trữ nguồn hàng cho thị trường TP.Hà Nội. Đồng thời cũng chủ động chuẩn bị các nguồn hàng khác như gia cầm gà, vịt để thay thế nếu bệnh dịch phát tán trên diện rộng. Đồng thời đề nghị ngành hải quan theo dõi sát diễn biến tình hình nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt lợn, đặc biệt là các quốc gia và vùng lãnh thổ đã phát hiện dịch tả lợn châu Phi, qua đó ngăn chặn thịt lợn nhiễm bệnh nhập lậu vào Việt Nam.

Dạ Thảo
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội: Trường học tăng cường giám sát an toàn thực phẩm trong bữa ăn bán trú