Theo Báo cáo “Hiện trạng bụi PM2.5 và Tác động sức khỏe tại Việt Nam năm 2021”, khu vực có nồng độ PM2.5 cao chủ yếu tập trung ở vùng Đồng bằng sông Hồng (trong đó thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận).

Hà Nội và các tỉnh lân cận là khu vực có nồng độ PM2.5 cao

Thu Anh | 15/01/2023, 09:15

Theo Báo cáo “Hiện trạng bụi PM2.5 và Tác động sức khỏe tại Việt Nam năm 2021”, khu vực có nồng độ PM2.5 cao chủ yếu tập trung ở vùng Đồng bằng sông Hồng (trong đó thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận).

Ô nhiễm không khí là một trong những vấn đề sức khỏe môi trường lớn nhất mà các quốc gia đang phải đối mặt. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã có 7 triệu ca tử vong sớm do ô nhiễm không khí cả bên ngoài và trong nhà trên toàn cầu mỗi năm. EPI năm 2022 cho thấy phơi nhiễm với ô nhiễm không khí ở Việt Nam ở mức cao (xếp hạng 130 trên tổng số 180 quốc gia).

Theo Báo cáo “Hiện trạng bụi PM2.5 và Tác động Sức khỏe tại Việt Nam năm 2021” được hoàn thiện vào năm 2022, khu vực có nồng độ PM2.5 cao chủ yếu tập trung ở vùng Đồng bằng sông Hồng (trong đó thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận). Trong năm 2021, chỉ có 6/63 tỉnh thành vượt chuẩn về ô nhiễm PM 2.5 của quốc gia (25 µg/m3).

Tuy nhiên, mức độ phơi nhiễm PM2.5 của người dân tại các tỉnh thành vẫn còn cao hơn so với nồng độ trung bình năm. Hơn nữa, nồng độ trung bình năm của tất cả các tỉnh, thành phố năm 2021 cũng cao hơn so với khuyến nghị của tổ chức Y tế Thế giới WHO năm 2021 (5 µg/m3).

o-nhiem.jpg
Khu vực có nồng độ PM2.5 cao chủ yếu tập trung ở vùng Đồng bằng sông Hồng - Ảnh: Internet

Báo cáo cũng thể hiện phân bố mức độ ô nhiễm PM2.5 tại các vùng miền có sự khác nhau với 76% số tỉnh thuộc miền Bắc dưới ngưỡng quy chuẩn quốc gia, con số này với các tỉnh miền Trung và miền Nam là 100%.

Các giá trị trung bình năm của các quận huyện ở miền Bắc giao động từ 13,1 µg/m3 - 43 µg/m3, đối với với miền Trung các giá trị này dao động từ 11,0 µg/m3 - 23,1 µg/m3 và 11,4 µg/m3 - 21,3 µg/m3 đối với miền Nam.

Mức độ ô nhiễm bụi PM2.5 cũng thể hiện sự phân hóa theo mức độ đô thị hóa. Cụ thể, đối với loại đô thị đặc biệt, số lượng ngày có chất lượng không khí tốt theo dõi được chỉ đạt 64%, trong khi đối với các đô thị còn lại thì tỷ lệ số ngày đạt chất lượng không khí tốt giao động từ 79 - 85%.

Phần trăm số ngày có chất lượng không khí kém và xấu của loại đô thị đặc biệt cũng cao hơn so với các loại đô thị còn lại. Hai đô thị đặc biệt là thủ đô Hà Nội và TP.HCM là những tâm điểm về ô nhiễm không khí ở hai miền Bắc và Nam. Đối với Hà Nội, nồng độ PM 2.5 trung bình năm của 100% các quận huyện ở đây đều vượt ngưỡng quy chuẩn quốc gia, với tỷ lệ số ngày có chất lượng không khí tốt đạt khoảng 42,2%, chất lượng trung bình chiếm khoảng 39,7%.

Đối với TP.HCM, báo cáo thể hiện mặc dù 100% quận huyện đều dưới ngưỡng quy chuẩn quốc gia về nồng độ PM2.5 trung bình năm, tuy nhiên các giá trị này vẫn lớn hơn so với mức khuyến nghị của WHO 2021. Chất lượng không khí theo ngày của thành phố hầu hết đạt mức tốt với 87,1% số ngày trong năm, mức trung bình chỉ đạt 11,9%.

Ngoài Hà Nội và TP.HCM, nhóm nghiên cứu cũng xem xét thực trạng của một số tỉnh thành khác, bao gồm Bắc Ninh, Thái Bình, Nghệ An. Theo nhóm nghiên cứu, bên cạnh Hà Nội, Bắc Ninh và Thái Bình cũng là các tỉnh thuộc phía Bắc được đặc trưng bởi các khu công nghiệp và hoạt động nông nghiệp ở cả hai tỉnh.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng trong năm 2021, 100% số quận, huyện của tỉnh Bắc Ninh đều vượt chuẩn quốc gia về ô nhiễm bụi PM 2.5 trung bình năm, với số ngày có chất lượng không khí tốt chỉ đạt 49,7%. Trong khi đó, số quận, huyện dưới ngưỡng quy chuẩn quốc gia của tỉnh Thái Bình là 62,5%, số ngày đạt chất lượng không khí tốt của tỉnh là 69,3%.

Nghệ An là tỉnh nằm ở miền Trung được bao phủ bởi một diện tích lớn rừng tự nhiên và cũng thường xuyên xảy ra cháy rừng nhiều nhất cả nước. Tại đây trong năm 2021, 100% các quận huyện đều dưới ngưỡng quy chuẩn quốc gia nhưng vẫn cao hơn mức khuyến nghị WHO; tỷ lệ số ngày đạt chất lượng không khí tốt của tỉnh đạt 89%.

Theo các nhà nghiên cứu, tất cả các tỉnh thành phố được phân tích đều có nồng độ bụi PM2.5 thể hiện sự thay đổi theo mùa, cụ thể có giá trị thấp vào các tháng mùa hè (hoặc mùa mưa), và có giá trị cao vào các tháng mùa đông (hoặc mùa khô).

       Báo cáo được thực hiện bởi các nhóm nghiên cứu Địa Tin học tại Trường đại học Công nghệ, Đại Học Quốc gia Hà Nội, Trường đại học Y tế Công cộng (HUPH) phối hợp với nhóm Khoa học Công dân – Môi trường tại Trung tâm Sống và học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn).

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Cải thiện Giám sát và Quản lý Ô nhiễm không khí ở Việt Nam sử dụng Quan trắc PM2.5 bằng vệ tinh”, được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) thông qua chương trình LASER PULSE.

Báo cáo “Hiện trạng bụi PM2.5 và Tác động Sức khỏe tại Việt Nam năm 2021” sử dụng dữ liệu PM2.5 từ mô hình học máy thống kê trên dữ liệu đa nguồn, để đưa ra bức tranh ô nhiễm không khí do bụi PM2.5 ở Việt Nam và lợi ích sức khỏe nếu ô nhiễm bụi PM2.5 được kiểm soát.

Báo cáo bao gồm các phân tích về Hiện trạng bụi PM2.5 và lợi ích sức khỏe tại các tỉnh trên toàn quốc, cùng với phân tích chuyên sâu đến cấp quận/huyện cho một số tỉnh/thành phố.

Bài liên quan
Triển khai nhiều giải pháp cải thiện chất lượng không khí tại Hà Nội
Chương trình Loại bỏ than tổ ong tại cộng đồng, xử lý và kiểm soát đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng… là những giải pháp đã được triển khai nhằm cải thiện chất lượng không khí tại Hà Nội trong thời gian qua.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng gặp mặt tri ân những người làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Sáng 17.4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự cuộc gặp mặt với các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội và các tỉnh lân cận là khu vực có nồng độ PM2.5 cao