Hai thượng nghị sĩ hàng đầu hy vọng TikTok sẽ tiếp tục hoạt động kinh doanh ở Mỹ dưới thời chủ sở hữu mới khi Thượng viện chuẩn bị bỏ phiếu về dự luật yêu cầu ByteDance (tập đoàn Trung Quốc sở hữu TikTok) phải thoái vốn khỏi ứng dụng video ngắn phổ biến này ở Mỹ.
Mark Warner, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện và là đảng viên đảng Dân chủ, cho biết các nhà làm luật nhận ra rằng ứng dụng TikTok được 170 triệu người Mỹ sử dụng, đặc biệt là giới trẻ.
“Với những người Mỹ trẻ tuổi đó, tôi muốn nói rằng chúng tôi lắng nghe mối quan ngại từ các bạn và hy vọng rằng TikTok sẽ tiếp tục hoạt động dưới quyền sở hữu mới của Mỹ hoặc nơi khác như Anh, Canada, Brazil, Pháp. Chỉ cần nó không còn bị kiểm soát bởi đối thủ của Mỹ", Mark Warner nói.
Do lo ngại chính phủ Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu của người Mỹ hoặc giám sát họ bằng ứng dụng này, Hạ viện đã thông qua dự luật lưỡng đảng hôm 20.4, yêu cầu ByteDance có 9 tháng để thoái vốn khỏi TikTok ở Mỹ và có thể gia hạn thêm 3 tháng.
Việc đưa TikTok vào gói viện trợ nước ngoài rộng lớn hơn có thể đẩy nhanh tiến độ cho lệnh cấm tiềm năng, sau khi một dự luật riêng biệt trước đó bị đình trệ tại Thượng viện. Gói viện trợ nước ngoài thường được sử dụng để tài trợ cho các nỗ lực an ninh quốc gia, nên việc đưa TikTok vào gói này có thể ngầm ám chỉ rằng ứng dụng này là mối đe dọa an ninh.
Theo dự luật mới, Apple App Store, Google Play Store và các cửa hàng ứng dụng khác ở Mỹ sẽ không được cung cấp TikTok hoặc dịch vụ lưu trữ web cho các ứng dụng do ByteDance kiểm soát sau khi thời hạn thoái vốn đã qua.
Nếu dự luật mới được Thượng viện thông qua, Tổng thống Joe Biden cho biết sẽ ký thành luật. TikTok tuyên bố sẽ thách thức lệnh này tại tòa án.
Cho biết chưa và sẽ không chia sẻ dữ liệu người dùng Mỹ với chính phủ Trung Quốc, TikTok đã lập luận rằng dự luật mới này sẽ vi phạm quyền tự do ngôn luận theo Tu chính án thứ nhất thuộc Hiến pháp Mỹ với 170 triệu người dùng ứng dụng của họ ở nước này.
Tu chính án thứ nhất là một trong những điều khoản quan trọng nhất của Hiến pháp Mỹ. Nó bảo vệ các quyền tự do cơ bản thiết yếu cho một xã hội dân chủ. Tu chính án này đã được sử dụng để bảo vệ nhiều loại hình ngôn luận, gồm cả bài phát biểu chính trị, báo chí tự do và biểu tình.
Theo hãng tin Reuters, TikTok đã thông báo với các nhân viên vào cuối tuần qua rằng: “Ngay sau khi ông Biden ký thành luật, chúng tôi sẽ chuyển đến tòa án để khiếu kiện pháp lý. Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh vì dự luật này rõ ràng đã vi phạm Tu chính án thứ nhất”.
Maria Cantwell, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Thượng viện, nói Quốc hội Mỹ không hành động để trừng phạt ByteDance hay TikTok mà “để ngăn chặn các đối thủ nước ngoài tiến hành hoạt động gián điệp, giám sát, thực hiện các hành động ác ý, gây tổn hại cho những người Mỹ dễ bị tổn thương”.
Bà cho biết khung thời gian (9 tháng) được đưa ra là hợp lý. "Yêu cầu người Trung Quốc thoái vốn khỏi các công ty ở Mỹ không phải là một khái niệm mới. Chúng tôi đang cho người ta một lựa chọn ở đây để cải thiện nền tảng này", Maria Cantwell nói.
Thế nhưng, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Ed Markey cho rằng ByteDance khó có thể thực hiện việc thoái vốn mà vẫn duy trì ứng dụng TikTok cho người dùng Mỹ. Ông nói: “Chúng ta cần phải hiểu rõ về kết quả có thể xảy ra của luật này. Đây thực sự chỉ là một lệnh cấm TikTok. Kiểm duyệt không phải là bản sắc của chúng ta như một dân tộc. Chúng ta không nên làm giảm nhẹ hoặc phủ nhận các hậu quả của việc thực hiện những biện pháp này".
Hôm 22.4, Nhà Trắng thông báo: “Điều chúng tôi mong muốn và điều luật mà chúng tôi ủng hộ sẽ thực hiện là đảm bảo TikTok thuộc sở hữu của một công ty Mỹ để dữ liệu cá nhân nhạy cảm của chúng tôi được lưu trữ ở đây thay vì chuyển đến Trung Quốc. Ngoài ra, điều này còn giúp cho sự hiểu biết và quan điểm của người Mỹ không bị thao túng bởi các thuật toán có khả năng nằm trong sự kiểm soát của chính phủ Trung Quốc”.
Cùng ngày, ông Donald Trump cho biết Tổng thống Biden đang thúc đẩy lệnh cấm TikTok và sẽ là người chịu trách nhiệm nếu lệnh này được áp dụng, đồng thời kêu gọi cử tri trẻ tuổi chú ý.
Ông Trump, ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa, viết trong một bài đăng trên nền tảng Truth Social của mình: “Biden sẽ chịu trách nhiệm về lệnh cấm TikTok. Ông ấy là người thúc đẩy việc đó và làm điều này để giúp bạn bè của ông ở Facebook trở nên giàu có hơn và chiếm ưu thế hơn”.
Cựu Tổng thống Mỹ sau đó kêu gọi các cử tri trẻ tuổi, chiếm một phần đáng kể trong cơ sở người dùng TikTok, xem xét quan điểm của ông Biden trong ngày bầu cử. Tuy nhiên khi còn là Tổng thống Mỹ vào năm 2020, chính ông Trump đã tìm cách cấm TikTok và WeChat do Trung Quốc sở hữu vì lo ngại an ninh quốc gia nhưng bị tòa án ngăn chặn.
Hồi tháng 3, ông Trump lập luận rằng việc cấm TikTok sẽ làm cho Facebook của Meta Platforms trở nên lớn mạnh hơn. Ông Trump trước đây chỉ trích mạnh mẽ Meta Platforms vì bị chặn tài khoản Facebook và Instagram. Trước đó, Meta Platforms còn xóa hai bài đăng của ông Trump sau cuộc bạo loạn ở Điện Capitol Mỹ vào ngày 6.1.2021 khiến 5 người thiệt mạng. Tài khoản Facebook và Instagram của cựu Tổng thống Mỹ được Meta Platforms khôi phục vào tháng 2.2023.
“Tôi không muốn làm cho Facebook trở nên to lớn gấp đôi. Nếu bạn cấm TikTok thì Facebook và những công ty khác, nhưng chủ yếu là Facebook, sẽ được hưởng lợi lớn. Và tôi nghĩ Facebook đã rất không trung thực”, ông Trump nói với kênh CNBC hôm 11.3.
Cựu Tổng thống Mỹ cho biết lệnh cấm TikTok có thể ảnh hưởng đến trẻ nhỏ. Ông nói: “Có rất nhiều trẻ nhỏ trên TikTok sẽ phát điên nếu không có nó. Có rất nhiều điều tốt và cũng có rất nhiều điều xấu về TikTok”.
Trước đó, ông Trump xác nhận đã gặp Jeff Yass, nhà đầu tư sở hữu công ty Susquehanna International Group có cổ phần tại ByteDance. Thế nhưng, cựu Tổng thống Mỹ cho biết họ không nói về TikTok.
Vào tháng 2, chiến dịch tái tranh cử Tổng thống Mỹ của ông Biden đã tham gia TikTok. Chiến dịch tranh cử của ông Trump thì chưa làm vậy.
Liên minh Tự do Dân sự Mỹ đã phản đối dự luật mới của Hạ viện vì lý do hạn chế quyền tự do ngôn luận. Hồi tháng 2, TikTok đã chỉ trích dự luật ban đầu của Hạ viện, nói rằng nó sẽ "kiểm duyệt hàng triệu người Mỹ".
Hạ viện từng bỏ phiếu để thông qua dự luật ban đầu vào ngày 13.3, yêu cầu ByteDance thoái vốn khỏi TikTok ở Mỹ trong khoảng 6 tháng hoặc ứng dụng chia sẻ video ngắn này phải đối mặt với lệnh cấm. Thế nhưng, dự luật ban đầu đã bị đình trệ tại Thượng viện.
Công ty Trung Quốc cũng lập luận tương tự rằng lệnh cấm của bang Montana với TikTok vào năm ngoái là vi phạm Tu chính án thứ nhất.
Một số đảng viên đảng Dân chủ cũng nêu lên mối lo ngại về quyền tự do ngôn luận về lệnh cấm và thay vào đó đề xuất luật bảo mật dữ liệu mạnh mẽ hơn.
Hôm 21.4, nghị sĩ đảng Dân chủ Ro Khanna nói với trang ABC News rằng ông cảm thấy lệnh cấm TikTok có thể không vượt qua được sự giám sát pháp lý tại các tòa án, viện dẫn quyền tự do ngôn luận được Hiến pháp bảo vệ.
TikTok là chủ đề trò chuyện trong một cuộc điện đàm giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi đầu tháng 4. Ông Biden nêu lên mối lo ngại về quyền sở hữu ứng dụng này.
Ngay từ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã nhiều lần đe dọa sẽ cấm TikTok, nhưng đến nay vẫn chưa có lệnh cấm chính thức nào được đưa ra.
Đầu tháng 3.2023, chính quyền Biden đã yêu cầu các cơ quan chính phủ phải xóa TikTok khỏi các thiết bị liên bang vì lo ngại vấn đề bảo mật dữ liệu. Lệnh cấm này chỉ áp dụng với các thiết bị của chính phủ Mỹ.
Cả Cục Điều tra liên bang (FBI) lẫn Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ hơn một lần cảnh báo việc chính phủ Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu người dùng TikTok tại Mỹ.