Ngày 19.9, nữ đặc khu trưởng Hồng Kông ra lệnh: chấm dứt ngay việc bàn chuyện Hồng Kông độc lập, đồng thời cảnh báo chuyện này gây hại cho quan hệ giữa Hồng Kông với lãnh đạo Trung Quốc.
Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga nhấn mạnh: chính quyền không muốn can thiệp vào một hoạt động của các ký túc xá đại học, đó là treo khẩu hiệu kêu gọi Hồng Kông độc lập. Bà Lâm là người do Bắc Kinh chọn làm lãnh đạo thành phố này, nói đó là một chiến dịch vận động “có tổ chức, có hệ thống”, chứ không chỉ là một vấn đề tự do ngôn luận.
Bà nói: “Rõ ràng đó là sự tấn công vào công thức “Một quốc gia, hai chế độ”, và đang phá hoại quan hệ giữa Bắc Kinh với Hồng Kông. Hoạt động này không có lợi cho sự phát triển của Hồng Kông và phải chấm dứt ngay”.
Bà Lâm còn nói việc kêu gọi độc lập là vi phạm Luật Cơ bản, một tài liệu hiến pháp cho phép Hồng Kông có quyền lập quốc hội và tự do ngôn luận, và quyền tự do xuống đường biểu tình.
Các quyền này bảo đảm Hồng Kông được tự do trong ít nhất 50 năm tính từ năm 1997, và được thụ hưởng chính sách “Một quốc gia, hai chế độ” mà Bắc Kinh đã thỏa thuận với Anh, để Anh trả xứ nhượng địa này cho Trung Quốc vào ngày 1.7.1997.
Trung-Anh còn từng có Bản tuyên bố chung 1984, mang nội dung Trung Quốc cho Hồng Kông hưởng quyền tự do, tự chủ vốn không có ở Hoa lục, bảo đảm sự tự do và lối sống không thay đổi cho đến tận năm 2047.
Văn bản này là cơ sở để Anh đồng ý trả Hồng Kông cho Trung Quốc. Nhưng cuối tháng 6.2017, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chính thức bác bỏ Tuyên bố chung. Người phát ngôn Lục Khảng nói “Tuyên bố chung chỉ là một tài liệu lịch sử, không còn ý nghĩa thực tiễn và không hoàn toàn bắt buộc đối với cách chính quyền trung ương quản lý Hồng Kông”.
Người ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông nói Trung Quốc “vứt thùng rác” Tuyên bố chung 1984, và nói Trung Quốc đang từ bỏ chính sách “Một quốc gia, hai chế độ”, can thiệp sâu vào việc điều hành thành phố này.
Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga trả lời báo chí
Theo Reuters, một số chuyên gia pháp lý cảnh báo: một chiến dịch đòi độc lập kéo dài có thể vi phạm luật chống nổi loạn.
Hồi đầu tháng 7, khi đến Hồng Kông dự lễ kỷ niệm 20 năm ngày Anh trả nhượng địa cho Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh cáo “Hồng Kông chớ trở thành địa bàn thách thức chính quyền”.
Các lãnh đạo Trung Quốc đã cảnh cáo: bàn chuyện độc lập là “một lằn ranh đỏ chớ nên vượt qua”, nhắc lại Hồng Kông mãi là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.
Tuy nhiên, các cuộc tranh luận về độc lập vẫn diễn ra, sau những cuộc biểu tình của giới sinh viên thử nghiệm quyền tự do ngôn luận của Hồng Kông.
Vài ngày qua, một số sinh viên treo biểu ngữ đòi độc lập trên “các bức tường dân chủ” ở các ký túc xá đại học, khiến giới sinh viên Hoa lục tức giận và phản đối.
Giới truyền thông nhà nước Trung Quốc phê phán, trong khi hiệu trưởng các trường đại học ra tuyên bố chung, lên án “sự lạm dụng quyền tự do ngôn luận”. Họ nói các trường của họ không ủng hộ Hồng Kông độc lập.
Bà Đặc khu trưởng tin tưởng ban giám hiệu các trường có thể giải quyết vấn đề, không cần chính quyền phải ra tay.
Khi được hỏi về lời cảnh cáo của bà Lâm, ông Chris Patten, vị toàn quyền Anh cuối cùng từng khóc trong ngày trả Hồng Kông về Trung Quốc, cho rằng chính quyền nên đối thoại với giới trẻ, dù ông cảm thấy họ nên thôi đòi độc lập.
Ông nói: “Sẽ là không khôn ngoan nếu nghĩ chỉ việc tuyên bố dẹp, và tôi không nghĩ bà Lâm gợi ý nhốt giới sinh viên là những người chẳng biết sợ là gì. Họ là tương lai, nên người ta cần thuyết phục họ sai ở điểm nào. Nhưng dĩ nhiên, bà Lam nói chính xác là chớ nên khiêu khích giới truyền thông và chính quyền Bắc Kinh”.
Bích Ngọc (theo Reuters)