Kịch bản 1, GRDP cả năm của Hà Nội sẽ đạt 5,9% (gấp 1,3 lần kịch bản tăng trưởng của cả nước là từ 4,4 đến 5,2%). Với kịch bản 2, GRDP cả năm của Hà Nội sẽ đạt 5,4% (gấp 1,3 lần kịch bản tăng trưởng của cả nước là từ 3,6 đến 4,4%).
Tại kỳ họp lần thứ 15 HĐND TP khóa 14 diễn ra sáng 6.7, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản đã trình bày báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020.
Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản cho biết, trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, thành phố đã thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phòng chống dịch, vừa duy trì và phát triển KT-XH.
Sau khi giảm sâu nhất vào tháng 4, từ tháng 5, 6, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với tháng trước; sản xuất, kinh doanh từng bước phục hồi. Tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm tăng 3,39% - mức tăng khá cao so với các tỉnh, thành phố và mức chung của cả nước.
Cụ thể, nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,61% (quý 1 giảm 1,17%; quý 2 tăng 3,57%); Công nghiệp - Xây dựng tăng 5,94% (quý 1 tăng 6,06%, quý 2 tăng 5,84%); Dịch vụ tăng 2,59% (quý 1 tăng 3,13%, quý 2 tăng 2,08%); Thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 3,91% (quý 1 tăng 4,31%, quý 2 tăng 3,52%).
Tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm ước đạt 142.013 tỉ đồng, đạt 50,9% dự toán, tăng 9,9% so với cùng kỳ.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, giao thương ngưng trệ; kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 6,75 tỉ USD, giảm 6,7%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 13,71 tỉ USD, giảm 9,2%.
Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 152,1 nghìn tỉ đồng, tăng 5,9%. Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng ước đạt 3.608 nghìn tỉ đồng, tăng 3% so với đầu năm; dư nợ tín dụng 2.172 nghìn tỉ đồng, tăng 2,8% so với đầu năm.
Ông Toản cho biết thành phố cũng đã rà soát, giãn, hoãn hơn 17.500 tỉ đồng tiền thuế cho các doanh nghiệp trên địa bàn, chiếm 45% của cả nước; tổ chức thành công Hội nghị “Hà Nội 2020 - hợp tác và phát triển” (ngày 27.6) ngay sau khi dịch Covid-19 được khống chế và thiết lập “trạng thái bình thường mới”.
Tại hội nghị đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án, với tổng số vốn 405.570 tỉ đồng (tương đương 17,6 tỉ USD) với số vốn tăng thêm 270.458 tỉ đồng. Tổng số dự án, số vốn tăng tương ứng gấp 5 lần và 11 lần so với hội nghị xúc tiến đầu tư 2016. Thành phố cùng các nhà đầu tư cũng đã ký kết 38 biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 28,6 tỉ USD.
Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản cũng chỉ rõ, kinh tế duy trì tăng trưởng, tuy nhiên đạt thấp hơn so với cùng kỳ do tác động của dịch COVID-19, tạo áp lực lớn đối với các cân đối lớn và hoàn thành mục tiêu phát triển KTXH năm 2020; Chỉ số giá được kiểm soát nhưng tiềm ẩn tăng cao ở nhóm hàng thực phẩm. Tỷ lệ giải ngân có chuyển biến so với cùng kỳ nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu.
Các hoạt động văn hóa, xã hội bị dừng trong thời gian dài do thực hiện giãn cách xã hội nhằm phòng, chống dịch COVID-19. Tình hình tội phạm chuyến biến tích cực song vẫn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp....
Nhận định 6 tháng cuối năm sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, thành phố đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng. Với kịch bản 1, GRDP cả năm của Hà Nội sẽ đạt 5,9% (gấp 1,3 lần kịch bản tăng trưởng của cả nước là từ 4,4 đến 5,2%). Với kịch bản 2, GRDP cả năm của Hà Nội sẽ đạt 5,4% (gấp 1,3 lần kịch bản tăng trưởng của cả nước là từ 3,6 đến 4,4%).
Về phục hồi và phát triển kinh tế, ông Toản cho biết thành phố sẽ tích cực và chủ động hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn, đối thoại và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử.
Tháo gỡ về thủ tục cho các nhà đầu tư, chú trọng các dự án lớn để tập trung hoàn thành thủ tục đẩy nhanh tiến độ cấp phép và triển khai thực hiện dự án. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), trọng tâm là các chỉ số giảm hạng, còn thấp như: “Chi phí gia nhập thị trường”, “Cạnh tranh bình đẳng”, “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự”.
Triển khai mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; tăng cường truyền thông, quảng bá, tiếp thị, phát triển các sản phẩm mới về du lịch, về hình ảnh Thành phố Hà Nội thân thiện, an toàn, có trách nhiệm gắn với các kết quả tích cực trong phòng, chống dịch COVID-19.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong công tác thu ngân sách, thực hiện các giải pháp thu ngân sách bền vững; tăng cường đôn đốc thu nợ thuế, tiền thuê đất; đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư; rà soát từng dự án đầu tư công, tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân, tạo vốn thực hiện kích thích phát triển kinh tế - xã hội...
Cũng theo ông Toàn, thành phố sẽ tăng cường chất lượng, hiệu quả quản lý quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo và hoạt động nghiên cứu khoa học. Đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; phát huy vai trò của các cơ quan giám sát trong phòng chống tham nhũng, lãng phí. Đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội...
Lam Thanh