Ngày 21.9, Chính phủ Hàn Quốc đã nối lại viện trợ nhân đạo cho CHDCND Triều Tiên, để giúp trẻ con và phụ nữ mang thai, nhưng không quyết thời hạn quyết định thực hiện gói viện trợ 8 triệu USD.
Sau lần Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần thứ tư hồi đầu năm 2016, Seoul đã ngưng viện trợ cho Triều Tiên. Nhưng Tổng thống Moon Jae-in khẳng định vấn đề viện trợ nhân đạo phải tách bạch khỏi tình hình chính trị.
Sau một cuộc họp giữa các bộ với các chuyên viên dân sự, chính phủ Hàn Quốc sẽ chuyển 4,5 triệu USD đến một dự án của Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ, để giúp trẻ em và phụ nữ có thai. 3,5 triệu USD còn lại thì chuyển cho Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF).
Toàn bộ số tiền này dùng để mua thuốc men và thức ăn bổ dưỡng cho trẻ con bị suy dinh dưỡng và phụ nữ mang thai, theo Bộ Thống nhất liên Triều, nơi khẳng định sự hỗ trợ này không gồm tiền mặt, Triều Tiên“thực tế không có khả năng” dùng nó vào hoạt động quân sự.Bộ cũng cho biết chính phủ sẽ quyết thời điểm cung cấp gói viện trợ, sau khi xem xét tình hình quan hệ liên Triều.
Theo LHQ, trong 25 triệu dân Triều Tiên thì 18 triệu người bị thiếu ăn, và tỉ lệ trẻ chết non cùng tỉ lệ phụ nữ mang thai tử vong rất cao.
Tuy nhiên, quyết định trên kích hoạt những tranh luận chính trị nóng bỏng, vì nhiều người dân Hàn Quốc cho rằng sự nối lại viện trợ này sẽ làm chệch những nỗ lực tăng cường trừng phạt Bình Nhưỡng nhằm buộc Triều Tiên phải từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân (VKHN) và tên lửa.
Nghị sĩ Son Kum-ju của đảng Nhân dân (đối lập) nói với báo Washington Times: Quyết định nối lại viện trợ không đúng thời điểm, có nguy cơ phát đi những tín hiệu lẫn lộn với cộng đồng quốc tế đang cố gắng kềm cương Bình Nhưỡng.
Ông cũng nói Tổng thống Moon đi Mỹ (dự Đại hội đồng LHQ) cũng nhằm vận động quốc tế điều phối chống tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng: “Nếu chính phủ tự mâu thuẫn và nhảy theo nhịp nhạc khác, họ sẽ không thể có được sự chấp thuận của nhân dân Hàn Quốc, chưa nói các nước khác”.
Lần gần đây nhất Hàn Quốcviện trợ nhân đạo cho Triều Tiên là hồi tháng 12.2015, giao 800.000 USD cho Quỹ Dân số LHQ để đánh giá điều kiện sức khỏe của dân Triều Tiên.
Một tháng sau, Bình Nhưỡng thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ tư, rồi thêm 2 lần thử nữa, cùng phóng thử những tên lửa gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) được cho là có thể tấn công lãnh thổ Mỹ. Vài tuần qua, Bình Nhưỡng còn phóng những tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) qua không phận Nhật Bản.
Theo báo New York Times (NYT), Hàn-Nhật-Mỹ đều bất đồng về kế hoạch viện trợ nhân đạo của Seoul.
Sau lần Triều Tiên thử quả IRBM ngày 15.9, Tổng thống Moon nói chuyện điện thoại với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, và hai ông cùng lên án hành vi của Triều Tiên, hứa sẽ cùng vận động quốc tế tăng cường trừng phạt Triều Tiên.
Nhưng theo văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, ông Abe đã đề nghị ông Moon suy nghĩ kỹ thời điểm thực hiện cuộc viện trợ. Chánh văn phòng Thủ tướng Nhật, ông Yoshihide Suga cũng nói cấp viện trợ cho Triều Tiên sẽ tác động xấu đến nỗ lực quốc tế gây sức ép với Bình Nhưỡng.
Theo NYT, quan hệ Hàn - Nhật thường căng thẳng, gồm chuyện tranh chấp về lịch sử Nhật đô hộ bán đảo Triều Tiên. Nhưng vì Mỹ yêu cầu, hai nước hợp tác xử lý mối đe dọa quân sự của Triều Tiên, và gần đây Hàn - Nhật ký thỏa thuận chia sẻ tin tình báo.
Dù vậy, chủ trương đối thoại với Triều Tiên của Tổng thống Moon vẫn khác với quan điểm cứng rắn với Bình Nhưỡng của vị Thủ tướng Nhật bảo thủ, theo NYT.
Sau khi Triều Tiên tăng cường thử hạt nhân và tên lửa trong vài tháng qua, ông Moon cùng ông Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump đều ủng hộ tăng cường cấm vận Bình Nhưỡng. Nhưng ông Moon cũng nhấn mạnh cuộc khủng hoảng phải được giải quyết thông qua đàm phán.
Ngày 20.9, Thủ tướng Abe khẳng định trước cử tọa Đại hội đồng LHQ (UNGA): “Không còn thời gian đối thoại với Triều Tiên”, và ông nói Nhật ủng hộ lập trường của Tổng thống Mỹ: Cách duy nhất để bảo vệ Mỹ và đồng minh là “hủy diệt Triều Tiên hoàn toàn”.
Thủ tướng Abe còn đề nghị quốc tế thực thi nghiêm các lệnh trừng phạt của LHQ với chính quyền Triều Tiên. Loạt trừng phạt mới gồm lệnh cấm xuất khẩu hàng dệt may của Triều Tiên và ngừng cấp phép cho các lao động Triều Tiên tại nước ngoài.
Ông Trump cũng thường bày tỏ sự nghi ngờ chủ trương làm thân với Triều Tiên của lãnh đạo Hàn Quốc. Ngày 30.8, ông nói “Nói chuyện không phải là đáp án” trong việc đối phó với Triều Tiên. Sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần sáu ngày 3.9, ông chỉ trích Hàn Quốc "dễ dãi” với Triều Tiên.
Bích Ngọc (theo Washington Times)