Hưởng ứng thông điệp “Vắc xin + 5K+ công nghệ” của Thủ tướng Chính phủ, hàng loạt giải pháp công nghệ chống COVID-19 đã ra đời và áp dụng nhanh chóng.

Hàng loạt công nghệ chống COVID-19 ra đời để hưởng ứng thông điệp “Vắc xin + 5K+ công nghệ”

Lam Thanh | 06/06/2021, 11:54

Hưởng ứng thông điệp “Vắc xin + 5K+ công nghệ” của Thủ tướng Chính phủ, hàng loạt giải pháp công nghệ chống COVID-19 đã ra đời và áp dụng nhanh chóng.

Trước sự phức tạp của làn sóng dịch COVID-19 lần này, Bộ trưởng Bộ TT-TT đề xuất thông điệp phòng, chống dịch bây giờ phải là “5K + vắc xin + công nghệ”.

cong-nghe.jpg
Nhiều giải pháp công nghệ chống dịch ra đời

Đồng tình với ý kiến này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện phương châm phòng chống từ xa, từ sớm, từ trước khi có dịch. Đặc biệt, thông điệp phòng, chống dịch bây giờ, thay vì 5K + vắc xin thì thành “5K+vắc xin+công nghệ” như đề xuất của Bộ TT-TT, đồng thời chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn mạnh Hùng cho hay, Bộ TT-TT đã thành lập trung tâm công nghệ phòng chống COVID-19, thống nhất một đầu mối toàn quốc về công nghệ, vừa phát triển giải pháp vừa vận hành khai thác hiệu quả ứng dụng của công nghệ trong phòng, chống dịch.

Trung tâm có nhiệm vụ làm đầu mối điều phối, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ, hợp tác liên quan đến kỹ thuật, công nghệ để hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19; thiết kế, tổ chức xây dựng, quản lý, vận hành, giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các nền tảng, hệ thống công nghệ phòng, chống dịch COVID-19…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các giải pháp công nghệ này không chỉ áp dụng cho phòng, chống COVID-19, mà còn có thể sử dụng lâu dài cho các đại dịch truyền nhiễm khác có thể xảy ra trong tương lai.

Từ những ngày đầu dịch bùng phát, các “vũ khí” công nghệ như Bluezone (ứng dụng cảnh báo tiếp xúc gần người nghi nghiễm COVID-19); NCovi (hệ thống quản lý tờ khai y tế tự nguyện); Khai báo y tế cho người nhập cảnh; Hệ thống ghi nhận người đến, đi các địa điểm công cộng (thông qua quét mã QR); Hệ thống bản đồ chống dịch an toàn COVID-19… tiếp tục phát huy hiệu quả cao nhất trong phát hiện, truy vết ca lây nhiễm ngoài cộng đồng.

Bắc Ninh là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19. Đối với đối tượng công nhân, Ban quản lý các khu công nghiệp đã phối hợp với Sở TT-TT Bắc Ninh xây dựng phần mềm quản lý thông tin của toàn bộ công nhân tại các khu công nghiệp, giúp cho việc quản lý, giám sát, truy vết một cách nhanh chóng khi có ca bệnh tại khu công nghiệp; đồng thời cung cấp dữ liệu kịp thời cho công tác chỉ đạo, điều hành.

Bên cạnh việc triển khai những ứng dụng công nghệ do Bộ TT-TT khuyến nghị, các địa phương tùy theo tình hình thực tế đã triển khai thêm các giải pháp công nghệ mới phòng chống dịch.

Cụ thể, các tỉnh đã đưa vào vận hành bản đồ dịch tễ COVID-19 (CovidMaps) cập nhật thông tin về dịch tại địa phương theo thời gian thực. Bản đồ giúp các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn cũng như người dân thuận tiện trong việc theo dõi, nắm bắt tình hình dịch.

Tính đến nay, đã có rất nhiều địa phương triển khai phần mềm bản đồ thông tin dịch tễ COVID-19 (CovidMaps) bao gồm: Đà Nẵng, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Quảng Nam, Gia Lai, Phú Yên, Lạng Sơn…

Cụ thể, bản đồ này cung cấp thông tin dịch tễ, như khu vực sinh sống và địa điểm tiếp xúc của bệnh nhân nhiễm COVID-19 trong 14 ngày, điểm cách ly tập trung, các vùng cách ly y tế và chốt kiểm soát dịch bệnh…, giúp người dân không di chuyển đến các điểm nóng, tránh lây nhiễm dịch.

Khi người dân có nhu cầu tìm những nơi bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã từng đến với thời gian chính xác, hệ thống sẽ tra cứu thông tin dịch tễ của bệnh nhân. Với các điểm cách ly tập trung, phần cảnh báo sẽ hiện thời gian áp dụng, số lượng tiếp nhận tối đa, số lượng người đang cách ly và số lượng có thể tiếp nhận thêm.

Công ty TMA Innovation tại công viên phần mềm Quang Trung cũng đã phối hợp cùng QTSC cung cấp ứng dụng cách ly tại nhà StayHome14. Ứng dụng kiểm soát người cách ly tại nhà là hệ thống quản lý được tích hợp với thiết bị đeo thông minh, hỗ trợ các cơ quan chức năng theo dõi và kiểm soát hành vi, tình trạng sức khoẻ của người thuộc diện nghi nhiễm COVID-19 đang phải cách ly tại nhà.

Giải pháp ứng dụng AI và IoT giúp giám sát tình trạng sức khỏe và vị trí của người cách ly thông qua điện thoại và đồng hồ thông minh. Và gửi cảnh báo đến cơ quan quản lý khi có dấu hiệu bất thường về nhiệt độ cơ thể hoặc người cách ly ra khỏi khu vực cách ly.

Còn với Hệ thống quản lý camera thông minh (Smart VMS) do Homa, một công ty khởi nghiệp trong Khu nghiên cứu và phát triển sản phẩm của Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC R&D Labs) có khả năng theo dõi việc tụ tập đông người thì hệ thống có khả năng nhận diện đám đông từ 3 – 5 người. Từ đó đưa ra cảnh báo khi có đám đông tụ tập hoặc cảnh báo khi có người xuất hiện ở khu vực không được phép, phù hợp để quán lý, phòng chống dịch COVID-19.

Hệ thống thu thập thông tin về sức khỏe POD (Personal Online Docket) do công ty Alta Software có văn phòng tại công viên phần mềm Quang Trung phát triển đã đáp ứng được phần lớn yêu cầu của các nhân viên y tế trong bệnh viện, các cơ sở y tế.

Đây là sản phẩm thiết bị phần cứng theo dạng checkin kiosk (một hình thức hành khách tự phục vụ) dành cho các bệnh viện, phòng khám với hy vọng có thể làm giảm tải công việc cho các y bác sĩ trong việc khám chữa bệnh. Các địa điểm đã lắp đặt thử nghiệm gồm Trung tâm Hỗ trợ Dự án và Đổi mới sáng tạo (GIC), bệnh viện Đại học Y dược, Bệnh Viện Thống Nhất.

Bên cạnh đó, tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội (Viettel) đã hoàn thành việc lắp đặt và kết nối tích hợp 3.000 camera giám sát tại các khu vực cách ly thuộc các tỉnh phía bắc.

Toàn bộ dữ liệu hình ảnh từ camera được tích hợp lên hệ thống quản lý tập trung tại Trung tâm điều hành giám sát. Các cơ quan quản lý phòng chống dịch có thể theo dõi toàn bộ hoạt động tại các khu cách ly từ hệ thống quản lý 24/24, hạn chế tối đa các diễn biến có thể làm trầm trọng hơn tình hình dịch bệnh.

Ngoài ra, các doanh nghiệp công nghệ cũng triển khai hệ thống phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 dành cho các công ty, nhà máy, xí nghiệp và các khu công nghiệp.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ TT-TT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo các địa phương triển khai sử dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ người dân khai báo y tế đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân. Triển khai tổng đài gọi điện tự động (Robot) để tăng cường nắm bắt các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ giúp công tác xét nghiệm sàng lọc nhanh, hiệu quả hơn.

Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương nêu một số nhóm nhiệm vụ khoa học để hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu các công nghệ mới phục vụ xét nghiệm.

Bộ TT-TT, Bộ Y tế, Tổ phân tích thông tin của Ban Chỉ đạo quốc gia phối hợp, quy tụ các doanh nghiệp, nhóm chuyên gia khẩn trương hoàn thiện các ứng dụng, phần mềm, giải pháp công nghệ để trợ giúp có hiệu quả nhiệm vụ khai báo y tế, quản lý người cách ly, truy vết, quản lý người ra vào bệnh viện, xét nghiệm, quản lý người tiêm vaccine... ; Hoàn thiện công cụ bản đồ an toàn COVID để các địa phương, doanh nghiệp, người dân tra cứu, tham gia cập nhật thuận lợi.

Bài liên quan
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàng loạt công nghệ chống COVID-19 ra đời để hưởng ứng thông điệp “Vắc xin + 5K+ công nghệ”