Những ngày qua câu chuyện nên giữ hay bỏ trường chuyên đang thu hút nhiều ý kiến tranh luận, có người cho rằng trường chuyên có những hạn chế nên cần loại bỏ, người khác thì lại cho rằng trường chuyên làm tốt nhiệm vụ đào tạo nhân tài cho đất nước.

Trường chuyên: bất đồng về việc loại bỏ hay không loại bỏ

05/07/2020, 11:29

Những ngày qua câu chuyện nên giữ hay bỏ trường chuyên đang thu hút nhiều ý kiến tranh luận, có người cho rằng trường chuyên có những hạn chế nên cần loại bỏ, người khác thì lại cho rằng trường chuyên làm tốt nhiệm vụ đào tạo nhân tài cho đất nước.

Bộ GD-ĐT khẳng định ngay cả trường THCS Trần Đại Nghĩa và THPT Hà Nội-Amsterdam đều không phải trường chuyên - Ảnh: Thành Chung

Trao đổi với phóng viên, PGS-TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết mô hình trường chuyên đã được thể chế hóa trong các điều luật của nhà nước nên không thể xã hội hóa. Luật Giáo dục đã quy định trường chuyên được thành lập ở cấp THPT dành cho học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập nhằm phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Nhà nước ưu tiên bố trí giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị và ngân sách cho trường chuyên.

Hiện tại các trường chuyên đang sử dụng đội ngũ giáo viên là những người có năng lực trội hơn nên chất lượng giáo dục đại trà trong các trường THPT chuyên cũng đạt được chất lượng cao, từ đó mới nói đến chất lượng giáo dục mũi nhọn. Số lượng học sinh thi quốc tế, quốc gia không nhiều. Học sinh trong trường chuyên học chương trình bình thường, chỉ có những học sinh ở lớp chuyên mới học thêm các chuyên đề chuyên sâu của môn học theo năng khiếu, sở trường.

"Luật Giáo dục đã quy định rất rõ trường chuyên là những trường được thành lập ở cấp THPT dành cho học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập nhằm phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Như vậy, trường THPT chuyên là loại trường THPT không có hệ THCS. Bộ GD-ĐT định nghĩa trường THPT trước hết phải là trường thực hiện chương trình giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT, được đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên tốt, với chương trình học linh hoạt hơn. Nhưng về cơ bản đào tạo ở trường chuyên là dựa trên nền giáo dục đại trà tốt, sau đó mới phát triển giáo dục "mũi nhọn" để các em học sinh phát triển tài năng của mình" - ông Thành khẳng định.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành - Ảnh: Mai Thương

Nhìn nhận ở một khía cạnh khác, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng chúng ta hình thành các trường chuyên trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Khi đó, đất nước còn nhiều khó khăn, nhà nước muốn có trường chuyên để tập trung cho một số học sinh triển vọng về một số môn học và tham gia các kỳ thi quốc tế để giới thiệu hình ảnh Việt Nam với thế giới. Do đó, vai trò của trường chuyên rất quan trọng. Tuy nhiên, giờ đây đất nước đã đến một giai đoạn phát triển khác thì cần có sự thay đổi để phù hợp với thời cuộc hơn.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, cần xem xét lại hệ thống trường chuyên, không nên tổ chức mô hình như hiện nay. Thay vào đó, cần tạo cho các trường đều có điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên được đồng đều. Những giáo viên được cho là giỏi, nòng cốt nên có sự điều động, luân chuyển để xây dựng mặt bằng chung các trường đều tốt. “Nếu vẫn giữ mô hình trường chuyên, cần thay đổi trong việc tuyển chọn học sinh. Tức là ngoài ưu tiên môn chuyên, cần có một tỉ trọng xứng đáng trong đánh giá khả năng ở các môn, lĩnh vực khác để đảm bảo giáo dục toàn diện”, ông Thuyết nhấn mạnh.

Còn GS-TS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng hiện có sự bất bình đẳng trong đầu tư ngân sách khi học sinh trường bình thường được chi ngân sách ít hơn so với học sinh hệ chuyên mỗi năm. "Thực tế đang tồn tại nhiều học sinh được đào tạo tại trường chuyên đã đi du học, ở lại nước ngoài hoặc làm việc cho tư nhân, không phục vụ trong hệ thống công của nhà nước. Điều này là bất cập bởi nguồn lực đầu tư cho trường chuyên là từ ngân sách nhà nước, về lý thì những người được đào tạo ở chuyên phải phục vụ lại cho hệ thống hành chính công của nhà nước" - GS Phạm Tất Dong đưa ra quan điểm.

Thông tin về việc đánh giá hiệu quả hoạt động của các trường chuyên, ngoài việc đầu tư để đạt các giải thưởng quốc gia, quốc tế, ông Nguyễn Xuân Thành khẳng định Bộ GD-ĐT đã triển khai đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020.

“Chúng tôi đang yêu cầu các địa phương báo cáo về quá trình phát triển hệ thống trường chuyên và tổ chức hội nghị tổng kết đề án, dự kiến vào cuối năm 2020. Qua đó, sẽ đánh giá một cách căn bản quá trình phát triển trường chuyên, xác định rõ đến giờ chúng ta đã đạt được những gì để đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của đề án. Cùng đó phát hiện ra những gì còn bất cập so với xu hướng phát triển của giai đoạn mới. Từ đó xác định hướng đi căn bản cho hệ thống trường chuyên trong thời gian tiếp theo” - ông Thành cho hay.

Ông Thành cũng cho biết Bộ GD-ĐT đã giao nhiệm vụ cho Viện Khoa học giáo dục Việt Nam xây dựng một nhóm nghiên cứu, khảo sát bài bản để có được cơ sở khoa học, thực tiễn nhằm đánh giá quá trình phát triển của hệ thống trường chuyên trong 10 năm qua. Tới đây, Bộ sẽ có văn bản yêu cầu các địa phương triển khai công tác đánh giá hoạt động mô hình trường chuyên sớm hơn so với dự định tổng kết đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên 2010-2020.

Dạ Thảo (tổng hợp)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
một giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trường chuyên: bất đồng về việc loại bỏ hay không loại bỏ