Các doanh nghiệp hàng không Việt Nam đã lần lượt công bố "sức khỏe" tài chính năm 2021 với nhiều điểm đáng chú ý.

Hàng không Việt: Nơi báo lãi trăm tỉ, chỗ báo lỗ cả nghìn tỉ đồng

Bài và Ảnh: Tuyết Nhung | 04/04/2022, 08:29

Các doanh nghiệp hàng không Việt Nam đã lần lượt công bố "sức khỏe" tài chính năm 2021 với nhiều điểm đáng chú ý.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa công bố bức tranh kinh doanh quý 4 và cả năm 2021. Theo đó, doanh thu quý 4 của hãng đạt hơn 9.200 tỉ đồng, tăng hơn 1.000 tỉ so với cùng kỳ năm 2020, luỹ kế cả năm doanh thu đạt 28.093 tỉ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước. Còn lợi nhuận sau thuế quý 4/2021 lỗ 1.184 tỉ đồng. Vì vậy, cả năm doanh nghiệp lỗ 13.337 tỉ đồng.

Kết quả trên đã khiến mức lỗ lũy kế dâng lên hơn 21.970 tỉ đồng (hơn 960 triệu USD), ăn mòn vốn chủ sở hữu của hãng. Cụ thể, vào thời điểm cuối năm 2021, tổng vốn chủ sở hữu chỉ còn hơn 507 tỉ đồng, trong khi hồi đầu năm vẫn còn trên mốc 6.110 tỉ đồng.

Tại thời điểm 31.12.2021, tổng tài sản của Vietnam Airlines đạt hơn 63.000 tỉ đồng, nợ ngắn hạn 14.374 tỉ đồng, tăng hơn 3.000 tỉ so với đầu năm, vay dài hạn 20.424 tỉ đồng, giảm hơn 2.400 tỉ so với đầu năm 2021.

Hiện dịch bệnh được kiểm soát tích cực tại nhiều quốc gia, Vietnam Airlines đã lên kế hoạch nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ giữa Việt Nam và 15 vùng lãnh thổ trong nửa đầu năm 2022. Việc mở cửa các đường bay thường lệ quốc tế dự kiến mang lại cơ hội phục hồi đáng kể cho Vietnam Airlines sau 2 năm dịch bệnh.

Không chỉ Vietnam Airlines, nhìn vào bức tranh tài chính được Công ty Cổ phần hàng không Vietjet - Vietjet Air (VJC) công bố mới đây cũng thấy sự ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đến tình hình hoạt động của các hãng hàng không. Tuy nhiên, hãng bay này vẫn còn những tín hiệu khả quan trong hoạt động kinh doanh.

b4a12830-0fe1-4603-9158-61d62a3378e3.jpeg

Đơn vị này cho biết, năm 2021 đạt lợi nhuận sau thuế hợp nhất 100 tỉ đồng, có lãi và tăng hơn so với năm 2020. Trong quý 4/2021, doanh thu từ vận tải hàng không của Vietjet đạt 2.789 tỉ đồng, giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tính chung cả năm 2021, Vietjet đạt doanh thu hợp nhất là 12.998 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 100 tỉ đồng, tăng 46% so với năm 2020.

Đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa, Vietjet đạt doanh thu 2.954 tỉ đồng, tăng trên 200% so với cùng kỳ. Tính đến ngày 31.12.2021, tổng tài sản của Vietjet đạt gần 51.785 tỉ đồng.

Đại diện Vietjet cho biết: "Mặc dù tiếp tục chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 trong năm 2021, nhưng ngành hàng không bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu phục hồi từ cuối năm nhờ vào chương trình tiêm chủng được triển khai rộng rãi trên toàn quốc cùng với các quy định phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện nghiêm ngặt".

Để có được kết quả kinh doanh trên, trong năm, doanh nghiệp cũng phải tối ưu chi phí hoạt động theo giờ bay, giảm phí thuê tàu, đồng thời nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ cho ngành hàng không, giảm 50% chi phí hạ cất cánh, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường nhiên liệu bay đến hết năm 2022, giảm chi phí cảng và phục vụ mặt đất, các hãng chỉ trả theo mức tối thiểu

Trong khi đó, Bamboo Airways lần đầu tiên công bố báo cáo tài chính vào giữa năm 2021 cũng cho thấy kết quả kinh doanh không mấy khả quan. Năm 2020, Bamboo Airways ghi nhận doanh thu 175 triệu USD (khoảng 4.023 tỉ đồng), tăng 16% so với cùng kỳ 2019. Do kinh doanh dưới giá vốn, hãng ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh ở mức âm 156 triệu USD.

Mới đây, liên quan đến việc ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, hãng cũng đã tiết lộ về vốn chủ sở hữu. Theo giấy phép kinh doanh vận chuyển số 01/2021 do Bộ GTVT cấp ngày 3.2.2021, người đại diện theo pháp luật của Bamboo Airways là ông Đặng Tất Thắng, Tổng giám đốc. Vốn điều lệ 7.000 tỉ đồng. Trong đó, FLC góp hơn 3.586 tỉ đồng, tương đương 51,24%. Ông Trịnh Văn Quyết nắm 30,34% vốn FLC, tương đương 1.088 tỉ đồng.

Ông Trịnh Văn Quyết, góp hơn 2.802 tỉ đồng, tương đương 40,03%. Các cổ đông khác góp hơn 610 tỉ đồng, tương đương 8,73%. Như vậy, tổng vốn góp của ông Quyết khoảng 3.890 tỉ đồng, tương đương 55,58% vốn Bamboo Airways. Phần vốn góp của cổ đông khác là 3.110 tỉ đồng (44,42%).

Theo báo cáo tài chính năm 2020 đã được kiểm toán, đến ngày 1.1.2020, vốn chủ sở hữu của Bamboo Airways là 4.300 tỉ đồng; Đến 31.12.2020 là 7.564 tỉ đồng. Theo báo cáo tài chính năm 2021 chưa được kiểm toán, tính đến 31.12.2021, con số này đã tăng lên thành 16.760 tỉ đồng.

Theo đánh giá của Cục Hàng không , vốn chủ sở hữu hiện tại của Bamboo Airways nói chung và trong trường hợp tài sản của ông Trịnh Văn Quyết bị phong tỏa vẫn đảm bảo đáp ứng điều kiện để duy trì giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không theo quy định về vốn tối thiểu theo quy tại Nghị định 89 của Chính phủ (700 tỉ đồng).

Nhìn chung, ngành hàng không Việt Nam vẫn đang chịu hậu quả từ dịch bệnh nhưng với những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước cũng như động lực từ việc mở cửa du lịch từ ngày 15.3, kỳ vọng hàng không Việt sẽ "trở mình" với sự phục hồi mạnh mẽ. 

Bài liên quan
Hôm nay mở cửa du lịch: Hàng không vẫn chờ quy định nhập cảnh
Từ hôm nay, 15.3, Việt Nam chính thức mở cửa du lịch, khôi phục hoạt động đón khách quốc tế nhập cảnh như trước lúc xảy ra đại dịch COVID-19.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàng không Việt: Nơi báo lãi trăm tỉ, chỗ báo lỗ cả nghìn tỉ đồng